Tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng năm 2018: - Hồi sinh biển miền Trung (Kỳ cuối: Không để biển ô nhiễm lần nữa)

Đến thời điểm này, hậu quả từ sự cố môi trường biển năm 2016 đã dần được khắc phục và đời sống nhân dân 4 tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp cơ bản được ổn định.

Đến thời điểm này, hậu quả từ sự cố môi trường biển năm 2016 đã dần được khắc phục và đời sống nhân dân 4 tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp cơ bản được ổn định. Tình hình ANCT-TTATXH đã đi vào ổn định giúp người dân yên tâm sản xuất. Và để biển luôn sạch, phục vụ cuộc sống của người dân và kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo mới trong công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ đời sống người dân ven biển... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo không được để Formosa vi phạm lần thứ 2.

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nơi khởi nguồn của sự cố môi trường biển tháng 4-2016.

Môi trường biển ổn định

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của 4 tỉnh đạt gần 152.000 tấn, tăng 23,5% so với năm 2016. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh cũng tăng 1,4% so với năm 2016...Hoạt động kinh doanh thủy sản đã trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển, giá hải sản đã theo mặt bằng giá chung của toàn quốc. Năm 2017, du lịch tại 4 tỉnh bắt đầu phục hồi trở lại, khách du lịch nội địa đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí trong dịp lễ, tết tăng cao so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với công tác bồi thường thiệt hại, sau 2 năm cơ bản đã hoàn thành, công tác an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh đang tiếp tục được triển khai. Theo BCĐ, tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho 4 tỉnh là 6.969 tỷ đồng. Trong đó, Hà Tĩnh 1.932,8 tỷ đồng, Quảng Bình 3.000,9 tỷ đồng, Quảng Trị 1.053,5 tỷ đồng và TT-Huế 972,8 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 5-2018, kết quả chi trả đã đạt gần 99% so với số đã phê duyệt. Trước khi tạm cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ trên, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ gạo và hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền cho 4 tỉnh là 282,36 tỷ đồng. Hàng ngàn người dân vùng ảnh hưởng cũng sớm tiếp cận nguồn vốn cho vay khôi phục sản xuất. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng cho vay hơn 208 tỷ đồng để thu mua tạm giữ hơn 7.300 tấn hải sản theo Quyết định số 772 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 31-3- 2018, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong trả nợ vay ngân hàng. 237.781 thẻ BHYT cũng đã được cấp cho đối tượng bị ảnh hưởng. Công tác hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người dân đã được thực hiện khẩn trương và quyết liệt... Về công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ CA và UBND 4 tỉnh tích cực làm tốt công tác đảm bảo ANTT, nhất là dịp bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, không để xảy ra sự việc đáng tiếc. Việc giám sát môi trường đối với FHS được thực hiện chặt chẽ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh-Đặng Ngọc Sơn cho biết, sau khi sự cố xảy ra, Thường trực tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời có các giải pháp, ban hành các chính sách khẩn cấp (hỗ trợ tiền, gạo) để ổn định đời sống nhân dân, đồng thời tiếp tục rà soát, ban hành các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người dân bị ảnh hưởng. Cùng với 3 tỉnh trong vùng bị thiệt hại, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng Đề án xác định thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường. Đến nay, các hoạt động về khai thác, đánh bắt, nuôi trồng hải sản, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng ven biển... đã ổn định trở lại.

Môi trường biển trong sạch là một trong những động lực để phát triển kinh tế, xã hội.

Không được để biển ô nhiễm

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa diễn ra vào tháng 5-2018 tại tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương kết quả giải quyết sự cố đồng thời nhấn mạnh, không được để Formosa vi phạm lần thứ 2. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, môi trường là một trụ cột của sự phát triển, cùng với kinh tế, xã hội, tạo thành một tam giác phát triển. Tất cả các địa phương cần giữ gìn môi trường, đặc biệt là môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. "Từ sự cố Formosa, nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển của chúng ta, phải làm tốt hơn, không được để ô nhiễm, kể cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đánh giá chung của BCĐ, sau 2 năm triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do FHS gây ra đã được khắc phục. Môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã được công bố an toàn, ngư dân đã ra khơi đánh bắt trở lại. Cùng với đó, các hoạt động du lịch, chế biến hải sản được khôi phục. Từ tháng 7-2016 đến nay, các nguồn chất thải phát sinh từ quá trình vận hành của FHS được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường. FHS cũng đã hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, an toàn môi trường, đầu tư bổ sung và đưa vào vận hành nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường, đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.

Theo đại diện Bộ TN-MT, song song với quá trình điều tra, xác định nguyên nhân, đấu tranh buộc FHS thừa nhận là thủ phạm gây ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung và giám sát việc khắc phục vi phạm đã gây ra, Bộ TN-MT đã cùng với các địa phương tiến hành quan trắc nhằm theo dõi, đánh giá thường xuyên chất lượng môi trường biển trong khu vực bị ảnh hưởng của sự cố, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến thời điểm hiện nay, chất lượng môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và tắm biển, thể thao nước... Về lâu dài, nhằm xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường biển đảm bảo hiện đại, đồng bộ, cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung... Thủ tướng Chính Phủ đã giao Bộ TN-MT xây dựng và triển khai dự án "Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung". Đến nay, các hợp phần của dự án đã được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Bộ TN-MT đã giao Tổng cục Môi trường lắp đặt 7 trạm quan trắc môi trường không khí và 6 trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục tại 4 tỉnh miền Trung.

Kết thúc loạt bài viết này, những người viết bài tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, sự chung tay của nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường và cả từ sự nỗ lực khắc phục hậu quả của FHS, môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung nói riêng và môi trường biển Việt Nam nói chung thời gian tới sẽ không còn bị ảnh hưởng. Tạo sự vững chắc cho sự phát triển KT-VH-XH nói chung của các tỉnh miền Trung và cả nước.

Nhóm PV

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_195710_.aspx