TÁC PHẨM THAM DỰ GIẢI BÚA LIỀM VÀNG NĂM 2018: - Hồi sinh biển miền Trung (Kỳ 1: Yên tâm bám biển)

Sự cố môi trường biển do Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra từ tháng 4-2016 hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản,

Sự cố môi trường biển do Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra từ tháng 4-2016 hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống của khoảng 510 nghìn người thuộc 130 nghìn hộ dân ở 730 thôn/xóm của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế. Lợi dụng sự cố này, một số thế lực thù địch trong và ngoài nước, tuyên truyền xuyên tạc tình hình, kích động gây rối làm ảnh hưởng đến ANCT-TTATXH, môi trường đầu tư và gây khó khăn trong công tác xử lý, khắc phục sự cố. Bằng tất cả nỗ lực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn của người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung, đến nay sự cố đã cơ bản được khắc phục, người dân đã yên tâm bám biển, sản xuất trở lại.

Ngư dân xã Kỳ Lợi chuẩn bị ra khơi.

HẢI SẢN VEN BỜ SINH SÔI TRỞ LẠI

Một buổi trưa đầu tháng 9, bên bờ biển thôn Hải Phong 1, Hải Phong 2 (xã Kỳ Lợi, H. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khá nhiều du khách đến các nhà hàng thưởng thức món “mực nhảy”, một trong những món đặc sản của Kỳ Anh mà ít du khách có thể bỏ qua khi đến vùng đất này. Ngư dân Chu Văn Điền (68 tuổi, trú thôn Hải Phong 2) phấn khởi cho biết: “Năm nay tuy mực cá không nhiều nhưng được giá nên bà con cũng yên tâm bám biển. Tui làm nghề câu mực lộng, mực tươi sống. Hồi trước đi biển được 5-7 con mực chỉ đưa về nấu với mì tôm cho con ăn. Giờ họ mua mực sống theo con, mỗi con 25.000 đồng. Có mực là có tiền, tính ra mỗi đêm cũng kiếm được vài ba trăm ngàn, đêm nào may mắn hơn thì kiếm được tiền triệu”. Khi nhắc đến sự cố môi trường biển năm 2016, giọng ông Điền bỗng chùng xuống: “Nói thiệt với các chú, chứ cái giai đoạn đó dân tui khổ lắm. Mực cá đánh bắt về không ai mua, lấy mô ra tiền cho con đi học, trang trải cuộc sống hàng ngày. May cũng nhờ cấp trên giải quyết nhanh chóng nên tình hình ổn định. Người dân chúng tôi nhận được hỗ trợ kịp thời, rồi môi trường biển sạch trở lại nên cũng tạm yên tâm bám biển”. Theo ông Chu Văn Ngân-Trưởng thôn Hải Phong 2 cho biết, toàn thôn có 367 hộ với 1.260 khẩu với 80% dân số làm biển. 10% dân trong thôn làm nghề buôn bán. Số còn lại làm công nhân trong các dự án của Formosa, nhiệt điện Vũng Áng… “Sau sự cố, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại. Hiện nay, với mỗi ngư dân hành nghề câu mực nhảy, trung bình mỗi đêm họ cũng kiếm được vài ba trăm ngàn. Có hôm may mắn, kiếm 1-2 triệu mỗi đêm là chuyện bình thường”-ông Ngân vui vẻ cho biết.

Rời thôn Hải Phong, chúng tôi tìm đến khu neo đậu tàu thuyền ở thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi) để nắm bắt tình hình đời sống của người dân. Trời bắt đầu về chiều cũng là lúc nhiều phụ nữ nơi đây tập trung để bán những lô hàng thủy sản do chồng con họ đánh bắt trong ngày cho các chủ thu mua hải sản. Những con mực, con cá, tôm hùm tươi rói được bày lên khay, kèm theo đó là tiếng cười rộn rã khiến cho những suy nghĩ của chúng tôi về cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây 2 năm trước gần như tan biến. Ngư dân Hoàng Lĩnh (chủ thuyền lặn tôm hùm thôn Đông Yên) chia sẻ, thực tình mà nói thì những năm trước đây hải sản ở vùng biển này nhiều lắm. Nay thì ít hơn nhưng bù lại được giá. Vì vậy ngư dân cũng cố gắng làm lụng để ổn định cuộc sống…

Ông Bùi Đức Trình-Phó Bí thư Thường trực xã Kỳ Lợi cho hay, khi sự cố môi trường xảy ra, dưới sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, Đảng ủy xã Kỳ Lợi cũng tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân yên tâm đồng thời cũng kiến nghị lên cấp trên các khó khăn cụ thể của địa phương từ đó đã tạo được sự đồng thuận. Cho đến nay, nhìn chung người dân đã yên tâm sản xuất trở lại.

Ông Chu Văn Ngân (trái) -Trưởng thôn Hải Phong 2 (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trao đổi tình hình đời sống người dân với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng.

CẢI TẠO PHƯƠNG TIỆN ĐÁNH BẮT

Cũng như ngư dân ở Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân và những người liên quan. Nhưng dường như đến thời điểm này, mọi thứ đã qua đi và người dân đã yên tâm trở lại. Bên con thuyền vừa đóng mới 24CV từ nguồn hỗ trợ sau sự cố môi trường biển, ngư dân Nguyễn Mọ (thôn Trung Đức, xã Đức Trạch, H. Bố Trạch, Quảng Bình) vui vẻ kể: “Sau gần nửa năm để không, con thuyền cũ đã hư hỏng, nếu sửa chữa lại thì tốn kém mà hiệu quả không cao. Từ nguồn hỗ trợ được hơn 100 triệu đồng, tui bàn với gia đình đóng mới lại con thuyền để đánh bắt. Sau gần 2 tháng đưa vào hoạt động, đánh bắt đã thu về được gần 30 triệu đồng. Hi vọng mùa màng ổn định để người dân chúng tôi tăng cường đánh bắt, ổn định cuộc sống”.

Là một trong những xã biển nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, ngư dân Cảnh Dương sau sự cố môi trường cũng đã tìm mọi cách để bám biển. Chúng tôi tìm về xã Cảnh Dương đúng dịp xã tổ chức lễ hội đua thuyền mừng Quốc khánh 2-9. Người dân trong xã tụ tập đông kín cả một vùng biển dài, cùng với đó là hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân nơi đây đang neo đậu, chuẩn bị cho đợt đánh bắt mới. Điều này cho thấy không những về kinh tế, mà cả tinh thần của người dân Cảnh Dương cũng khác hẳn so với sự cố xảy ra 2 năm trước đây. Ông Phạm Đình Tiến-Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, gần 70% người dân Cảnh Dương sống bằng nghề biển nên sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân toàn xã. Tuy nhiên, đến nay việc sản xuất đã được khôi phục, ngư dân yên tâm bám biển, các hoạt động hậu cần nghề cá cũng đã sôi động trở lại.

Cũng như những ngư dân đánh bắt ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hàng trăm ngư dân ở xã Lộc Vĩnh (H. Phú Lộc, TT-Huế) sử dụng thuyền thúng để làm nghề câu mực gần bờ vào ban đêm. Khi nhận được bồi thường từ sự cố môi trường biển, ngư dân đã sử dụng số tiền đó để gắn động cơ cule-máy đuôi tôm giúp nghề câu mực hiệu quả hơn, an toàn hơn khi dong thuyền ra khơi. “Mỗi lao động đi câu mực ở vùng bãi ngang của xã từ chiều hôm nay đến sáng hôm sau, thu nhập trung bình cũng được từ 800-1,2 triệu đồng. Cũng nhờ nghề câu mực này mà nhiều gia đình có cuộc sống đầy đủ, khấm khá, đầu tư con cái học hành đến nơi đến chốn”- ông Nguyễn Xuân Bảo- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho hay.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay, nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi và người dân đã tích cực bám biển sản xuất. Sản lượng đánh bắt năm 2017 của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế đạt gần 152 nghìn tấn, tăng 23,5% so với năm 2016. Cùng với đánh bắt, các ngành nghề kèm theo như dịch vụ hậu cần nghề cá, làm mắm, nuôi trồng thủy hải sản... cũng đã ổn định trở lại với người dân 4 tỉnh miền Trung.

NHÓM PV

Kỳ tới: Vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_195575_hoi-sinh-bien-mien-trung-ky-1-yen-tam-bam-bien-.aspx