Tác phẩm mới là sự nổi tiếng chân xác

Thực ra, nhà văn khi ngồi trước bàn phím không ai nghĩ mình phải viết theo chủ nghĩa hậu hiện đại, hay chủ nghĩa huyền ảo. Cũng chẳng ai nghĩ phải viết để các nhà phê bình sinh thái, phê bình ngôn ngữ cơ thể, phê bình kí hiệu học... nghiên cứu, khảo sát tác phẩm của mình. Trong đầu họ chỉ là ý tưởng và câu chuyện muốn kể về thân phận con người cho bạn đọc nghe. Kể hay, hấp dẫn và có duyên, có giọng riêng càng thuyết phục người đọc.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh, hàm đại tá, sở hữu bút danh lạ, ông viết văn khá muộn và thành danh nhanh chóng. Ngoài giải thưởng chính thức Hội Nhà Văn Việt Nam, ông còn sưu tập một “lố” giải thưởng văn chương và báo chí khác nữa. Ông có thấy mình là người đặc biệt?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Đặc biệt với nghĩa nổi trội, đáng chú ý thì tôi không thấy mình ở đó. Đặc biệt với ý nghĩa khác biệt với cái thông thường thì rõ đúng là tôi. Không giống mọi người. Tôi có thế giới của riêng tôi, ông ạ. Cái riêng ấy không chia sẻ được cùng ai trên đời này, và dĩ nhiên cũng chẳng ai hiểu tôi. Trong cuộc sống, mình cứ chòi ra, không lẫn vào mọi người chăng?

Giải thưởng và nổi tiếng có phải mục đích cần đạt tới khi ông viết văn?

- Không. Dù rằng được giải thưởng cũng rất muốn, và nổi tiếng càng muốn. Tôi viết văn là thỏa mãn nhu cầu tự thân, và cũng muốn nói với mọi người một điều gì đó thao thức, trăn trở, lúc nào cũng canh cánh trong lòng.

Vả lại, viết văn còn là một cái gì đó thôi thúc từ gia đình. Ông nội tôi là một nhà Nho chữ đẹp nổi tiếng một vùng. Ông tôi viết hương sử, viết gia phả dòng họ và làm Chánh hội thời trước năm 1945.

Phải chăng chỉ đoạt giải thưởng thì nhà văn mới nổi tiếng? Thực tế, không phải nhà văn nào đoạt giải cũng nổi tiếng. Nhiều nhà văn vẫn nổi tiếng khi không giải thưởng mà chỉ có tác phẩm hay. Ông bình luận “sự” này thế nào?

- Nổi tiếng cũng có dăm bảy đường. Nổi tiếng do truyền thông mà tác phẩm không tương xứng thì cũng chỉ ầm ĩ ào lên như một cơn sóng rồi lại mất tăm. Nổi tiếng do tác phẩm xuất sắc thì cứ lâu dài mãi mãi, chẳng cần giải thưởng, mới in ra đã xôn xao dư luận. Đôi khi có tác phẩm đặc biệt xuất sắc đã được truyền tay nhau đọc khi nó còn ở dạng bản thảo. Có cái lâu dài, lại có cái nhất thời. Vàng thau lẫn lộn một dịp nào, rồi vàng cũng ra vàng, thau cũng rõ là thau. Giải thưởng một cuộc thi, của hàng năm,... còn phụ thuộc vào ban giám khảo nữa. Chỉ cần thay một thành viên ban giám khảo này bằng một người khác kết quả cũng thay đổi. Ban giám khảo nào thì giải thưởng ấy.

Có một sự thật không hề chối cãi là nhiều người được giải thưởng cao mà cũng vẫn bị lãng quên; còn nhiều người không được giải thưởng mà vẫn rất nổi tiếng. Tôi cho rằng tác phẩm bầu nên nhà văn.

Đọc truyện ngắn “Dị Hương”, người ta có cảm giác là ông đã chuẩn bị làm nhà văn từ khi còn rất trẻ…

- Thời còn bé ở nhà, cha tôi hay đem các điển tích, các câu chuyện Đông Chu Liệt Quốc kể. Ông hay nói đến cái chí làm trai, chí người quân tử. Tôi đọc Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký cũng rất sớm. Nhân vật kỳ tài, không gian cung đình; rồi những người anh hùng áo vải và chất dân dã, liêu trai rất ám ảnh. Cho nên hình ảnh và phẩm chất một ông vua Nguyễn Ánh trong tôi khác với mọi người hình dung.

Tôi cũng ám ảnh mùi hương. Các hương thơm đồng nội hoang sơ, thôn dã; rồi hình ảnh các người đẹp đài các như Chiêu Quân cống Hồ, Tây Phi nhan sắc với giai thoại Trầm ngư bị làm kế mỹ nhân..., trong cái đầu mơ mộng của tôi, để rồi hàng chục năm sau đi vào thân phận nhân vật Công chúa Ngọc Bình ở truyện ngắn Dị Hương. “Làm nhà văn từ khi còn rất trẻ" như ông nói, có lẽ chỉ bắt đầu như thế thôi.

Cây bút truyện ngắn nào hiện nay đáng đọc? Ông nhận định thế nào về thế hệ các nhà văn quân đội hiện nay, qua truyện ngắn, tiểu thuyết họ đã xuất bản hơn thập niên trở lại? Nếu như so sánh họ ngược với thế hệ Sương Nguyệt Minh trở về trước thì ông có nhận xét gì?

- Truyện ngắn lớp trước thì Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê... Tiếp đến là Nguyễn Huy Thiệp, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Tạ Duy Anh, Nguyễn Một, Thu Trân... Trẻ nữa là Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy...

Các nhà văn quân đội trong thời gian mà ông khoanh vùng ấy, đang viết hay dần lên. Họ đã tránh được lối viết đơn giản, thật thà, đông cứng, nặng về kể..., mà biến hóa, mới mẻ, tươi xanh. Rất tin ở họ.

Là người sáng tác đa dạng, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, bút ký, viết báo ông cảm hứng thể nào về “thể loại” truyện cực ngắn, và truyện ngắn 1000 chữ có đủ yếu tố cấu thành là tác phẩm văn học hoàn chỉnh không?

- Mọi sự vật đều vận động, không hề đứng im. Văn chương cũng thế, truyện cực ngắn đang trên quá trình vận động để hoàn chỉnh thể loại. Tôi vẫn tin truyện cực ngắn đứng vào hàng ngũ thể loại văn chương. Tuy nhiên, có một mối quan hệ rất biện chứng về “lượng” và “chất”. Lượng đổi đến một mức độ nào đó thì chất đổi. Sử dụng ít ngôn ngữ mà nói được điều gì đó giản dị, nhỏ bé đã khó thì nói đến điều lớn lao càng khó. Cho nên sức chở lớn mạnh phải là tầu sắt vượt đại dương, chứ không phải thuyền nan. Thể loại văn chương phù hợp với thể tạng thế nào thì chọn nó mà viết, ông ạ.

Tản văn thì sao? Bây giờ nhiều người viết tản văn, nhưng đọc “ổn” chỉ dăm ba vị, xin ông dành vài lời về tương lai của tản văn? Bởi báo giấy bây giờ số nào cũng có “chiếc” tản văn (tạp văn) ngồi thu lu một góc. Phải chăng thời của tạp văn đã lên ngôi? Yêu cầu của một tản văn tử tế theo quan niệm của Sương Nguyệt Minh là thế nào?

- Tờ báo có thêm mục tản văn cũng dễ trình bày, lại thêm sự phong phú, sinh động. Thời bây giờ cũng nhiều người không có thời gian đọc dài, không có năng lực đọc dài, chỉ đọc ngắn. Tản văn lên ngôi thực ra là nhu cầu cuộc sống.

Một tản văn hay, trước hết phải có cái tứ, như bài thơ phải có tứ ấy. Sau đó, phải nói lên cái điều gì đó. Cuối cùng ngôn ngữ phải hay. Tản văn thường là ngắn, không thể viết lê thê, dài dòng. Ngôn ngữ càng sinh động, hàm xúc càng chinh phục người đọc.

Tiểu thuyết Miền hoang của ông được dư luận kỳ vọng rất nhiều trước khi ấn hành. Nó được Giải sách hay toàn quốc năm 2015 và cũng từng được đánh giá là ứng cử giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn. Miền hoang- kể một câu chuyện hấp dẫn, phiêu lưu, khốc liệt, sắt máu hay là cách kể, cách viết khác (hiện đại) về câu chuyện đặc sắc (truyền thống)?

- Tiểu thuyết Miền hoang của tôi có một câu chuyện hay, ly kì, với cái tứ lạc đường, với 4 nhân vật: Gã trung đoàn trưởng tàn quân Pol Pot (Lục Thum) bị thương rập nát 1 chân. Tên lính áo đen (Rô) cục cằn, thô bạo, tàn ác. Cô gái y tá Khmer (Sa Ly) xinh đẹp. Anh lính quân tình nguyện Việt Nam (Tùng) bị bắt làm tù binh. Và một gã Dã nhân nửa người nửa ngợm bị mất một nửa bàn chân. Trải qua miên man không gian, tình huống, tâm trạng... và bị lạc lung tung trong rừng, không có đường ra, với những khốc liệt, mất mát, đau đớn giày vò, chết chóc ở miền hoang dã.

Ông có nhận thấy chúng ta vẫn chưa thoát khỏi “truyền thống” truyện ngắn thì như truyện vừa cắt cúp. Còn tiểu thuyểt thì như truyện vừa kéo dài. Cảm giác về thực trạng ấy còn đúng với tâm trạng hiện nay của ông?

- Cả nền văn xuôi nước mình nói chung là kể chuyện. Kể một trận đánh, một chiến dịch, kể một hiện tượng đời sống, kể một thân phận con người... Truyện ngắn thì kể ngắn, tiểu thuyết thì kể dài. Thi pháp tiểu thuyết không có, thi pháp truyện ngắn càng không. Hiếm hoi tác giả có ý thức tìm tòi hình thức thể hiện, hoặc là cố tìm cách thể hiện mới mà không thành. Làm cái lâu đài phải có thiết kế kiến trúc, viết tác phẩm văn chương phải có cấu trúc. Cấu trúc tác phẩm đang là cái yếu của nhiều người viết văn xuôi. Truyện ngắn cấu trúc phải khác với tiểu thuyết. Không gian, thời đại, hệ thống nhân vật, tất nhiên cả thông điệp tư tưởng của tiểu thuyết phải đồ sộ hơn truyện ngắn. Cái điều ông nói “truyện ngắn thì như truyện vừa cắt cúp. Còn tiểu thuyểt thì như truyện vừa kéo dài” ấy là sự thật phổ biến, đáng buồn.

Dự cảm về năng lực chữ của Sương Nguyệt Minh, sau “Miền hoang” ngồn ngộn hiện thực, và ám ảnh, tôi tin rằng ông vẫn còn bị tiểu thuyết mê dụ. Tôi võ đoán không? Ông có dự án tiểu thuyết mới nào không? Cuốn tiểu thuyết ông đọc gần đây nhất là cuốn nào? Hẳn ông có nhận xét về nó?

- Tôi đang viết dở dang quyển tiểu thuyết chiến tranh viết 10 năm nay chưa xong.

Tôi vẫn đọc thường xuyên. Quyển tiểu thuyết tôi đọc gần đây nhất là “Đừng kể tên tôi” của Phan Thúy Hà. Các câu chuyện chiến tranh và hậu chiến rất chân thực, xúc động, ám ảnh. Tác giả như một người chép lại cuộc đời người lính mà đọc vẫn hấp dẫn, sinh động. Đây coi như là một dạng tiểu thuyết tư liệu.

Trước đó là tiểu thuyết “Con chim Joong bay từ A đến Z” của nhà văn Đỗ Tiến Thụy. Cái tên tiểu thuyết hỏng, lẽ ra cần gợi cảm và văn chương thì nó lại bóc trần xì, nghĩ thay cho người đọc, như tên của phóng sự. Bù lại, Thụy đã đạt đến cái ngưỡng nghệ thuật là... có thi pháp tiểu thuyết. Con chim Joong là một nhân vật thì không có gì mới, nhưng khẩu súng đại liên cũng trở thành nhân vật là một sự mới mẻ của Đỗ Tiến Thụy. Đi từ “Màu rừng ruộng” đến “Con chim Joong...” cũng có nghĩa là Đỗ Tiến Thụy đi từ giản đơn đến phức tạp, đi từ sơ lược đến sinh động, phong phú. Một quyển tiểu thuyết rất đáng đọc.

Cuối cùng thì vẫn phải hỏi ông một câu hỏi kỳ cục, bởi ông đã nổi tiếng rồi, viết được đôi tác phẩm hay rồi, theo ông thì phải làm sao để có tác phẩm hay? Tác phẩm hay là tác phẩm như thế nào nhỉ?

- Câu hỏi mang tính “thời đại” này khó quá! Câu hỏi này, người ta hỏi mãi mà vẫn chưa có lời giải thỏa mãn. Ông đã hỏi thì tôi cũng nói: để có một tác phẩm hay thì có nhiều yếu tố lắm: Một là, phải có tư tưởng. Hai là, nhà văn phải đam mê, quyết liệt dấn thân. Ba là, phải có một cá tính sáng tạo,viết đến tận cùng, không tự biên tập mình theo kiểu đẽo cày giữa đường. Bốn là, phải có một câu chuyện hấp dẫn. Năm là, nội dung phải được viết, chứ không kể, bằng một thứ ngôn ngữ sinh động, ám ảnh.

Làm thế nào đã nổi tiếng rồi thì nổi tiếng thêm nữa?

- Là không cố làm cho mình nổi tiếng nữa. Cứ lặng lẽ mà đọc, mà suy ngẫm, mà viết vượt qua cái bóng của mình, và quên mình là người đang nổi tiếng.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Tham Thiện Kế (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tac-pham-moi-la-su-noi-tieng-chan-xac-tintuc422587