Tác phẩm dự thi MT 08 – 'Miền nước lũ…'

'Thả cho nó trôi đi chú ơi!' Đó có lẽ là cầu nói nhức nhối mà ám ảnh nhất của tôi trong đợt lũ hồi 15/11/2017 vừa qua. Bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng được cảnh trong lòng nước lũ đang cuồn cuộn chảy siết, nước cứ từng đợt, từng đợt dâng lên mặc cho người kêu than.

Bạn biết không? Trôi nổi trên con lũ hung thần ấy là một người đàn ông gầy gò, nhỏ bé những vấn “cố thủ” ôm khư khư cái lồng cá, thứ mà họ đã đổ hết tiền bạc của cải để đầu tư, thứ mà họ ngày đêm chăm sóc, thứ mà họ cho là quý hơn mạng sống của bản thân, thứ mà biết bao mồ hôi nước mắt đổ xuống để giữ gìn. Thế nhưng, chỉ một cơn lũ bất ngờ, chỉ một lần nước lên quá nhanh, tất cả đã bị xóa sổ trong tích tắc.

Bạn biết không? Huế – Quê hương tôi phút chốc biến thành biển nước, nó cứ như một tai họa mà mẹ thiên nhiên đã vô tình trải xuống mảnh đất thiên nhiên xứ Huế, một mảnh đất vốn đã trải qua chiến tranh đau thương, trải qua thăng trầm lịch sử, mảnh đất của những con người lam lũ chân chất, vậy mà cớ sao, thiên tai ập đến bất ngờ trên đất Cố Đô, khiến cuộc sống cơ cực của người dân nay thêm lầm than khốn khổ!

Bạn biết không? Mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách trên từng con phố đều ngập trong biển nước, kéo theo bao hệ lụy. Đi đâu cũng thấy nước, đêm về chẳng dám ngủ chỉ sợ nước lên bất ngờ thì chạy đâu cho thoát…

“Mưa xối xả trắng trời thành Huế

Nước tràn bờ cứ thế nước dâng

Lũ về lớp lớp tầng tầng

Ào ào cuồn cuộn bất thần lên nhanh”

(Ân Hồ)

Chỉ khổ người dân, những con người nhỏ bé trên mảnh đất thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đứng trước cảnh nhà cửa tan tát chìm trong biển nước mênh mông, tài sản bị lũ cuốn đi làm sao mà cầm lòng được, chưa kể đến là biết bao nhiêu con người đã ra đi mãi mãi. Tôi vẫn còn ám ảnh vụ việc xảy ra ở quê hương Phú Lộc – nơi tôi sinh ra và lớn lên, một người phụ nữ – một người mẹ – một người vợ đã xuôi theo con lũ chảy siết, để lại ba đứa con thơ côi cút, người chồng vĩnh viễn không bao giờ gặp lại người vợ của mình nữa.

Vậy tại sao? Tại sao nỗi oan ức ấy, những con người vô tội ấy phải gánh chịu. Xin thưa, đó cũng chỉ là nhân quả báo ứng, phải chăng là do chúng ta, chúng ta chặt phá rừng, đốt rừng bừa bãi; phải chăng chúng ta quá vô tình khi vứt rác không đúng quy định; phải chăng là do lòng tham không đáy của con người vì cái lợi trước mắt mà thẳng tay hủy hoại môi trường trong lành. Tất cả những điều đó đã gây ra biến đổi khí hậu, môi trường sống bị hủy họa dẫn đến hệ lụy khôn lường đã và đang đe dọa đến tính mạng của người dân vô tội.

Có ai hiểu thấu? Khi mà chính trên mảnh đất này mỗi năm phải hứng chịu hai đến ba đợt lũ, mà mỗi lần lũ lên người dân phải lao đao khốn khổ; cá chết, trâu bò chết, vật nuôi trôi nổi và cả tính mạng con người bị đe dọa. Không lẽ chúng ta cứ “giương mắt ếch” đứng nhìn vậy thôi sao? Không lẽ chúng ta không hành động khi đồng bào đang ngày đêm chống chọi với thiên tai. Hơn thế nữa, đất nước Việt Nam xinh đẹp của chúng ta đang gánh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu khác như biển xâm thực, sói mòn, sạt lở đất ở vùng núi, chưa kể đến tính trạng thiếu nước sạch sinh hoạt khi mùa nắng nóng đến trên mảnh đất khô cằn Tây Bắc, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên…

Là một sinh viên của Đại học Kinh tế Huế, lại là một người con của xứ Cố Đô bao lần chứng kiến cảnh lũ lụt tàn phá trên quê hương mình, thương lắm chứ, đau lòng lắm. Tuy nhiên, vượt lên nỗi đau thương mất mát, bản thân luôn nhủ lòng “hóa đau thương thành sức mạnh”, không cho phép mình cứ mãi đứng nhìn mất mát cứ xảy ra như vậy, để góp phần hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra, chúng ta nên chung tay bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất.

Chúng ta nên tuyên truyền thường xuyên hơn, sâu rộng hơn nữa vai trò của môi trường, tầm quan trong của môi trường trong cuộc sống của chúng ta. Hiện nay, có lẽ công việc tuyên truyền vẫn cứ còn nằm trên lí thuyết, chúng ta đang thực hiện nó một cách hời hợt thiếu trách nhiệm và cho rằng việc tuyên truyền ấy chỉ giành cho những nhà chức trách cầm quyền nhưng không “Bảo vệ môi trường là công việc chung của cả cộng đồng”.

Các đơn vị cơ quan tổ chức thường xuyên tổ chức những cuộc thi “Thành phố xanh, tỉnh thành xanh” để những người dân lấy động lực lấy đó làm tự giác thực hiện bằng những việc nhỏ nhất là giữ gìn vệ sinh nơi mình sống, chỉ cần mỗi người thực hiện một hành động nhỏ, “tích tiểu thành đại” sẽ góp phần làm cho tổng thể trong lành sạch đẹp.

Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hơn nữa những chương trình phát động trồng cây gây rừng, vì rừng là lá phổi xanh của một quốc gia, trồng thêm một cây góp phần tăng thêm sự sống cho con người. Trồng rừng phòng hộ ven biển ngăn ngừa xâm nhập, nhiễm mặn; trồng rừng đầu nguồn để giữ đất, ngăn chặn và hạn chế tình trạng sạt lở xói mòn rửa trôi ở vùng núi.

Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chúng ta cần có những biện pháp xử phạt quyết liệt hơn đối với những hành vi “tra tấn” môi trường.

Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ cần cung cấp kiến thức tầm quan trọng của môi trường và hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Hỡi các bạn trẻ, thay vì các bạn dành hàng tiếng đồng hồ để ngồi lướt Facebook một cách vô vị thì các bạn bỏ ra chừng đó thời gian đó ra để nhặt rác bảo vệ môi trường hay tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại khu dân cư, khu phố, thôn, xóm nơi bạn đang sinh sống. Thưa các bạn thay vì các bạn bỏ ra cả đống tiền để mua sắm ăn chơi thì các bạn hãy giành một phần của số tiền đó để giúp đỡ, chia sẻ những người gặp khó khăn đối với những người dân bị thiệt hại do mưa lũ.

Tôi – Một người con của đất Cố Đô, tôi hiểu được rằng bản thân đã quá may mắn khi được sống trong thời bình, thời không có chiến tranh loạn lạc. Nhưng thế hệ trẻ chúng tôi đang phải gồng mình chống lại cuộc chiến với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… tuy không có đổ máu nhưng những mất mát không hề nhỏ.

Với Huế nói riêng, thanh niên xứ Huế có thể không được có điều kiện học tập và làm việc trong một môi trường hiện đại và sôi động như ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, cũng không có nhiều điều kiện để phát huy sức trẻ của bản thân nhưng tôi chắc chắn rằng, thanh niên ở đất Cố Đô này vẫn hơn bất kì nơi đâu ở lòng yêu quê hương, yêu mảnh đất bao năm hứng chịu mọi thiên tai bão lũ, chúng tôi có sức trẻ, sự nhiệt huyết, sự đồng cảm với những con người chịu hậu quả của thiên tai.

Dựa trên những điều kiện đó, tôi nghĩ rằng với gần 50.000 sinh viên đang học tập và làm việc trong Đại học Huế, chúng ta cùng chung lí tưởng, cùng chung sự nhiệt huyết, cùng chung lòng yêu quê hương đất cùng đồng cảm với bao hoàn cảnh đáng thương do thiên tai gây ra hằng năm, chúng ta nên thành lập một Đội “Sinh viên tình nguyện vì môi trường” trong Đại học Huế.

Dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đồng cảm và nhiệt huyết của sinh viên Thừa Thiên Huế. Đội “Sinh viên tình nguyện vì môi trường” sẽ thường xuyên tổ chức phổ biến cho người dân vai trò quan trọng vì môi trường, ngoài ra đội sẽ tích cực hoạt động bằng những công việc thiết thực như phát động phong trào thu gom rá quanh khu dân cư, dọn rác ở ven sông, ven bãi biển…

Sứ mệnh của đội “Sinh nguyên tình nguyện vì môi trường” là luôn đặt vai trò và việc bảo vệ môi trường lên hàng đầu (khuyến khích là luôn phải xuất phát từ những việc nhỏ nhất chứ không phải những việc cao cả rộng lớn) chúng ta phải làm tốt những việc đơn giản mới có cơ sở để thực hiện những điều lớn lao hơn. Không những thế, đội sẽ luôn chung tay góp sức cùng người dân khắc phục những thiên tai gây ra cho họ!

Đó là với thành phố Huế nói riêng, cũng với mô hình đội tình nguyện đó, ở mỗi tỉnh thành, tôi cũng mong rằng các bạn cũng sẽ như tôi, liên kết lại với nhau, chung tay vì một môi trường trong lành sạch đẹp, một đất nước không bị mất mát bởi thiên tai gây ra!

Vâng, thưa các bạn, cho dù có bao nhiêu biện pháp đi nữa, cho dù có bao nhiêu lời kêu gọi đi nữa nhưng trong nhận thức của con người, đặc biệt là thế hệ tương lai của đất nước xem nhẹ vai trò của môi trường mà thờ ơ lãnh đạm thì mọi thứ như không hề tồn tại, hãy là một người của thế hệ tương lai, hãy hành động vì chúng ta là những con người văn minh, hãy nghĩ đến con cháu chúng ta sẽ được sống trong một môi trường không thiên tai bão lụt, hạn hán, ngay hôm nay, hãy hành động, mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều góp phần làm cho ngày mai trở nên tốt đẹp hơn – chỉ bằng một động tác nhỏ mà bạn có thể làm bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu đó là” vứt rác đúng nơi quy định…“ĐỪNG SUY NGHĨ , HÃY HÀNH ĐỘNG!”

Tác giả thực hiện:

Họ và tên: La Thị Bảo Vy

Ngày sinh: 02/06/1998

Địa chỉ: Vĩnh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế

Sinh viên: Đại học Kinh tế Huế – Đại học Huế

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/tac-pham-du-thi-mt-08-mien-nuoc-lu/