Tác phẩm 'Đạo đức cách mạng' với đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận của Đảng hiện nay

Trước yêu cầu bức thiết của thực tiễn cách mạng, đồng thời tiên liệu trước những vấn đề xuất phát từ đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực đã viết tác phẩm 'Ðạo đức cách mạng' vào tháng 12-1958. Trong tác phẩm, Người tập trung phân tích, làm rõ các yếu tố nội hàm của đạo đức cách mạng, khẳng định vai trò hết sức quan trọng của đạo đức cách mạng, chỉ rõ những kẻ thù, những hậu quả, căn bệnh phát sinh khi sa vào chủ nghĩa cá nhân; chỉ ra các biện pháp để ngăn ngừa, phòng, chống những căn bệnh ấy.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng. Ðó là điều chủ chốt nhất…”. Người cách mạng phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, hết lòng hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội (CNXH) và chủ nghĩa cộng sản, cho giai cấp công nhân và cho toàn thể nhân dân lao động. Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải cố gắng, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân.

Cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận của Đảng nói riêng cần tự mình bền bỉ trau dồi đạo đức cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hơn ai hết, đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận của Đảng, nhất là cán bộ cấp chiến lược cần thấy rõ những giá trị của tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, quán triệt sâu sắc trong lĩnh vực công tác của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 20-4-1963, Người căn dặn: “Lương y phải như từ mẫu”. Ảnh tư liệu.

Nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống mọi kẻ địch của cách mạng

Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “vạch mặt” kẻ địch chống lại cách mạng, chống lại CNXH và nhấn mạnh: Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng. Những kẻ địch đó gồm:

Một là, chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm.

Có thể thấy rằng, trong cuộc tấn công, chống phá toàn diện đối với Việt Nam, các thế lực thù địch trong và ngoài nước ráo riết nhằm vào lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, lý luận, liên tục công kích trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, thực hiện “diễn biến hòa bình” hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam, hạ thấp uy tín, tiến tới làm tan rã Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương: Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.

Để chiến thắng thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận thì hơn lúc nào hết, cần phải làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi đó là việc làm có ý nghĩa sống còn để Đảng không chỉ giữ vững vai trò lãnh đạo, thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã dạy, đồng thời tạo niềm tin, lấy lại uy tín trước nhân dân. Đó cũng chính là động lực đưa đất nước phát triển. Cần không ngừng học tập, tuyên truyền lý luận, bám sát thực tiễn, tiến hành thường xuyên và liên tục công tác tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu trong cuộc đấu tranh về tư tưởng và lý luận hiện nay-cuộc đấu tranh dù không có tiếng súng nhưng không kém phần gay go, khốc liệt và có ý nghĩa sống còn.

Hai là, nhận diện những thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là “kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ”(1).

Nhận định này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thời sự, mặc dù đất nước ta đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 30 năm đổi mới. Hiện nay đang xuất hiện mâu thuẫn giữa yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận của Đảng đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong điều kiện mới, với những rào cản khác. Tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ vẫn để lại những tác động tiêu cực đối với tư duy, lề lối làm việc của người Việt Nam nói chung, của đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận của Đảng nói riêng. Một số người do hạn chế về trình độ học vấn nên việc tiếp thu kinh nghiệm của người khác thường máy móc, ít sáng tạo. Những cán bộ này làm được việc, có kinh nghiệm, nhưng họ lại mắc phải căn bệnh “khinh lý luận”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Những anh em đó, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn”(2).

Ba là, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản là loại địch thứ ba, “còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân là làm việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng và của CNXH. Người yêu cầu mỗi đảng viên phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị… Đối với những người làm công tác lý luận của Đảng, nhận xét sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đáng suy ngẫm và còn nguyên giá trị: “Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học quần chúng, mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”(3).

Do vậy, nhiệm vụ hết sức quan trọng của những người làm công tác lý luận của Đảng hiện nay không chỉ nghiên cứu, phát triển lý luận, mà còn phải đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, đi ngược lại các giá trị đạo đức cách mạng, như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ... Chúng ta cần nhận diện mức độ nguy hiểm và tác động đa chiều, sâu rộng của các tư tưởng này trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh một cách hiệu quả thông qua các phương thức, công cụ đa dạng; đấu tranh trên cả địa hạt tư tưởng-lý luận và trong thực tiễn đời sống hằng ngày, đặc biệt là phải vạch trần bản chất, làm rõ nguồn gốc lý luận, cơ sở kinh tế-xã hội, tâm lý-văn hóa của các quan điểm, tư tưởng này.

Học tập lý luận Mác - Lênin: Ý nghĩa và phương châm

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công việc cách mạng là rất phức tạp, khó khăn và để nhận diện được hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, giải quyết đúng vấn đề thì “chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác-Lênin”. Bởi lẽ, “có học tập lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”(4).

Tuy nhiên, Người cũng cảnh báo rằng, một số cán bộ được học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng mắc phải căn bệnh lý luận suông; có đọc sách, có hiểu biết lý luận nhưng lại không biết áp dụng lý luận vào thực tế. Họ nói được nhưng không làm được. Theo Người, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ở cán bộ, đảng viên nói chung còn ở một khía cạnh nữa là: Học để trang sức chứ không phải để vận dụng vào công việc. Cảnh báo này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đúng và còn nguyên giá trị thời sự. Một thực trạng khá phổ biến hiện nay là không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đầy đủ bằng cấp chuyên môn, lý luận chính trị, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… nhưng lại không có khả năng thực sự, không đáp ứng yêu cầu công việc thực tế. Một số cán bộ đi học chỉ vì chạy theo bằng cấp; còn khoảng cách khá xa giữa bằng cấp và trình độ, năng lực thực tế.

Hơn ai hết, những người làm công tác lý luận của Đảng càng phải thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác: “Học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”(5).

Nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của những người làm công tác lý luận nói chung là: Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng; đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là những chuyên gia đầu ngành; nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới. Khắc phục tình trạng khá phổ biến hiện nay là: Cán bộ lý luận thì thiếu thực tiễn, cán bộ thực tiễn thì yếu lý luận.

Người làm công tác lý luận của Đảng còn phải biết tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận cho phù hợp với bối cảnh mới đang thường xuyên thay đổi rất nhanh chóng, thậm chí khó lường. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác lý luận nói riêng thấy được rõ những ưu điểm của kinh nghiệm thực tiễn, phát hiện hạn chế, không ngừng bổ sung, sửa đổi, phát triển lý luận; đồng thời có cơ sở để khái quát thành lý luận. Đây cũng chính là nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn mà đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận của Đảng cần nắm chắc, quán triệt và vận dụng nhuần nhuyễn.

Kỷ niệm 60 năm ngày ra đời tác phẩm “Đạo đức cách mạng”-một tác phẩm bất hủ trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, cuốn “cẩm nang” về đạo đức cách mạng, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ làm công tác lý luận của Đảng nói riêng có dịp tự soi lại mình, rút ra nhiều điều bổ ích để phấn đấu, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề ra phương châm hành động cho công việc của mình. Tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, với vai trò lý luận, kim chỉ nam soi đường cho việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đặc biệt là về đạo đức; xây dựng niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS, TS ĐOÀN MINH HUẤN, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd., t.11, tr. 605.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd., t.5, tr. 274.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd., t11, tr. 609.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd., t.11, tr. 605.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd., t.11, tr. 611.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tac-pham-dao-duc-cach-mang-voi-doi-ngu-can-bo-lam-cong-tac-ly-luan-cua-dang-hien-nay-559167