Tác nhân gây các bệnh về phổi

Tác hại của hút thuốc lá đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta đối với sức khỏe con người, gây tổn thất về kinh tế. Đặc biệt, hút thuốc lá là tác nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh lý về phổi, như viêm, ung thư phổi… Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Kỹ thuật viên Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh thực hiện xét nghiệm phát hiện bệnh phổi.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân quan trọng gây ra hơn 25 căn bệnh, như: Ung thư phổi, thanh quản, khoang miệng, da; các bệnh tim mạch, hô hấp... Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư phổi là cao nhất, gần như đứng đầu trong số các loại ung thư hiện nay. Mới đây, ông Đinh Văn Thu (SN 1952), sống tại TX Quảng Yên đã được các bác sĩ Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh chẩn đoán có khối u ở phổi. Sau khi thực hiện sinh thiết, bác sĩ kết luận ông Thu bị ung thư phổi. Được biết, ông Thu hút thuốc lào, thuốc lá từ khi 15 tuổi. Cách đây hơn chục năm, ông Thu mắc bệnh lao, sức khỏe của ông từ đó cũng ngày càng kém đi, gần đây còn ho ra máu.

Còn anh Lê Văn Dũng (SN 1978), phường Phương Đông, TP Uông Bí, đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh. Anh đã hút thuốc lá trên 20 năm. Mỗi ngày, anh hút trên 20 điếu. Cách đây 2 tháng, anh ho nhiều, khó thở, nhiều đờm thì mới đi khám bệnh. Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận anh bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Ông Đinh Văn Thu, TX Quảng Yên, được bác sĩ tư vấn điều trị bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh, cho biết: Khoa điều trị từ 100-130 bệnh nhân mỗi tháng. Trong đó, 50% người điều trị là bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là chứng bệnh phổi bị tổn thương, cuống phổi bị tắc nghẽn một phần, gây ra khó thở. Bệnh có thể phát triển lâu ngày, nhiều năm trước khi bệnh nhân có triệu chứng khó thở. Bệnh bao gồm viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng.

Theo dự báo, đến năm 2020, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ là căn bệnh gây tử vong nhiều thứ ba trên thế giới. Do thời gian ủ bệnh dài và không gây tổn thương, khó nhìn thấy được nên nhiều người chủ quan, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở mức trầm trọng.

Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá trong nhiều năm cộng với một số yếu tố khách quan cũng làm bệnh nặng lên. Và quan trọng nhất là đối với người hút thuốc lá thì bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn và hồi phục chậm hơn khi điều trị.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ảnh: Internet

Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bao gồm: Ho dai dẳng kèm khạc nhiều đờm; khó thở, đặc biệt khi gắng sức hoặc khi tập thể dục; âm thanh khò khè khi thở; biến dạng lồng ngực; tức ngực. Trong đợt bộc phát cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nếu bệnh nhân không được điều trị đúng có thể dẫn đến những biến chứng như suy hô hấp cấp tính và dẫn đến tử vong. Còn về lâu dài, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tràn khí màng phổi, khí phế thũng, tâm phế mãn tính... khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị giảm sút nghiêm trọng.

Không có cách chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đặc hiệu. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị y tế và điều chỉnh lối sống có thể giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa bệnh trở nặng. Đặc biệt là người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính phải bỏ hút thuốc; tránh khói thuốc lá và những nơi ô nhiễm không khí; chế độ ăn uống tăng cường các loại rau, thịt cá nạc, ngũ cốc; tập thể dục đều đặn hằng ngày.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập CLB Hen và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính).

Hiện nay, Quảng Ninh đã triển khai Dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản tại các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Lao và Phổi Quảng Ninh, Trung tâm Y tế TP Móng Cái. Theo đó, 4 đơn vị đã phát hiện được gần 1.500 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, trong đó có trên 1.200 người bệnh được theo dõi cấp thuốc. Bên cạnh đó, các đơn vị đã thành lập câu lạc bộ bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản. Qua đó nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong cách kiểm soát cơn hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cấp, hạn chế số lần nhập viện, phục hồi chức năng hô hấp, có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Bên cạnh đó, hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Nguy cơ viêm đường hô hấp như viêm phổi và bệnh cúm ở người hút thuốc cao hơn ở người không hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng, chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em...

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201810/phong-chong-tac-hai-thuoc-la-tac-nhan-gay-cac-benh-ve-phoi-2405784/