Tác nghiệp ở Trường Sa

Hầu như nhà báo Việt Nam nào cũng có mơ ước được một lần đặt chân đến một số đảo trong quần đảo Trường Sa và được tác nghiệp ở đó. Bởi đây không chỉ là vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc, là nơi xa xôi, cách trở về mặt địa lý so với phần lớn lãnh thổ của đất nước, là nơi đầu sóng ngọn gió... mà còn là nơi thường xuyên đối mặt với những nguy cơ rình rập của các thế lực nước ngoài. Do đó, tác nghiệp ở Trường Sa luôn có những cảm xúc đặc biệt, vừa thiêng liêng, vừa trân trọng, vừa đậm đà tình cảm, cả với đất, với người, với mỗi nhành cây, ngọn cỏ. Dù chủ đề về Trường Sa được nhiều nhà báo viết “mòn” vậy mà nhà báo nào đi Trường Sa về cũng đều có những bài viết hay, đáng để đọc...

Phỏng vấn những người lính canh giữ biển đảo.

Phỏng vấn những người lính canh giữ biển đảo.

Quả thật, nhiều nhà báo đến với Trường Sa đã tìm đến ngay những cây bàng vuông được đánh số cẩn thận thường nở hoa hồng phơn phớt tuyệt đẹp hay nhìn ngắm những cây dừa hiên ngang vươn mình trong nắng gió mà cho những trái ngọt lành... Cả những rặng mù u cổ thụ hay các bụi cây phong ba, bão táp cũng đều như có nhiều điều để nói với các nhà báo từ đất liền. Rồi còn từng bụi chuối, từng cây đu đủ, giàn mồng tơi, chậu húng lủi, thùng rau muống, luống bạc hà..., thậm chí cả bông muống biển tím nhạt cũng có bao nhiêu là cảm xúc, điều mà nhiều người chưa cảm nhận được khi còn ở đất liền. Gần như không nhà báo nào bỏ qua cơ hội được ghi hình các chiến sĩ Hải quân đang nhẹ nhàng tưới cây, cẩn thận vun gốc các luống rau hay đang quét lá để ủ làm phân bón cho cây. Hay hình ảnh các chiến sĩ ngồi nghỉ dưới tán mù u, cội bàng vuông hoặc tựa lưng bên gốc dừa cũng đều đáng để chụp ảnh, để quay phim, từ đó vẽ nên chân dung bình dị, hiền hòa của những con người hiên ngang, can trường nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Trên nhiều đảo, ngoài trồng rau, bộ đội còn nuôi heo, gà, vịt, chó... Tiếng vịt cạp cạp, tiếng heo ủn ỉn, tiếng gà cục tác... luôn tạo nên âm thanh bình dị như đang ở một miền quê nào đó. Cảm động nhất là hình ảnh những chú chó quấn lấy chân các chiến sĩ hoặc nằm yên đón nhận cái vuốt ve dịu dàng, trìu mến của các anh bộ đội. Với các anh, những chú chó không chỉ tham gia canh gác mà còn là những người bạn thân thiết, trung thành. Cứ nhìn mỗi lần ca nô có một chiến sĩ đang đứng mũi chuẩn bị cập bến và vài chú chó rối rít vẫy đuôi thì ta sẽ hiểu được tình cảm của các anh dành cho “người bạn nhỏ” của mình thế nào. Hay các anh ngồi vá lưới dưới tán cây trong ánh chiều xiên xiên nắng cũng là một hình ảnh rất đẹp mà nhà báo ghi hình có khi lại thấy sống mũi cay cay...

Dĩ nhiên, tác nghiệp với các cán bộ, chiến sĩ trên đảo là quan trọng nhất. Các nhà báo thường hỏi quê quán, công việc trước khi ra đảo, về gia đình, về cảm xúc, về kỷ niệm gắn bó với biển đảo... Có những người lính đảo rất trẻ, còn rụt rè khi nói về mình nhưng lại hăng hái, mạnh dạn hơn khi nói về nhiệm vụ giữ đảo, giữ biển, giúp đỡ ngư dân. Có những cán bộ quân y được biệt phái ra đảo mang theo nỗi nhớ vợ, nhớ con khôn nguôi, tuy có trông đến ngày trở về nhưng vẫn tỏ ý sẵn sàng ở lại thêm một thời gian nữa nếu đơn vị cần hoặc có thêm những tình huống cần sự hỗ trợ... Có những sĩ quan gần như luôn gắn bó với đảo, từ đảo này rồi về đất liền lại ra đảo khác bởi các anh có nhiều kinh nghiệm, cần phát huy khả năng tác chiến và huấn luyện cho các chiến sĩ mới... Những câu chuyện về các cán bộ, chiến sĩ thường giản dị về cách kể nhưng lắm khi lại rất sâu lắng về nội dung và thường thấm đẫm sự hy sinh của anh bộ đội Cụ Hồ... Kể cả buổi chào cờ và duyệt binh đầy ấn tượng trên đảo mà mỗi lời ca trở nên quá đỗi thiêng liêng, đến độ có người nổi cả gai ốc!

Nhà báo còn ghi nhận các hoạt động của các anh trong sinh hoạt hàng ngày, trong hoạt động sẵn sàng chiến đấu... Cần khéo chọn lựa vị trí để tránh các công sự, các điểm bố trí thế trận phòng thủ và cũng cần tìm những góc ảnh chụp hay quay phim các chiến sĩ đang tuần tra, để thấy rõ cả biển, cả trời và dáng các anh hiên ngang, lừng lững. Dĩ nhiên có những giới hạn đáng kể khi tác nghiệp ở một nơi trọng yếu như hải đảo nhưng các buổi tập luyện thể thao, các chương trình văn nghệ hay các sinh hoạt đời thường khác thì nhà báo có thể ghi nhận thoải mái. Bên ấm trà nóng hổi, có anh như “phiêu” với chiếc guitar, có anh lại cất cao giọng hát như đang biểu diễn trước rất nhiều người, có anh lại trầm ngâm nhưng không thiếu những cái vỗ tay động viên đồng đội... Trước những nhà báo xa lạ nhưng các anh lại tỏ ra thân thuộc như người đã quen biết tự lâu rồi, còn các nhà báo cũng không phân biệt người phỏng vấn hay nhân vật nữa mà đã là những người bạn rất thân! Những khoảnh khắc đó thật đẹp, bởi chiến sĩ của ta luôn vững vàng tay súng, sẵn sàng tâm thế chiến đấu nhưng lại lãng mạn, hiền hòa như ánh trăng chênh chếch hay cánh bàng vuông mỏng mảnh ngoài kia...

Nhiều nhà báo còn “xông” phòng làm việc, vào phòng nghỉ, vào bếp, vào cả nhà vệ sinh nữa... để ghi nhận được đầy đủ. Phòng ốc phần nhiều giản dị nhưng ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ; các anh gần như triệt để tái chế các vật dụng, từ ống giắt kem đánh răng, bàn chải, các ca múc nước hay chiếc gàu... đều được tái chế từ các chai nước, lon nước ngọt, hộp sữa, bình dầu ăn... Óc sáng tạo của các anh thật tuyệt vời để có thể tận dụng mọi thứ còn dùng được và giảm đến mức thấp nhất các loại rác thải...

Nếu nhà báo có dịp may, có thể gặp được những tình huống sống động để kể thêm về các cán bộ, chiến sĩ. Như một tàu cá ghé đảo để nhờ tiếp tế dầu, nước ngọt hay các nhu yếu phẩm khác, thì đây không phải là một sự trao đổi, mua bán mà là một sự kiện thể hiện tình quân dân nồng thắm. Sự ân cần, lịch sự của các chiến sĩ có khi còn thể hiện rõ hơn một nhân viên bán hàng nữa, bởi ở đây không chỉ là tinh thần phục vụ nhân dân mà còn là đồng hành với người dân trong việc giữ gìn biển đảo bởi mỗi tàu đánh cá là một cột mốc di động đánh dấu chủ quyền. Hoặc chuyện không vui nhưng vẫn hay xảy đến là có ngư dân ghé bệnh xá của đảo để cấp cứu do bệnh tình hoặc do tai nạn khi đang đánh bắt. Khi ấy, những thầy thuốc thực sự là những “mẹ hiền”, tận tình cứu chữa, giúp đỡ bằng cả trách nhiệm và tình cảm...

Công dân trẻ Trường Sa “học” tác nghiệp báo chí.

Tất nhiên, ở các đảo của Trường Sa không chỉ có bộ đội mà còn có bà con đang sinh sống, các giáo viên, nhân viên kỹ thuật... đang công tác. Những lớp học, những mái nhà, những gia đình, những đứa trẻ... đều để lại cảm xúc khó tả đối với mỗi nhà báo, bởi những hình ảnh tưởng bình dị ấy lại xuất hiện ở một nơi xa xôi thì đều có ý nghĩa lớn lao trong việc góp sức vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Nên bàn tay rắn rỏi của một ngư dân, khuôn mặt rám nắng của một chị đang phơi cá trước sân, một nụ cười trong trẻo của em thơ... đều trở thành chủ đề đẹp của các bức ảnh, các đoạn phim...

Đi Trường Sa hẳn còn được dịp tác nghiệp ở 2 điểm rất đặc biệt, rất cảm động, đến độ nhiều người đúc kết là vào dịp ấy thì thường có mưa! Đó là 2 lần làm tưởng niệm: một là tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong trận chiến ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, tại khu vực đảo Len Đao; hai là tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại khu vực thềm lục địa phía Nam, gồm những chiến sĩ đã ngã xuống trong quá trình công tác ở các đảo và các nhà giàn. Lễ tưởng niệm thường có bè hoa kết thành cờ Tổ quốc và hoa tươi thả xuống biển. Nhìn con sóng đưa bè hoa dập dềnh nhiều người liên tưởng đến hình ảnh lá quốc kỳ đã choàng lấy thân thể của các anh, những người đã hòa xác thân với biển của Tổ quốc...

Đối với nhiều nhà báo, tác nghiệp ở Trường Sa luôn mang một trách nhiệm thiêng liêng là phải chuyển tải được niềm tin về đất liền rằng các chiến sĩ của ta luôn ngày đêm chắc tay súng để giữ từng tấc biển của cha ông và chuyển tình cảm thương mến, gắn bó, sẻ chia của hậu phương lớn theo con sóng ra từng đảo. Không chỉ vậy, tác nghiệp ở Trường Sa còn là một niềm vinh dự, một nỗi tự hào lớn lao mà không phải ai cũng có được!

NGUYỄN MINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_227791_tac-nghiep-o-truong-sa.aspx