Tác nghiệp ở nơi thiên tai như nào để giữ an toàn?

Khi tác nghiệp tại hiện trường xảy ra thiên tai, phóng viên phải chọn nơi cao nhất và an toàn nhất để có cái nhìn tổng thể. 3 vậy dụng thiết yếu là bản đồ, la bàn và dây thừng.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của hơn 30 sinh viên đang theo học ngành báo chí.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của hơn 30 sinh viên đang theo học ngành báo chí.

Đây là chia sẻ của ông Hoàng Quốc Dũng- Phó Chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam, Trưởng ban Biên tập báo Tiền phong tại tọa đàm “Kĩ năng tác nghiệp báo chí trong thiên tai” vừa mới diễn ra.

Dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực môi trường, ông Dũng nhấn mạnh việc lựa chọn địa điểm rất quan trọng, đảm bảo sự an toàn của phóng viên, đồng thời, có thể bao quát tình hình.

Thiên tai thường bất ngờ kéo đến và phóng viên cần phải phán đoán trước tình hình ở hiện trường và trang bị những hành trang bảo hộ cho bản thân. “Theo tôi, ba vật dụng cần thiết nhất khi tác nghiệp ở những nơi xảy ra thiên tai là bản đồ, la bàn và dây thừng,” nhà báo kỳ cựu chia sẻ.

“An toàn phải đặt lên hàng đầu,” bà Trần Diệu Thúy, phóng viên công tác tại Thông tấn xã Việt nam cho biết: “Nếu không thể đến trực tiếp hiện trường, phóng viên có thể phỏng vấn người dân và chính quyền địa phương.” Bà Thúy cũng cho biết Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nghiệp vụ về đề tài liên quan sau khi phóng viên của mình –anh Đinh Hữu Dư - tử nạn khi tác nghiệp.

Bên cạnh đó, chuyên gia kỳ cựu của Care International Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hiểu biết về thiên tai. “Chúng ta vẫn luôn nói đến thiên tai nhưng không biết thiên tai là những gì,” bà Nguyễn Thị Yến, Cố vấn Chương trình Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Care International Việt Nam chia sẻ. Thiên tai bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

Trong điều kiện đưa tin thiên tai tại tòa soạn, phóng viên có thể khai thác thông tin từ các chuyên gia cũng như nguồn tài liệu của các tổ chức phi chính phủ, theo bà Đỗ Hải Linh, Trưởng Ban Truyền thông Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)

Tọa đàm “kĩ năng tác nghiệp báo chí trong thiên tai” được tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội. Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của hơn 30 sinh viên đang theo học ngành báo chí và các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp tại các cơ quan báo chí (Thông tấn xã Việt Nam, Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội.

Thu Hiền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tac-nghiep-o-noi-thien-tai-nhu-nao-de-giu-an-toan-post247767.info