Tác nghiệp bên ngư dân

Ánh trăng vằng vặc chiếu xuống mặt biển sáng lóng lánh, ngư dân hối hả kéo lưới, lưng áo ướt đẫm mồ hôi trong đêm lạnh. Những con cá tươi rói vừa vớt lên từ biển giãy đành đạch như muốn trở lại, vẫy vùng trong nước. Chiếc tàu rồ ga lao đến những ánh đèn nhấp nháy ngoài khơi xa mênh mông sóng nước...

Bạn chài trên tàu cá của ngư dân Võ Hải đang buông lưới.

Bạn chài trên tàu cá của ngư dân Võ Hải đang buông lưới.

Ra khơi cùng ngư dân

Nhờ sự giúp đỡ của người bạn, tôi được lên tàu cá QNg – 44218TS của ngư dân Võ Hải chuẩn bị ra khơi đánh bắt. Tàu của anh được vạn chài Thạch By cử dẫn đầu đoàn tàu cá xuất hành ra biển. Trên cabin tàu, anh cùng bạn chài trang trọng đặt tấm ảnh Bác Hồ cỡ lớn. Hình ảnh Bác vận quân phục với gương mặt hiền từ nhưng nghiêm nghị nhìn về phía biển khiến chúng tôi vững lòng ra khơi.

Khoảng 9 giờ sáng, hồi trống phát hiệu lệnh thúc giục rộn rã xen lẫn với tiếng loa thông báo xuất hành. Anh Hải nhấn ga, chiếc tàu tăng tốc đưa tôi cùng bạn chài rẽ sóng lao về phía biển giữa tiếng hò reo cổ vũ của người dân đứng chen kín trên bờ. Ra khỏi cửa biển Sa Huỳnh, thuyền trưởng Võ Hải điều khiển con tàu lượn vòng tròn vẫy chào tạm biệt đất liền. Cờ Tổ quốc và nhiều loại cờ, phướn tung bay trước gió. Hàng chục tàu cá của ngư dân tiếp nối lướt sóng vươn khơi. Từng chùm bong bóng đủ màu sắc được thả tung bay giữa trời. Xóm làng, núi đồi mờ dần trong nắng hanh vàng, sóng vỗ vào thân tàu tung bọt nước trắng xóa, biển in nền trời xanh thẳm. Những đàn cá chuồn lướt bay trên sóng khoe lớp vảy trắng bạc lấp lóa dưới nắng. Anh Hải mở máy dò cá và bẻ lái, con tàu thẳng tiến về vùng biển phía Nam, giữa mênh mông sóng nước. Tôi chập chững bước dọc trên boong tàu, lòng nôn nao nhớ đất liền, dù chỉ mới cách xa hơn 1 giờ trước đó. Biết tôi bị say sóng, một ngư dân mỉm cười, ân cần nắm tay dắt vào cabin để tránh gió. “Lần đầu đi biển, ai cũng bị say sóng như thế cả. Chú nằm nghỉ một lát rồi sẽ khỏe lại ngay thôi!” - anh động viên.

Tác giả (áo trắng, bên trái) phỏng vấn ngư dân phân loại hải sản vừa đánh bắt trên biển đêm.

Trong giấc mơ chập chờn, tôi chợt tỉnh người khi nghe tiếng hô to của thuyền trưởng Hải: “Cá cơm mồm, buông lưới”. Anh Hải đánh tay lái, tàu lượn vòng tròn trên biển để khép kín mẻ lưới dài gần 500m với chiều sâu gần 40m. Chiếc thúng chai được thả xuống nước bềnh bồng bên cạnh thân tàu. Ngư dân Võ Văn Thanh vội nhảy xuống thúng rồi lần dò theo lưới, những chiếc phao trắng tinh ẩn hiện sau những con sóng xanh đang nô đùa, vờn đuổi nhau dưới nắng vàng. Trên biển khá nhộn nhịp với nhiều tàu cá đang vội vã buông - kéo lưới. Những ngư dân đi cùng vội thu lưới và cho tôi biết rằng, hiện tàu đang đánh bắt trên vùng biển tỉnh Bình Định. Mọi người hồ hởi khi mẻ lưới thu được hơn 40kg cá cơm mồm, đặc sản của biển với giá thu mua khá cao, thường được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Anh Hải nhẩm tính được khoảng 3 triệu đồng.

Thật lý thú khi lênh đênh trên sóng nước cùng lão ngư Nguyễn Xếch và những thuyền viên ở xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Trăng sáng vằng vặc, biển đẹp mộng mơ và chứa đầy huyền bí. Sau chặng hành trình dài, tàu dừng trên mặt biển và buông neo, 16 chiếc đèn công suất 1.000W gắn hai bên mui đồng loạt bật sáng rực để dẫn dụ đàn cá. Những ngọn đèn điện trên hàng trăm tàu cá xa xa tựa khung cảnh phố thị về đêm. Lão ngư gần trọn đời gắn bó với biển thở dài: “Trăng sáng nên cá ít tập trung quanh ánh đèn điện so với những đêm tối trời. Phải nổ máy, chong đèn chờ cá đến nhiều thì mới buông lưới”. Lát sau, cá, mực kéo đến vùng nước sáng cạnh thân tàu trông khá đẹp mắt. Những con cá tung tăng bơi lượn rồi chợt lao vút lên cao và buông mình rơi trở lại làn nước xanh thẳm như muốn trình diễn vũ điệu biển khơi trước ánh sáng rực rỡ sắc vàng. Tôi cùng các ngư dân ngồi trên mạn tàu buông cần câu những con mực ống, mực lá nhấp nháy bơi lượn. Mồi câu là con tôm giả cỡ ngón tay trỏ đan bằng những sợi dây nhựa nhiều màu sắc gắn với lưỡi buộc vào sợi cước xỏ qua vòng tròn gắn trên đầu chiếc cần tre dài hơn 50cm. Chỉ một cú gẩy cần nhẹ là 2 – 3 chú tôm giả gắn vào những lưỡi câu buộc đầu sợi cước bay đi khá xa rồi rơi tõm xuống nước. Sau đó, buông dần dây cước rồi gẩy cần nhè nhẹ để những con tôm giả đa sắc luôn chuyển động cuốn hút lũ mực bơi đến đớp mồi. Và đến khi phát hiện đấy là mồi giả thì chúng đã bị kéo lên khỏi mặt nước với những chiếc xúc tua ngoe nguẩy cùng làn da lấp lánh như được dát kim tuyến.

Hơn 1 giờ sáng, máy tầm ngư hiển thị lượng cá, mực vây quanh tàu 500 - 700kg. Sau tiếng hô: “Thả đèn nhử cá” của thuyền trưởng Nguyễn Xếch, ngư dân Nguyễn Son bước xuống chiếc thúng chai đã thả xuống mặt nước rồi kéo theo chiếc đèn điện gắn vào phao rời khỏi mạn tàu. Dàn đèn cao áp phụt tắt, con tàu chồm lên như chiến mã rồi lướt trên sóng nước vẽ thành vòng tròn trên biển. Bạn chài buông lưới khép kín đàn cá đang tung tăng bơi theo chiếc đèn điện bập bềnh trên sóng. Với sự giúp sức của máy kéo, những đôi tay rắn chắc thoăn thoắt thu lưới qua chiếc ròng rọc đặt trên sàn tàu, lưng áo ướt đẫm mồ hôi giữa gió lạnh biển đêm. Họ thao tác khá nhanh gọn và nhịp nhàng như hệ thống máy được lập trình sẵn. Chiếc tàu nghiêng hẳn về bên trái vì sức nặng của giàn lưới vây rút khá lớn. Khi vòng vây dần thu hẹp, lũ cá hoảng loạng tìm cách thoát ra ngoài. Những ngư dân nhanh chóng dùng chiếc vợt khá lớn xúc cá đổ tràn trên sàn tàu. Cá nhồng, cá trích... lấp lánh vảy bạc giãy đành đạch, cá hố giương vây lưng như tỏ vẻ giận dữ vì bị kéo lên khỏi mặt nước; mực lá, mực cơm ngoe nguẩy xúc tua, khoe làn da lấp lánh dưới ánh đèn vàng. Ngư dân nhanh chóng phân loại rồi cho vào ướp đá để hải sản còn tươi rói khi trở về đất liền. “Lượng cá, mực như vậy cũng bình thường chứ không trúng lắm, đủ chi phí xăng dầu và ngày công kha khá so với những nghề khác. Nhưng biển giã mà chú! Có đêm đánh bắt được cả trăm triệu đồng nhưng cũng có lúc về tay không...” - ngư dân Nguyễn Lý bộc bạch.

Thông tín viên từ biển

Hơn 3 giờ sáng, điện thoại di động đổ chuông liên hồi. Tiếng nói của ngư dân Võ Xuân Cẩm - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang gấp gáp: “Chú em tranh thủ ra lấy thông tin! Tàu của thằng Trứ bị sóng đánh vào kè đá khi vào cửa biển Mỹ Á hư hại nặng lắm, hai đứa đi bạn bị rơi xuống biển nhưng chỉ vớt được một đứa...”. Tôi vội trùm áo mưa rồi phóng xe máy đến nơi trong đêm gió mưa mịt mù. Hàng trăm người tụ tập nơi cửa biển, ánh đèn pin lấp lóa giữa đêm đen, tiếng máy tàu và tiếng í ới của những người tìm kiếm ngư dân mất tích lẫn trong mưa gió. Thông tin về tàu cá và ngư dân gặp nạn được ghi vội vào sổ tay ướt nhòe trước khi chuyển tải đến độc giả. “Tôi cũng có điện cho một số phóng viên nhưng đứa thì ở xa, đứa đang đi học nên không đến được. Chú cố gắng đưa thông tin lên báo, đài để mọi người biết được nỗi vất vả và hiểm nguy của ngư dân!” - ông nói.

Hiện mạng điện thoại di động đã phủ sóng đến nhiều vùng biển, đảo nên việc liên lạc giữa biển với đất liền thuận lợi hơn so với trước. Thông tin tàu cá và ngư dân vừa lâm nạn trên biển kịp thời đến với tôi cùng đồng nghiệp. Lắm lúc, tôi bị truy vấn: “Mày ở đất liền sao nắm bắt được thông tin tận ngoài biển khơi nhanh vậy?”. Ấy là nhờ những người đang ngày đêm lênh đênh trên sóng nước khơi xa. Họ xem tôi là bạn, luôn lắng nghe những lời tâm sự tận đáy lòng. Nhiều ngư dân sử dụng điện thoại di động ghi lại hình ảnh tàu nước ngoài hiếp đáp, tấn công tàu cá và ngư dân Việt Nam rồi cung cấp cho phóng viên. Họ là những “cánh tay nối dài” của mỗi phóng viên, nhà báo và cả những cơ quan báo, đài, góp phần đưa nền báo chí Việt Nam ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của xã hội.

HỮU NHÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tac-nghiep-ben-ngu-dan-613153.ldo