Tác hại khôn lường của đậu bắp không phải ai cũng biết

Đậu bắp được công nhận là có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng sẽ có một số yếu tố gây bất lợi khi lạm dụng thực phẩm này.

Đậu bắp là loại thực phẩm dinh dưỡng

Đậu bắp giàu chất dinh dưỡng nhưng cũng có những tác hại không mong muốn với một số người. Ảnh minh họa

Đậu bắp giàu chất dinh dưỡng nhưng cũng có những tác hại không mong muốn với một số người. Ảnh minh họa

Theo cơ sở Dữ liệu dinh dưỡng quốc gia Mỹ, một chén đậu bắp khoảng 100 g chứa 33 calo, 1,93 g protein, 0,19 g chất béo, 7,45 g carbohydrate, 3,2 g chất xơ, 1,48 g đường. Khẩu phần đậu bắp nói trên đáp ứng 66% vitamin K, 50% mangan, 35% vitamin C, 22% folate, 14% magiê, 13% thianin cho nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Đậu bắp cũng cung cấp một ít canxi, sắt, vitamin A, niacin, phốt-pho và đồng.

Nhờ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như vậy nên đậu bắp rất hữu dụng trong việc giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, tim mạch, hỗ trợ tiêu hóa, giúp giảm cân, tốt cho phụ nữ mang thai...

Tuy nhiên, không phải ai ăn đậu bắp cũng có lợi, có một số trường hợp không nên ăn hoặc chỉ ăn với số lượng vừa phải.

Các yếu tố bất lợi của đậu bắp

Trong thành phần của đậu bắp có chứa nhiều fructan một dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy, đầy hơi ở những bệnh nhân vốn có vấn đề về đường ruột. Đặc biệt lưu ý khi lựa chọn đậu bắp để chế biến khẩu phần ăn cho những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích và một số bệnh đường ruột khác, vì họ dễ nhạy cảm với thực phẩm có hàm lượng fructan cao.

Đậu bắp là thực phẩm không tốt cho những người đã và đang bị sỏi thận. Ảnh minh họa

Theo Viện Bệnh Đái tháo đường - Tiêu hóa và Thận quốc gia Mỹ khuyến cáo, những người có tiền sử bệnh sỏi thận cần nắm rõ về hàm lượng oxalate cao có trong đậu bắp.

Thực phẩm giàu oxalate làm tăng nguy cơ sỏi thận, tác động đến quá trình hình thành một dạng sỏi thận phổ biến là calcium oxalate.

Mặt khác, đậu bắp chứa solanine vốn có liên quan với đau khớp, viêm khớp và viêm kéo dài ở một tỉ lệ nhỏ người nhạy cảm với thành phần này. Solanine cũng hiện diện trong khoai tây, cà chua, cà tím, dâu tây và atisô. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đề xuất nên hạn chế dùng solanine và điều ngược lại dường như có ý nghĩa hơn là rau quả nói chung kéo giảm tình trạng viêm.

Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng vitamin K cao có tác dụng ngược đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin - là loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa kết tụ huyết khối làm nghẽn đường dẫn máu vào tim hoặc não. Vitamin K cũng bị xem là trợ giúp cho huyết khối hình thành.

Theo kinh nghiệm ẩm thực, nên chọn đậu bắp tươi, không quá non và chỉ trữ để dùng trong không quá 3 hoặc 4 ngày. Nên rửa cả trái trước khi thái thành miếng nhỏ để chế biến thức ăn chứ không nên rửa sau khi thái để thành phần dinh dưỡng không bị hao hụt.

Minh Khôi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/tac-hai-khon-luong-cua-dau-bap-khong-phai-ai-cung-biet-a333438.html