Tác hại dài hạn từ chính sách hiện tại của Tổng thống Trump là gì?

Những hành động của ông làm xói mòn niềm tin giữa những đồng minh và đối thủ. Niềm tin một khi mất đi sẽ khó có thể lấy lại được.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Time

Tổng thống Trump đã làm những gì? Trong vòng chỉ vài ngày, Tổng thống đã phát động một cuộc chiến thương mại, lăng mạ lãnh đạo của nhiều nước đồng minh với Mỹ, đẩy NATO vào cơn sốc, gọi châu Âu là kẻ thù, tổ chức cuộc họp báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong đó ông ủng hộ quan điểm của Tổng thống Putin rằng các cơ quan tình báo Nga có thể giúp Mỹ giải quyết những vấn đề liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ đã giúp Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Có 2 lý do để tin rằng ảnh hưởng của Tổng thống Trump lên quan hệ quốc tế sẽ kéo dài mãi mãi. Những hành động của ông làm xói mòn niềm tin giữa những đồng minh và đối thủ. Niềm tin một khi mất đi sẽ khó có thể lấy lại được, kể cả vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ có ủng hộ chủ nghĩa quốc tế đến thế nào đi nữa, theo khẳng định của Bloomberg trong bài bình luận mới đây.

Thứ hai, ông đã đẩy cao tinh thần dân tộc. Cũng giống như những chính trị gia đằng sau chiến dịch Brexit của nước Anh, ông đã góp phần quan trọng tạo ra những xúc cảm mạnh mẽ thường gây chia rẽ các quốc gia. Chuyên gia kinh tế tại đại học Chinese University of Hong Kong, ông Lawrence Lau, nhận xét: “Quan điểm cô lập và bảo hộ ở nước Mỹ không tạo ra bởi Tổng thống Trump. Ông ấy chỉ đơn giản đã lợi dụng nó một cách hiệu quả”.

Tổng thống Trump rõ ràng là một vấn đề lớn với các doanh nghiệp lớn. Trước đây, giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ không muốn nặng lời chỉ trích chính sách thương mại của ông bởi họ tin rằng cuối cùng ông sẽ quan tâm đến quan điểm của họ. Họ cũng rất biết ơn ông khi ông ủng hộ họ với 2 mục tiêu chính: giảm thuế và giảm điều tiết. Và bây giờ, họ đang lo lắng khi mà thiệt hại thực sự có thể đang đến.

Cho đến nay, thị trường tài chính Mỹ đã gạt bỏ được phần lớn nỗi sợ về chiến tranh thương mại bởi lượng hàng hóa chịu thuế cao hơn không đáng kể. Chỉ số S&P 500 vẫn tăng được gần 5% tính từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia kinh tế ước tính rằng các biện pháp thuế quan áp dụng đến hiện tại sẽ không tác động mấy đến tốc độ tăng trưởng.

Tuy nhiên, những lời đe dọa và sự đáp trả tạo ra môi trường kinh doanh có thể khiến các doanh nghiệp tạm thời trì hoãn đầu tư vào các nhà máy và thiết bị mới. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế thuộc JP Morgan Chase, tâm lý kinh doanh toàn cầu, vốn liên quan trực tiếp đến thông tin về lợi nhuận, là một yếu tố giúp đầu tư toàn cầu tăng trưởng.

Thế nhưng tất cả mọi tính toán sẽ sai lầm nếu chiến tranh thương mại thực sự nóng lên. CEO của quỹ BlackRock, ông Larry Fink, cảnh báo thị trường chứng khoán có thể giảm khoảng từ 10% đến 15% nếu chính quyền Tổng thống Trump thực sự áp thuế với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Niểm tin, một khi bị xói mòn đi, sẽ rất khó lấy lại - Ảnh: Vox

Dù trưởng bộ phận tư vấn kinh tế tại Allianz SE, ông Mohamed El-Erian, khẳng định Mỹ hoàn toàn có thể chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại bởi Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn rất nhiều so với chiều ngược lại, nhưng cuối cùng kết thúc sẽ chỉ dẫn đến sự đối đầu tồi tệ hơn.

Đó là rủi ro trước mắt. Trong dài hạn, các rào cản thương mại khiến cho kinh tế toàn cầu hoạt động kém hiệu quả hơn bởi các nền kinh tế cứ phải cố gắng sản xuất ra những mặt hàng mà lẽ ra nó có thể được sản xuất ở nơi khác với chi phí rẻ hơn.

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính rằng nếu các nước khôi phục lại mức thuế của năm 1990, xóa bỏ đi hoàn toàn 30 năm giảm thuế, mức sống trung bình của thế giới năm 2060 sẽ giảm đi khoảng 14%. Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Oxford Economics, ông Jamie Thompson, khẳng định: “Những tranh chấp ngắn hạn sẽ có thể gây ra hậu quả lâu dài”.

Nếu Tổng thống Trump lựa chọn cách làm như hiện nay, ông sẽ làm yếu đi những tổ chức quốc tế đã được xây dựng từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai bởi Mỹ là trụ cột của những tổ chức này. Có thể kể đến hàng loạt tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên hợp quốc (UN), NATO, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), tất cả những tổ chức này đều được đồng sáng lập bởi nước Mỹ và cũng phục vụ cho quyền lợi của Mỹ.

Sẽ thật khó để các tổ chức này duy trì hoạt động nếu Mỹ rút đi hoặc từ chối hợp tác. Ngay ở hiện tại, những gì nước Mỹ đang làm đã gây khó cho WTO.

Một chỉ báo cho thấy ảnh hưởng của Tổng thống Trump sẽ lâu dài chính là quan điểm của quốc tế đã chống lại nước Mỹ chứ không chỉ riêng Tổng thống. Tỷ lệ chấp nhận nước Mỹ lãnh đạo toàn cầu giảm từ 48% vào năm 2016 xuống 30% vào năm 2017, thấp hơn Trung Quốc và cao hơn Nga chỉ chút xíu, theo tính toán của Gallup World Poll.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tac-hai-dai-han-tu-chinh-sach-hien-tai-cua-tong-thong-trump-la-gi-3460604.html