Tác hại của rượu bia: Nhiều hệ lụy kinh khủng hơn tai nạn giao thông

Quá tập trung vào tác hại của rượu bia đối với tai nạn giao thông có thể khiến người ta quên đi rằng, mỗi năm có đến 80.000 người chết vì rượu bia. Cùng với đó là những hệ lụy vô cùng to lớn như bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, bệnh tật, ung thư, đói nghèo...

Mỗi năm, tai nạn giao thông ở Việt Nam cướp đi gần 10.000 người. Số người bị thương, dẫn đến tàn phế thì nhiều hơn. Trong số đó, nguyên nhân từ việc uống rượu bia là rất lớn.

Tuy nhiên, rượu bia không chỉ gây ra tai nạn giao thông. Đây là loại đồ uống đã và đang gây ra các tổn hại to lớn cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong hơn 3 triệu cái chết mỗi năm do bia rượu gây ra, quá 75% là nam giới. Còn ở Việt Nam, gần 80.000 người Việt chết một năm vì uống rượu bia.

Lý do phổ biến nhất dẫn đến tử vong sau khi sử dụng bia rượu là chấn thương, chiếm 28%, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tiếp đó, 21% bởi rối loạn tiêu hóa và 19% vì bệnh tim mạch. Các trường hợp tử vong còn lại do mắc bệnh truyền nhiễm, ung thư, rối loạn tâm thần và các vấn đề khác.

Nhìn chung, bia rượu liên quan đến 200 căn bệnh, thương tật và là nguyên nhân của 5% gánh nặng y tế trên toàn cầu.

Hệ lụy của rượu bia cũng không chỉ dừng lại ở số người chết hay số người bị bệnh. Rất, rất nhiều mảnh đời bất hạnh, rất nhiều gia đình tan nát, rất nhiều đứa trẻ bị bạo hành, đói khổ, thất học, mồ côi… cũng có nguyên nhân từ rượu bia.

Nếu tìm trên google, có thể bắt gặp hàng triệu tin nói về những vụ án mạng liên quan đến rượu bia, mà trong đó, nạn nhân và thủ phạm phần lớn đều là anh em, bạn bè, chồng vợ, bố mẹ của nhau.

Rượu bia cũng khiến cho gánh nặng kinh tế đè lên vai (tuyệt đại đa số là phụ nữ) bởi các khoản chi cho rượu bia, chi cho các dich vụ y tế, pháp lý để gải quyết hậu quả, tổn thất về tài sản, phương tiện giao thông cũng như các chi phí gián tiếp khác như ốm đau, bệnh tật, tử vong sớm, xử lý các hậu quả khác liên quan đến rượu bia...

Người phụ nữ này bị chồng say rượu xích chân và dùng búa đánh vào đầu

Người phụ nữ này bị chồng say rượu xích chân và dùng búa đánh vào đầu

Đáng chú ý là tình trạng “trẻ hóa” những người uống rượu bia – cũng chính là trẻ hóa thủ phạm, nạn nhân của rượu bia.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tỷ lệ nam vị thành niên, thanh niên có sử dụng rượu bia tại Việt Nam là 79,9% & nữ là 36,5%, trong đó 66,5% nam & 22% nữ đã từng bị say rượu bia.

Tỷ lệ sử dụng rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14 – 17 tuổi) được đánh giá là cao, với 47,5%.

Còn theo điều tra sức khỏe học sinh năm toàn quốc năm 2013 (điều tra trong trường học đối với học sinh lớp 8-lớp 12) cho thấy, 23,7% có uống rượu trong 30 ngày (trước khi tham gia điều tra), trong đó nam là 31,7% và nữ là 16,5%. 43,8% học sinh đã từng uống rượu bia cho biết đã uống lần đầu tiên trước 14 tuổi; 21% đã từng say.

Trong khi đó, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng có các hành vi bạo lực sau khi uống cao gấp 6 lần

Cùng với đó, khả năng bị/gây tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần; Khả năng bị chấn thương do uống gấp gần 5 lần.

Không thể không nhắc tới một hệ lụy khủng khiếp của bia rượu đối với lứa tuổi vị thành niên/thanh niên, đó là nạn hiếp dâm, trong đó có cả những vụ hiếp dâm tập thể. Rất nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, mà nạn nhân của nó cũng là những đứa trẻ. Cả nạn nhân và thủ phạm của những vụ việc này, nếu không mất mạng thì cũng mất đi cả tương lai. Người thì bị ám ảnh cả đời, kẻ vào tù nhiều năm.

Nhiều vụ hiếp dâm, bạo hành tình dục có nguyên nhân từ rượu bia

Thế nhưng, những ngày vừa qua, trong khi đại đa số người dân ủng hộ Nghị định 100 về xử phạt nồng đồ cồn, thì có không ít người cho rằng, điều này là quá nghiêm khắc, là “mất quyền công dân”..., Họ tìm đủ lý do để cho rằng, uống một liều lượng “vừa phải” thì không thể bị phạt… Thậm chí, có người đã lên mạng cho biết nghiên cứu thành công viên thuốc nam uống giúp ống thổi không phát hiện nồng độ cồn (dù trong máu vẫn có) để “lách” luật.

Tuy nhiên, phải thấy rằng, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong hơi thở nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do bia rượu gây ra chỉ là một trong các mục tiêu của Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Mục tiêu lớn nhất của Luật này là giảm lượng tiêu thụ rượu bia, từ đó giảm tác hại của rượu bia đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn là một lợi ích không phải bàn cãi, trước hết là với người uống rượu bia, và sau đó là cho người thân của họ cũng như những người đi đường. Không chỉ phạt hành chính, mà còn cần phải có những hình phạt tăng nặng với những người vượt ngưỡng cao nhất, ví dụ như lao động công ích, nhặt rác, làm sạch sông Tô Lịch, thậm chí là giam giữ… để tăng tính răn đe.

Hơn thế nữa, những biện pháp làm giảm lượng tiêu thụ rượu bia như: Hạn chế quảng cáo; hạn chế giờ bán, điểm bán, tuổi bán; đánh thuế cao… cũng cần phải được thực thi một cách đồng bộ và đủ mạnh.

Việc quá nhấn mạnh vào chuyện chỉ không lái xe khi đã uống rượu bia mà quên đi những tác hại to lớn khác của loại đồ uống này dễ khiến người ta bị “lạc lối” trong suy nghĩ và hành động, như kiểu: “Đi grab, taxi để uống cho thoải mái”; hay “Tôi uống ở nhà, tôi say ở nhà là việc của tôi”, hay là tìm cách để không bị phát hiện nồng độ cồn sau khi đã uống say.

Mà khi "quên" những tác hại đó, rất khó có những chính sách, những hành động thực sự có hiệu quả đối với loại "ma men" này.

Chi phí cho tiêu thụ bia ở Việt Nam khoảng trên 4 tỷ USD/năm (2018 với 4,67 tỷ lít, chưa kể đến 70 triệu lít rượu công nghiệp & hàng trăm triệu lít rượu thủ công …), bình quân khoảng 420 USD/người/năm trong khi chi tiêu cho y tế theo Tài khoản y tế Quốc gia vào thời điểm 2013 chỉ có 113 USD/người/năm đó là chưa kể đến chi tiêu gián tiếp cho giải quyết hậu quả do rượu bia.

Năm 2017 ngành công nghiệp rượu bia nước giải khát nộp ngân sách nhà nước là 50.000 tỷ VN đồng (=2,17 tỷ USD), tương đương 0,9% GDP; trong khi phí tổn do rượu bia gây ra ở nước ta giả sử với mức trung bình của thế giới là 2% GDP & chi phí cho tiêu thụ rượu bia cùng kỳ là trên 4,3 tỷ USD, như vậy là nhiều gấp hơn 2 lần so với mức nộp ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, tổn thất tổn thất do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia ước tính chiếm khoảng 1% GDP (WHO); Tổng chi phí trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính, là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP (năm 2012)

Ngoài ra, chi phí y tế trực tiếp chưa kể đến chi phí nuôi dưỡng & chăm sóc bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần do rượu rất cao (500.000 - 1.000.000đ/ngày), gây gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình và xã hội.

Đặc biệt, hậu quả đối với kinh tế gia đình do rượu bia cũng rất kinh khủng. Ước tính, tổng thiệt hại kinh tế do 5 loại hậu quả này đối với hộ gia đình ở nước ta là 8.882 tỷ đồng trong năm 2017 (xấp xỉ 0,2% GDP). Ít nhất 25,3 triệu ngày công lao động của thành viên hộ gia đình (chỉ tính trên người có tai nạn) đã mất đi trong năm 2017 do phải giải quyết 5 hậu quả trên. Con số thực tế về thiệt hại kinh tế đối với hộ gia đình do các hậu quả này này có thể còn cao hơn.

Nghiên cứu cho thấy 11,6% hộ nghèo & cận nghèo đã bị thiệt hại về kinh tế do các hậu quả của sử dụng rượu bia; 9,1% hộ nghèo & cận nghèo cho biết người lao động chính trong gia đình đã mất thu nhập do nghỉ lao động để giải quyết hậu quả; 3,9% hộ nghèo đã phải vay mượn tiền để trang trải các khoản chi phí liên quan

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/202001/tac-hai-cua-ruou-bia-nhieu-he-luy-kinh-khung-hon-tai-nan-giao-thong-f1e2915/