Tác giả tượng đầu thú mình người khỏa thân: 'Đau xót cho nghệ thuật'

Phản hồi của Trần Minh Tuấn, tác giả 12 bức tượng tại Khu du lịch Hòn Dáu gây xôn xao dư luận vừa qua.

Tác giả tượng 12 con giáp khỏa thân: Đau xót cho nghệ thuật

Tác giả tượng 12 con giáp khỏa thân: Đau xót cho nghệ thuật

Bắt đầu từ những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, chuỗi tượng 12 con giáp đầu thú thân người khỏa thân toàn phần tại khu du lịch Hòn Dáu, Đồ Sơn đã gây tranh luận trái chiều. Trong đó, phần đông ý kiến chỉ trích các bức tượng là phản cảm, dung tục. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn, tác giả của những bức tượng trên.

Thưa anh, 10 năm trước khi sáng tác các pho tượng, anh có lường trước cơn bão ngày hôm nay?

Bão thì không. Tôi là người làm nghệ thuật, chỉ quan tâm tới nghệ thuật thôi. Nhưng thực ra tôi cũng đã biết sẽ có những người không hiểu các tác phẩm này. Nghệ thuật của chúng tôi đôi khi không có tới nổi 2% người am hiểu các sáng tác. Đạt tới 2% đó thì coi như đã là thành công lớn!

Anh có kiến giải gì về các ý tưởng hơi... lạ lùng của mình?

Về yếu tố 12 con giáp, Văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Á Đông chúng ta tin vào việc mỗi cá nhân ứng với một con giáp. Theo đó, tôi đã suy nghĩ về việc sáng tác một bộ tượng nghệ thuật 12 con giáp theo thông điệp: "Tất cả chúng ta dù là ai, con giáp gì, đều được tạo hóa ban tặng cho một thân hình da thịt hoàn mỹ, đẹp đẽ, là một kiệt tác của thiên nhiên, còn cái riêng, cái tôi, cái khác là ở phần linh hồn, phần tướng tinh, nó ứng với mỗi con giáp của mình”.

Về yếu tố khỏa thân, việc diễn tả bộ phận sinh dục trần tục cũng là lẽ đương nhiên của một tác phẩm nghệ thuật thuần khiết không thể thiếu trên cơ thể chứ không mang tính dung tục. Các ý tứ dù là tả thực hay cách điệu trong bộ tượng là để ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết về hình thể và cái đẹp cao thượng về tinh thần của loài người nói chung và người Á Đông chúng ta nói riêng.

Nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn (bên trái), tác giả tượng 12 con giáp khỏa thân

Anh có nghĩ nếu các tác phẩm này mà đặt trong bảo tàng, các không gian nghệ thuật riêng tư thay vì nơi công cộng thì chắc sẽ không bị ném đá?

Khi sáng tác, tôi hoàn toàn ý thức rằng tượng sẽ đặt ở nơi công cộng. Tôi làm ra để tặng cho khu du lịch Hòn Dáu.

Nhưng bạn chỉ cần lên mạng, hoặc nếu đã từng đi du lịch thế giới sẽ biết có những công viên công cộng người ta còn làm cả một tượng đài khỏa thân to, thậm chí là tượng của riêng một bộ phận sinh dục. Ở Nhật Bản có cả một lễ hội tôn thờ dương vật. Ấn Độ có chùa điêu khắc các tư thế sinh hoạt tình dục. Ngay cả Việt Nam, có những đình chùa dựng cách đây 5 thế kỷ đã có tranh chạm nổi về yếu tố phồn thực. Công cộng cả đấy thôi, mà lại còn là nơi có tính chất linh thiêng.

Không chỉ là khán giả phổ thông, giới điêu khắc, mỹ thuật hoặc quản lý cũng có những người không vừa lòng với các bức tượng này, anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ rằng giới chuyên môn kể cả là những người có tiếng, có chức sắc thậm chí "tai to mặt lớn" đi chăng nữa cũng chưa chắc đã hiểu được nghệ thuật chín chắn. Họa sĩ Van Gogh chẳng phải từng uất hận về giới đồng nghiệp của mình tới nỗi cắt tai và sau cùng là tự tử đó sao. Nghệ thuật luôn tồn tại những trường phái ban đầu bị ném đá kinh lắm, nhưng sau đó lịch sử phán xét lại và được công nhận, có đất để sống.

Và hình như anh tin tưởng các tác phẩm mình cũng sẽ có độ lùi thời gian như vậy?

Chính xác!

Nhưng thưa anh, sự thực hình như hơi ngược. Tức là các bức tượng của anh ban đầu vô sự, nhưng sau độ lùi khoảng 10 năm thì nó bị ném đá!?

Đó là hệ lụy của mạng xã hội bạn ạ. Tôi là người cực kì ghét mạng xã hội, nhưng tiếc thay giờ lại thành tâm điểm của nó. Tôi đồ là ngay cả ông Cục trưởng cục Mỹ thuật (Cục trưởng Cục Mỹ Thuật Vi Kiến Thành đã có ý kiến phản đối các bức tượng này - PV) chắc cũng chưa bao giờ bước chân tới nơi xem bức tượng một cách cụ thể. Có khi ông ta chỉ nhìn trên mạng, hùa theo số đông mà thôi.

Vậy phản hồi của dư luận anh đã nhận được lời khen ngợi nào chưa?

Hồi âm của công chúng thì tôi nghĩ bạn trao đổi với chú Thiềng (Hoàng Thiềng, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dáu - PV) sẽ rõ hơn tôi. Tôi chỉ biết một điều có những bức tượng được người ta tiếp xúc tới... nhẵn cả ra rồi. Tôi tin là phải có nhiều người quan tâm tới nó.

Bức tượng được tạm thời mặc quần sau những chỉ trích của dư luận và yêu cầu của Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng

Giờ thì cách xử lý tạm thời của khu du lịch là mặc quần, váy cho bức tượng. Anh nghĩ sao?

Một cách làm rất buồn cười. Và cũng hơi đau xót cho cái gọi là nghệ thuật. Chẳng khác gì câu chuyện đẽo cày giữa đường. Nghệ thuật từ ý đồ của nghệ sĩ giờ thành thứ phục vụ số đông theo ý nghĩa của mọi người. Nói thật, giờ mặc quần vào trông nó còn tục hơn cả lúc chưa mặc.

Cho anh cơ hội đối thoại với những ai chỉ trích, anh sẽ nhắn gửi điều gì?

Tôi hi vọng mọi người nhìn nó với con mắt và dưới góc độ của người làm nghệ thuật, chứ không nên nhìn một cách phiến diện, hay nghe người khác nói rồi hùa theo.

Xin cảm ơn anh!

Phát biểu trên Dân trí, họa sỹ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ bộ tượng này không những không có tính thẩm mỹ mà còn phản cảm. Có hai lí do để khẳng định điều đó. Thứ nhất, về mặt nội dung, thông điệp của tác phẩm khi mang đến cho người xem ở đây không có. Ở một số nước trên thế giới, người ta tạc tượng nhân sư tức đầu người - mình thú, còn ở đây thì làm ngược lại kiểu đầu thú - mình người. Người ta làm tượng nhân sư để hướng đến giá trị nhân văn. Nghĩa là con thú có như thế nào đi chăng nữa người ta vẫn mong muốn chúng có suy nghĩ và tình cảm của con người bởi con người là tinh hoa nhất của vũ trụ. Còn ở đây không hiểu theo triết lý gì mà lại làm ngược lại. Xét về tư duy là rất tùy tiện. Chính vì thế mà không có giá trị gì về mặt nhân văn cả. Về mặt nghệ thuật cũng không có gì để bàn bởi nó là sản phẩm tùy tiện kiểu giao cho người thợ đục đá theo ý tưởng của người đặt hàng mà thôi.

Ông Thành cho biết đang dự thảo văn bản trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký liên quan đến chuyện đặt các tác phẩm tượng - biểu tượng ở những nơi công cộng. "Nếu cá nhân/tổ chức làm tượng đặt trong nhà riêng thì ai can thiệp nhưng nếu đặt ở những vị trí công cộng thì chắc chắn phải chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Kiểm soát ở đây là kiểm soát về mặt nội dung, nghệ thuật… để đảm bảo những tác phẩm được đặt ở vị trí đó ít nhất cũng phải mang giá trị nhân văn, phải mang lại mỹ cảm cho đời sống hoặc môi trường sống của con người", Cục trưởng Thành khẳng định.

Nhật Minh (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tac-gia-tuong-dau-thu-minh-nguoi-khoa-than-dau-xot-cho-nghe-thuat-d249383.html