Tác giả trẻ tiếp cận bạn đọc như thế nào?

Bên cạnh việc trau chuốt cho tác phẩm hay, nhiều tác giả trẻ hiện nay không còn chờ 'hữu xạ tự nhiên hương', mà tìm cách đưa tác phẩm đến người đọc một cách hiệu quả.

Dạo quanh các nhà sách của thành phố, người đọc dễ dàng nhận ra khu vực sách Việt chủ yếu bày bán những tác phẩm viết cho giới trẻ của các nhà văn thuộc thế hệ cuối 8X, đầu 9X như Anh Khang, Hamlet Trương, Jun Phạm, Iris Cao hay Phan Ý Yên.

Các cây bút hiện nay, bên cạnh việc bắt trúng tần số cảm xúc của độc giả trẻ, còn biết cách trân trọng bạn đọc của mình, không chỉ ở ngoài đời mà cả trên mạng xã hội.

Thời đại 4.0, Internet phát triển, mạng xã hội và các kênh truyền thông được coi là “lối đi có sẵn” để xây dựng những tên tuổi cho các nhà văn chuyên viết về giới trẻ, giúp đưa tác phẩm của mình đến với nhiều độc giả hơn.

Những năm gần đây, Thả thính chân kinh, Thương nhau để đó, Nếu như không thể nói nếu như, hay gần đây nhất là 199 mấy - hồi ấy làm gì? đã tạo dấu ấn bởi màu sắc tươi mới và sự gần gũi đời thường.

 Sách 199 mấy - hồi ấy làm gì? của tác giả Trang Neko và họa sĩ X.Lan. Ảnh: Wings Book.

Sách 199 mấy - hồi ấy làm gì? của tác giả Trang Neko và họa sĩ X.Lan. Ảnh: Wings Book.

Không chỉ “hữu xạ tự nhiên hương”

Trang Neko là nhà văn trẻ vừa chào sân với món quà kỷ niệm giúp độc giả 8X, 9X nhớ về tuổi thơ với cuốn sách tranh được họa sĩ X. Lan minh họa: 199 mấy - hồi ấy làm gì?

Hiện nay, hầu hết nhà xuất bản (NXB) đều có bộ phận PR. Sách của Trang Neko cũng không ngoại lệ. Nhà văn tự nhận mình là người khá thụ động trong việc quảng bá sản phẩm và vẫn dựa vào “hữu xạ tự nhiên hương”.

“Tác phẩm tốt vẫn sẽ được đón nhận dù PR nhiều hay ít. Trên thực tế 199 mấy - Hồi ấy làm gì? đã làm được điều đó. Nhưng khi sản phẩm đã gây được tiếng vang khiến các kênh truyền thông như đài truyền hình hay báo điện tử mời nói về tác phẩm thì mình vui mừng đón nhận, bởi đó cũng một cách hỗ trợ cho việc PR sản phẩm của mình”, tác giả của cuốn sách chia sẻ.

Không thể phủ nhận rằng đơn vị phát hành hiện nay đã làm khá tốt vấn đề truyền thông cho cuốn sách bằng cách đăng tải những nội dung viral, hay tổ chức sự kiện với minigames, thử thách tương tác.

Nội dung cuốn sách, nếu có sức lan tỏa, sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của giới báo chí và truyền thông. Việc tổ chức sự kiện cũng được coi là phương thức hiệu quả để đưa tác phẩm đến gần độc giả (cụ thể, sự kiện gần đây của Wings Book - NXB Kim Đồng cho cuốn sách này thu hút hơn 400 sinh viên tham gia).

Tuy nhiên, không để mình quá tụt hậu so với thị trường, ngoài việc chia sẻ các thành tích của tác phẩm lên mạng xã hội, Trang Neko cũng tạo cho mình trang Blog để viết một số tản văn về đề tài ưa thích.

Kết nối với độc giả qua các kênh truyền thông

Nếu như trước đây, các nhà văn chỉ cặm cụi viết và trông chờ tác phẩm của mình sẽ “lọt vào tầm ngắm” của các NXB, thì giờ đây, nhiều cây bút viết về giới trẻ đã chủ động trong việc liên hệ với các NXB.

Hamlet Trương là một ví dụ. Từ những ngày đầu làm nghề viết, chàng ca - nhạc sĩ, MC đã tự cầm bản thảo đến công ty sách để mong chờ một cơ hội.

Tác giả của cuốn Người lớn không khóc chia sẻ: “Khi cơ hội đến thì mình tranh thủ tận dụng. Mạng xã hội phát triển, tác giả trẻ ra sách dễ dàng hơn, các công ty cũng 'săn' tác giả mới dễ dàng hơn ngày xưa. Mạng xã hội hỗ trợ rất nhiều cho việc mang một cuốn sách đến tầm mắt người đọc”.

Tuy thụ động trong việc quảng bá tác phẩm qua các kênh truyền thông, Trang Neko cũng phải thừa nhận rằng phương thức lập page trên mạng đem lại hiệu quả cao, nhận được lượng độc giả online ổn định.

Giới trẻ ngày nay luôn tâm niệm đã qua rồi cái thời chỉ nhờ nhà sách và hội sách mới biết đến tác phẩm. Tác giả Jun Phạm cho biết bên cạnh việc viết những tác phẩm nhẹ nhàng, gần gũi với độc giả, thì PR là chiến lược cần thiết.

“Không một nhà phân phối mặt hàng nào chịu ngồi yên một chỗ để khách hàng tự nhiên đến. Và sách cũng không ngoại lệ”, tác giả của cuốn Thức dậy, anh vẫn chỉ là mơ khẳng định.

“Việc của Jun là tích cực giao lưu với độc giả yêu mến sách của mình, hợp tác với NXB để thúc đẩy đưa sách đến tay độc giả bằng nhiều hình thức trên mạng xã hội”, Jun Phạm nói.

Mỗi cuốn sách phải tự tỏa hương

Vừa mang trong mình khiếu văn chương, vừa thể hiện mình trong nhiều lĩnh vực khác (MC, viết nhạc, làm truyền thông..), nhiều tác giả như được “chắp thêm đôi cánh” để đến với bạn đọc hiệu quả hơn.

Nhà văn Anh Khang. Ảnh: NVCC.

Chào sân câu chữ với Ngày trôi về phía cũ từ gần 10 năm về trước, Anh Khang được mệnh danh là “nhà văn triệu bản” với những tản văn đánh trúng thị hiếu người đọc. Các buổi ra mắt sách của anh luôn thu hút đông đảo độc giả trẻ.

Anh Khang quan niệm: “Sách vở vốn dĩ là câu chữ. Cách tiếp cận bạn đọc tốt nhất là từ câu chữ đến tâm hồn. Dù có sử dụng mạng xã hội, hay kênh truyền hình thì câu chữ vẫn là điều cần thiết để truyền tải tư tưởng, tình cảm của nhà văn, để độc giả thấu cảm với những trang viết của mình”.

Cả thập kỷ trước, cây bút chớm nở ấy có thói quen viết notes trên Facebook và entry trên Blog 360.

Nhà văn 8X may mắn sống trong thời mà Blog 360 và Facebook vừa chuyển giao với nhau. Mạng xã hội khi đó là cái nôi của câu chữ, đóng vai trò rất lớn trong việc dung dưỡng tinh thần để gửi gắm nỗi lòng của mình.

“Những tác phẩm của Khang được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, xuất bản trong khoảng thời gian phù hợp nhất để đến với độc giả một cách rộng rãi nhất”, nhà văn cho biết thêm.

Suy cho cùng, mạng truyền thông là cách tốt để PR cho một tác phẩm, nhưng hiệu ứng đám đông tốt nhất sẽ luôn đến từ sự thấu cảm và đồng điệu với những gì các tác giả muốn truyền tải. Muốn có được “hữu xạ tự nhiên hương” thì bản thân mỗi tản văn phải là một mùi hương.

Huế Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-gia-tre-tiep-can-ban-doc-nhu-the-nao-post1198985.html