Tác giả tiểu thuyết 'Người không mang họ' đột ngột qua đời

Nhà văn Xuân Đức, tác giả cuốn tiểu thuyết hình sự nổi tiếng "Người không mang họ" đã đột ngột qua đời vào khoảng 21 giờ ngày 20-6-2020 sau một tai nạn khiến người dân Quảng Trị, bạn bè yêu quý bàng hoàng, thương xót. Ông tên thật là Nguyễn Xuân Đức, sinh năm 1947, quê xã Vĩnh Hòa, H. Vĩnh Linh, Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 Vĩnh Linh, ông thoát ly tham gia tiểu đoàn 47 quân địa phương Vĩnh Linh. Sau đó, ông tham gia viết báo quân đội. Năm 1979, ông theo học Trường viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp về nhận nhiệm vụ tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị QĐND và công tác cho đến ngày giải ngũ với quân hàm Trung tá. Sau giải ngũ, ông chuyển chuyển công tác tại Sở VH- TT tỉnh Quảng Trị, giữ chức Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở, đến năm 2006, ông nghỉ hưu.

Nhà văn Xuân Đức sinh thời sống rất giản dị, hòa đồng.

Nhà văn Xuân Đức sinh thời sống rất giản dị, hòa đồng.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nhà văn Xuân Đức gắn với nhiều tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng như "Người không mang họ" (1984), được trao Giải thưởng Nhà nước; tác phẩm "Tượng đồng đen một chân", "Cửa Gió", "Bến đò xưa lặng lẽ"... và nhiều kịch bản sân khấu khác. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2015, ông là 1 trong 18 nhà văn trong toàn quốc được tôn vinh có Những trang sách vàng 70 năm CAND, buổi lễ tôn vinh do Bộ CA phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức tại Hà Nội.

Sau lễ vinh danh này, người viết may mắn được gặp gỡ ông và bạn đời ngay tại ngôi nhà xinh xắn ở TT Cửa Việt để nghe ông chia sẻ về tiểu thuyết "Người không mang họ" dù hơn 30 năm sau khi được hoàn thành (1983), xuất bản (1984) và chuyển thể thành phim cùng tên, tiểu thuyết hình sự "Người không mang họ" vẫn chưa ngừng khiến bạn đọc, khán giả ngưỡng mộ, mê mẩn, tò mò, "truy xét" số phận thực hư của các nhân vật, trong đó có hình ảnh nữ chiến sĩ An ninh CA thị xã Đông Hà sắc sảo mang chiều sâu nội tâm và cuộc truy xét băng nhóm tội phạm đầy gian nan của CA thành Vinh mà Trương Sỏi là cái tên quá ấn tượng. Ông bảo, tiểu thuyết là hư cấu nhưng nhân vật chính có một phần từ nguyên mẫu khiến nhiều người vẫn lầm tưởng cuộc đời của Trương Sỏi là thực. Ông chia sẻ, ban đầu chỉ lấy câu chuyện phá án làm cái cớ, còn hạt nhân vẫn là nói đến Trương Sỏi, một thân phận, tâm thế day dứt, khắc khoải đặt vào hoàn cảnh cảnh trớ trêu trong một giai đoạn lịch sử khiến nhân vật mang "tầm" khác hẳn...

Mặc dù dồn tâm sức vào nhân vật "người không mang họ" nhưng nhà văn Xuân Đức vô cùng tâm đắc với nhân vật nữ an ninh được đặt tên rất đẹp là Khánh Hòa. Ông nhấn mạnh, những nhân vật CA trong tác phẩm hoàn toàn không có nguyên mẫu sẵn nhưng tính cách, khí khái và tinh thần đấu tranh chống tội phạm là những điều ông và nhân dân bắt gặp, tiếp xúc hàng ngày từ các chiến sĩ CA và qua kể lại hành trình phá án. Người viết được ông chia sẻ khi viết về phần cuối tiểu thuyết, để nhân vật Khánh Hòa tham gia, phối hợp truy bắt Trương Sỏi với tinh thần quyết liệt, tấn công tội phạm đến cùng trong khi nữ CA này từng có tình cảm sâu sắc và vẫn đau đáu chưa phai về hình ảnh chàng trai gánh sắt, phụ rèn, đánh cướp năm xưa. Ông cho hay, người chiến sĩ CA biết nén nỗi đau, cái riêng để thực hiện chức trách, chống lại cái ác, giữ bình yên cho mọi người. Nhưng cảnh cuối Khánh Hòa đứng bên mộ tử tù Trương Sỏi trong nắng chiều sắp tắt, nỗi lòng, sự nhân văn ấy người đọc có thể cảm được.

Có thể nói, qua hình ảnh nữ chiến sĩ an ninh được xây dựng có một quá trình từ những ngày hoạt động bí mật trong thời gian chiến tranh đến sau giải phóng gắn với lịch sử đáng nhớ của thị xã Đông Hà, hay CAH Vinh đấu tranh truy xét băng cướp cho bạn đọc cảm nhận sự gian nan vất vả của người chiến sĩ CA trong cuộc chiến đấu thầm lặng, đầy cam go và chịu nhiều hy sinh mất mát, trước nhiệm vụ thiêng liêng, tất cả vì sự bình yên của nhân dân. Và những dấu ấn đẹp đẽ ấy luôn lung linh trong tâm khảm của người dân đến bây giờ và mãi mai sau.

Càng nhớ lại càng trân quý nhà văn tài danh. Xin vĩnh biệt ông!

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_226787_tac-gia-tieu-thuyet-nguoi-khong-mang-ho-dot-ngot-q.aspx