Tác giả 'Tiếng thu' mộng mơ, lơ đãng đến mức nào?

'Tôi không thấy một con người nào lại có chất thi sĩ dày đặc trong tâm hồn và trên thể xác như Lưu Trọng Lư', Nguyễn Vỹ viết.

Thi sĩ là những người có cách nhìn rất khác biệt. Cách nhìn ấy được người ta cho là mơ mộng, là người trên mây trên gió, chẳng mấy thực tế.

Ở đời ít người lơ đãng như thế

Điều này không biết đúng được bao nhiêu, nhưng với những gì tác giả Nguyễn Vỹ viết về Lưu Trọng Lư trong sách Văn thi sĩ tiền chiến thì quả thực là đúng.

Ngay từ những dòng đầu tiên của bài viết về Lưu Trọng Lư, tác giả đã nhận xét: “Tôi không thấy một con người nào lại có chất thi sĩ dày đặc trong tâm hồn và trên thể xác như Lưu Trọng Lư”.

Còn trong cuốn Thi nhân Việt Nam, tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân đã dành cho Lưu Trọng Lư những dòng như: “Ở đời ít có người lơ đãng hơn... Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết”.

 Nhà thơ Lưu Trọng Lưu (ở giữa) với các diễn viên. Nguồn: Văn nghệ Công an.

Nhà thơ Lưu Trọng Lưu (ở giữa) với các diễn viên. Nguồn: Văn nghệ Công an.

Lưu Trọng Lư hình như chỉ chăm chú chạy theo những ý tưởng của mình, mải miết với “nàng thơ” tận đẩu đâu, nên ít để ý đến những thứ bình thường trong cuộc sống.

Trong Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ kể có lần ông đến rủ Lưu Trọng Lư đi chơi, hai người đi trên phố Đồng Khánh, thỉnh thoảng lại thấy có người nhìn mình rồi cười. Lưu Trọng Lư quay sang hỏi Nguyễn Vỹ:

- Tụi họ cười mi hay cười tao?

Nguyễn Vỹ trả lời thi sĩ:

- Chắc tụi nó cười tao, chắc tóc tao dài quá, đã hai tháng nay tao chưa hớt. Mày vô tiệm với tao, chờ tao chục phút.

Nguyễn Vỹ cắt tóc xong, lại đi tiếp cùng Lưu Trọng Lư đi trên phố. Nhưng hai người vẫn thấy mọi người nhìn mình và cười như khi trước. Xem ra thì không phải họ cười vì mái tóc dài để hai tháng không cắt của mình, nên Nguyễn Vỹ hỏi lại Lưu Trọng Lư:

- Đố mi lần này họ cười tao hay cười mi?

Nguyễn Vỹ nhìn một lượt từ trên xuống dưới người Lưu Trọng Lư, rồi bảo:

- Chắc họ cười mày, vì mày mặc dư một cái quần.

Thi sĩ ngó xuống, mặt đỏ bừng. Hóa ra, lúc ở nhà đi, Lưu Trọng Lư đã mặc một chiếc quần đen rồi, không hiểu lơ đễnh nghĩ thế nào, lại mặc thêm một chiếc quần trắng ra ngoài. Khổ nỗi chiếc quần trắng hơi ngắn, để lòi cái quần đen bên trong ra. Thấy vậy, Lưu Trọng Lư kéo vội Nguyễn Vỹ lên tàu điện “tẩu thoát” khỏi phố.

Thi sĩ mộng mơ phiêu lãng

Theo Nguyễn Vỹ, Lưu Trọng Lư bước vào làng thơ với gót chân lơ đễnh, cặp mắt ngơ ngác, nụ cười xa vắng, tay cầm một cuốn truyện của anh vừa in xong. Đó là cuốn Người sơn nhân (cuốn sách gồm 3 truyện ngắn, 10 bài thơ mới, 1 bài luận bình Thơ mới, Ngân sơn tùng thư xuất bản, Huế 1933).

Bìa sách Văn thi sĩ tiền chiến. Ảnh: Tiki.

Nguyễn Vỹ cho rằng, thực ra đó chưa hẳn là truyện, mà đúng hơn nó như một bài thơ, nó không hẳn có một "Người sơn nhân" nào cả, bởi có thể đổi thành "Người thi nhân" cũng được.

Lưu Trọng Lư cũng không nghĩ mình là Lưu Trọng Lư, cũng chẳng biết mình là Lưu Trọng Lư là thi sĩ. Nên ông kể trong Người sơn nhân toàn những “câu chuyện vẩn vơ, đượm màu triết lý vơ vẩn”.

Nguyễn Vỹ kể nhà trọ của Lưu Trọng Lư ở trên Phố Hàm Long, khi ấy Lư ở cùng với Lê Tràng Kiều và Nguyễn Xuân Huy, bên cạnh nhà là một giàn hoa tigon trắng - đỏ, thật mộng mơ. Nhân lúc cao hứng, thi sĩ họ Lưu đọc hai câu thơ:

“Xin rước cô em bước xuống thuyền

Thuyền tôi sắp chẩy chốn thần tiên...”

Nguyễn Vỹ hỏi: Cô em nào đấy?

Lưu Trọng Lư kéo ông lại giường, nằm kể cho ông nghe một chuyện tình vẩn vơ, đượm màu triết lý vơ vẩn. Chuyện tình không có, triết lý không có, và Lưu Trọng Lư cũng không có nốt. Tất cả chỉ là tưởng tượng...

Không chỉ là sự phiêu dạt, mộng mơ trong thơ, mà ngay cả ở đời thực, Lưu Trọng Lư cũng thích phiêu lưu, và hình như chẳng thuộc hẳn về nơi nào. Ông như một kẻ lãng du đích thực, với những mơ màng mà ông theo đuổi.

Trong bài “Lưu Trọng Lư: Thi sĩ giang hồ” nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại kể, khi ông đang ở một căn phòng nhỏ ở phố Gia Long, chuẩn bị ra tờ Cười, thì Lưu Trong Lư tới. Sau khi ngồi nói chuyện về cuộc sống và tình hình văn chương... Lưu Trọng Lư lấy giấy bút viết một thôi xong bài thơ, tặng Trần Thanh Mại. Rồi nói:

- Báo anh sắp ra đời. Tôi kinh (đi) qua chốn Thần Kinh (Huế), chẳng có gì, xin tặng anh bài thơ này, chẳng gì nó cũng hợp với anh.

Trần Thanh Mại hỏi lại thi sĩ:

- Lư giờ ở đâu? Từ đâu đến và sắp đi đâu?

- Tôi hiện ở đò. Hắn chờ tôi ở bến Vỹ Dạ, hay Trường Tiền gì đấy. Mấy lâu nay tôi dưỡng bệnh ở Cửa Đại. Về Quảng Nam tôi ghé thăm Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác. Mai tôi về thăm nhà (Cao Lao, Quảng Bình) rồi ra Bắc.

Trần Thanh Mại còn cho biết sau buổi nói chuyện hàn huyên, Lưu Trọng Lư ra đi ngay, giữa đêm tối và mưa gió. Ông nghĩ, hình như mưa gió, giá lạnh chẳng làm ảnh hưởng gì tới người thiếu niên phiêu lãng ấy. “Tôi cũng không buồn tự hỏi chàng sẽ đi đâu, và làm gì trong đêm nay?”, Trần Thanh Mại viết.

Châu Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-gia-tieng-thu-mong-mo-lo-dang-den-muc-nao-post1144345.html