Tác giả 'Thời hoa đỏ' qua đời ở tuổi 83 vì căn bệnh ung thư

Nhà thơ Thanh Tùng - tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng từng được phổ thành nhạc, trong đó có 'Thời hoa đỏ', vừa qua đời ở tuổi 83 sau gần một năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày.

Thông tin về sự ra đi của nhà thơ Thanh Tùng được nhiều văn nghệ sĩ trong giới báo cho nhau. Theo đó, nhà thơ Thanh Tùng qua đời vào lúc 21h50 ngày 12-9 tại nhà riêng ở TP.HCM, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 83 tuổi.

Hiện linh cữu của nhà thơ Thanh Tùng đang được quàn tại nhà tang lễ TP.HCM. Phía người thân nhà thơ Thanh Tùng cho biết, lễ viếng ông dự kiến diễn ra vào sáng ngày 13-9, sau đó là lễ động quan vào trưa ngày 15-9. Thi hài của tác giả bài thơ "Thời hoa đỏ" sẽ được an táng tại nghĩa trang ở Bình Dương.

Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh ngày 7-11-1935 tại Mỹ Lộc (Nam Định), nhưng trưởng thành tại thành phố Hải Phòng. Sinh thời, ông từng có thời gian gắn bó với Hà Nội và sau đó sinh sống đến cuối đời tại TP.HCM.

Không chỉ có sáng tác "Thời hoa đỏ" từng được phổ nhạc và biết đến rộng rãi, nhà thơ Thanh Tùng còn có nhiều bài thơ khác cũng được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc. Có thể kể đến 3 ca khúc mà nhạc sĩ Phú Quang đã viết thành bài hát dựa trên thơ của ông là: Người về, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em.

Riêng bài "Hà Nội ngày trở về" sau khi được phổ thành nhạc thì câu thơ: "Vội vã trở về, vội vã ra đi" đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Các bài thơ mà nhà thơ Thanh Tùng sáng tác được giới chuyên môn đánh giá cao và độc giả yêu mến cũng bởi sự mộc mạc, giản dị nhưng rất giàu nhạc điệu.

Nhà thơ Thanh Tùng cùng vợ và con trai cả (hàng đầu tiên)

Nhà thơ Thanh Tùng cùng vợ và con trai cả (hàng đầu tiên)

Nhà thơ Thanh Tùng xuất thân là thợ, nói cách khác thì ông là công nhân chính hiệu. Thời trẻ, ông từng làm nghề khuân vác trên bến cảng, rồi đóng tàu, áp tải. Khi bắt đầu viết thơ, ông lấy bút danh là Thanh Tùng, chữ "Thanh" là tên của người em ruột bị mắc bệnh ngẩn ngơ mà ông rất thương.

Ngoài những bài thơ được phổ nhạc, nhà thơ Thanh Tùng còn 2 lần nhận giải thưởng thơ công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng và nhiều lần giành giải Nhất các cuộc thi thơ viết về Hà Nội. Tuy nhiên phải đến ngoài 60 tuổi, ông mới xuất bản tập thơ đâùi tiên với tên gọi "Thời hoa đỏ".

Tập thơ này sau đó được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng. Trước đó, vào năm 1997, nhà thơ Thanh Tùng từng được cử làm đại diện Việt Nam sang Hy Lạp đọc thơ với đại biểu các nước.

Đời thợ và đời thơ của Thanh Tùng được ông miêu tả: “Cái nghề khuân vác của tôi/ Trong cơn mê còn thấy giọt mồ hôi cười/ Tôi sợ nó và tôi yêu nó/ Như người mẹ sợ cơn đau đẻ mà vẫn thèm có con” hay “Tôi đến trước cửa lò/ Người thợ cả trao cho tôi cây thông lò/ Và ngọn lửa thở như bão”.

Nhà thơ Thanh Tùng và con gái

Về cuộc sống riêng, năm 1995, nhà thơ Thanh Tùng quyết định Nam tiến để lập gia đình sau cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ.

Bài thơ "Thời hoa đỏ" được ông viết sau khi chia tay người vợ đầu tiên vào năm 1973: “Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa” để rồi: “Trong câu thơ của em anh không có mặt” cùng với “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ”.

Người vợ sau của nhà thơ Thanh Tùng là người phụ nữ đã gửi trọn tuổi thanh xuân trong màu áo thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Vào sống trong ngôi nhà của vợ, Thanh Tùng cảm kích: “Anh đang sống trong ngôi nhà, em đã mua bằng cả thời cô đơn thiếu nữ”.

An Vy

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tac-gia-thoi-hoa-do-qua-doi-o-tuoi-83-vi-can-benh-ung-thu/741179.antd