Tác giả 'Người đàn bà tô son' viết văn 'thật như đếm'

Chỉ trong 1 tháng, Vũ Thiên Kiều giành 2 giải Truyện ngắn hay. Cả 2 truyện đều đề cập đến thân phận phụ nữ với văn phong và cốt truyện 'thật như đếm' ở ngoài đời. Viết về những số phận của tận cùng khổ đau, Vũ Thiên Kiều bảo tất cả cũng chỉ xoay quanh một chữ 'tình'.

Đó là cái “tình” của người chồng với người vợ điên khùng, cái “tình” vị tha của những đứa cháu đối với người bác trong “Sóng lúa”. Đó là cái “tình” của người mẹ chồng đối với người con dâu trong “Người đàn bà tô son”.

Mới đây, truyện ngắn “Sóng lúa” của Vũ Thiên Kiều vừa giành giải Ba Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2015-2017, “Người đàn bà tô son” - giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn hay Webtretho 2018.

Vũ Thiên Kiều (phải) luôn đau đáu với những thân phận nữ của vùng đất phương Nam

- Đọc “Người đàn bà tô son” khiến độc giả nhói lòng, rơi nước mắt và ước rằng đó chỉ là những thân phận, những kiếp người chỉ tồn tại trên trang viết. Vũ Thiên Kiều nói sao về việc này?

Đó là suy nghĩ rất nhân văn của bạn đọc. Nhưng cuộc sống là ngồn ngộn những ràng buộc xoáy quanh những phận người bé mọn. Niềm vui không bao giờ tròn miệng. Ngước lên bầu trời, chúng ta thấy mây hồng tíu tít bổng bay trong nắng. Thoắt cái mây hồng đã chuyển màu xám xịt ập òa đe dọa. Vậy đó. Nên những trang viết của tôi và các bạn văn về đời về người về nước mắt và những nỗi thống khổ chưa bao giờ dừng. Và viết - chính là sự chia sẻ đến tận cùng với hoàn cảnh éo le bất hạnh của từng nhân vật.

- Chất liệu bài viết luôn khởi nguồn từ thực tiễn cuộc sống. Thế nhưng, liệu Thiên Kiều có hình tượng hóa và điển hình hóa nhân vật của mình hay không? Nếu có thì khoảng bao nhiêu %?

Có truyện ngắn được xây dựng bằng một kết cấu thật chặt chẽ, thật chắt lọc với tổng hợp những chi tiết điển hình của các nhân vật, của đời sống. Nhưng có những truyện ngắn có thể nói là... thật thà như đếm. Bởi chỉ cần phản ánh chính xác những khổ sở đang diễn ra với nhân vật cũng đủ lay động lòng người rồi. Đã là nỗi khổ thì không cần hóa trang làm gì nữa. Đã là cái tình thì không ngòi bút nào bẻ cong bóp méo được. Tuy nhiên, khi xây dựng hình tượng nhân vật chính diện, tôi thường làm tròn các điểm tốt. Ví dụ, nhân vật nguyên mẫu có đạo đức tốt khoảng 8,5 điểm thì vào văn của tôi sẽ thành điểm 10 rực rỡ. Như vậy, ưu điểm của nhân vật sẽ tăng 15%. Và 15% này cũng sẽ tạo thêm những thông điệp thật ấn tượng ám ảnh bạn đọc và thật ý nghĩa với đời sống này.

- Nhưng lối viết, cách hành văn của Vũ Thiên Kiều thì rất gần gụi giúp người đọc mường tượng một bối cảnh rất chân thật của cuộc sống. Vũ Thiên Kiều có thể chia sẻ một chút về xuất xứ, về ý tưởng khi cầm bút viết truyện ngắn này không?

Tôi viết truyện ngắn "Người đàn bà tô son" với một sự đau đáu về những nỗi oan ức của nhiều người ở đời thực. Nhất là oan ức đối với những người phụ nữ. Vì nhiều lý do, họ không thể tự minh oan, họ cũng không thể nói rõ sự thật. Búa rìu dư luận luôn bủa vây và dồn họ đến chân tường. Vì cuộc sống, vì gia đình, đặc biệt vì những đứa trẻ, họ phải cam chịu. Và nỗi oan ức chỉ được cởi ra khi họ đến với cái chết. Quá đau xót. Thế đấy. Đơn giản chỉ là mưu sinh. Chỉ là kiếm tiền lo cho gia đình bằng một nghề mà chỉ nghĩ đến thôi, chúng ta cũng đã sợ chết khiếp rồi. Người đàn bà tô son của tôi chỉ làm nghề ngủ mướn trong... quan tài. Đời thực đâu nhỏ nhoi nơi lòng bàn tay. Đời thực luôn bí ẩn chất chứa những uẩn khúc. Còn bao oan ức như nhân vật Chậm nữa đây.

- Hai truyện ngắn giành hai giải chỉ trong vòng 1 tháng: “Sóng lúa” giải ba Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2015-2017, “Người đàn bà tô son” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn hay Webtretho.com 2018 và cùng đề cập đến những thân phận đàn bà. Điều gì đã khiến Vũ Thiên Kiều “mau nước mắt” với phụ nữ vậy?

Nếu thích cái mới, cái lạ là đặc tính của tuổi trẻ, thì việc "mau nước mắt" với phụ nữ không chỉ của riêng tôi đâu nhé. Đó là đặc tính dễ thương của phụ nữ trên toàn thế giới này. Tôi tin rằng tất cả bạn đọc của Báo PNVN đều rất đồng cảm với những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt éo le trắc trở. Cùng là phụ nữ với nhau. Số phận cho mình được hạnh phúc tròn trịa, còn người thì bất hạnh khổ sở, mình đâu thể dửng dưng ngó lơ được. Từ "mau nước mắt" tôi đã hóa thân vào suy nghĩ, trái tim và gan ruột của từng nhân vật nữ. Sống cùng nhân vật từ khi thai nghén đến khi sinh nở rồi hoàn thành tác phẩm. Và cú đúp giải thưởng trong một tháng có thể nói chính là sự may mắn ngoài sức tưởng tượng đối với tôi.

- Thông điệp chung của cả hai câu chuyện này là gì?

Thông điệp chung của truyện ngắn "Sóng lúa" và truyện ngắn "Người đàn bà tô son" chỉ gói gọn trong một chữ "tình" thôi. Tình. Vâng! Cuộc sống này cần tình lắm lắm. Đó là cái tình của người chồng với người vợ điên khùng, cái tình vị tha của những đứa cháu đối với người bác trong “Sóng lúa”. Đó là cái tình của người mẹ chồng đối với người con dâu trong “Người đàn bà tô son”. Cái tình như một chất nhựa gắn kết người với người. Cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn nhân văn hơn nếu chúng ta vun đắp cho cái tình ngày càng rộn hương bừng sắc.

- Vũ Thiên Kiều từng chia sẻ, những trang viết của Thiên Kiều luôn gắn liền với cuộc sống, với những gì đang diễn ra từng ngày từng giờ ở xung quanh, với những con người rất thật ở ngoài đời. Vậy còn những mảnh đời nào khiến Thiên Kiều không thể không viết nữa không?

Với một nhà văn đang đầy đam mê, trách nhiệm và dồi dào năng lượng sáng tạo, không có lý do gì khiến nhà văn ấy khóa bàn phím máy tính lại cả. Có điều, cái khó chính là từ chất liệu cuộc sống này, nhà văn phải chiết xuất ra được những kiểu nhân vật mới, phải tự học hỏi để trưởng thành và chuyên nghiệp hơn nữa trong nghề. Tôi nghĩ, nếu mắt tôi luôn chụp được toàn diện sự chuyển động của cuộc sống và năng lượng luôn được xạc pin thì chắc chắn tôi sẽ tiếp tục gõ bàn phím thôi.

- Nếu viết tiếp, Thiên Kiều có làm mới mình bằng giọng văn, phong cách viết khác không? Và có “đóng đinh” với tuyến nhân vật như vậy không?

Cái thú vị nhất không phải để người khác thán phục bạn, mà chính bạn phải biết ngạc nhiên về khả năng của bạn. Khó đấy. Phải thử sức thôi. Ở đời thường tính tình của bạn dẫu hiền như đất. Nhưng trong sáng tác văn học, giọng văn, phong cách văn của bạn phải biết sáng quắc lên như cầu vồng, biết cuồn cuộn như lực sĩ, rồi lại phải biết múa đẹp như công... Hy vọng, sắp tới nhân vật của tôi sẽ không chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn mà sẽ có đại gia và người đẹp, kỹ sư bác sĩ và cả những người ngồi mát ăn bát vàng... nữa.

- Nếu cứ đọc mãi tuyến nhật vật như bà Sững khùng trong “Sóng lúa” hay Chậm trong “Người đàn bà tô son”, người đọc có cảm giác cuộc sống còn quá nhiều thân phận thiệt thòi và có gì đó dường như hơi bế tắc. Thiên Kiều lý giải sao về điều này và có mong muốn gì không để có thể làm thay đổi thân phận của họ?

Đúng vậy! Các nhân vật như bà Sững khùng và Chậm họ đều là những phụ nữ có số phận thiệt thòi và bế tắc. Viết về họ, tôi chỉ mong muốn phụ nữ của chúng ta đừng phải quá khổ như thế nữa. Và tôi mong, chất lượng cuộc sống được nâng lên, luật bình đẳng giới được phổ biến rộng rãi, phụ nữ và trẻ em phải nhận được sự quan tâm chăm sóc yêu thương đặc biệt của gia đình và xã hội. Mỗi phụ nữ phải tự giác vươn lên, phải được trang bị kiến thức, kỹ năng sống, có việc làm và thu nhập ổn định. Lối sống tốt đẹp ngày càng nhiều, cái xấu bị triệt tiêu. Mong một thế giới mới của những người đàn bà cũng tô son nhưng tung tăng váy áo trong niềm vui, niềm hạnh phúc giản dị bên những người thân thương của mình. Mong lắm.

- Xin cảm ơn Thiên Kiều!

Lan Hương (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/tac-gia-nguoi-dan-ba-to-son-viet-van-that-nhu-dem-post47182.html