Tác giả 'Mona Lisa' bị biến thành kẻ sát nhân

Trong loạt phim truyền hình 'Leonardo', vị danh họa người Italy dính líu tới vụ sát hại nàng thơ Caterina da Cremona, trong khi lịch sử kể câu chuyện hoàn toàn trái ngược.

Leonardo là series truyền hình do Italy, Mỹ và Pháp hợp tác sản xuất, với sự góp mặt của Aidan Turner, Matilda De Angelis, Freddie Highmore trong các vai chính. Bộ phim lên sóng tại Italy từ 23/3, và dự kiến từ 16/4 trên dịch vụ xem video trực tuyến Amazon Prime.

Vị danh họa hóa kẻ giết người

Series phục dựng cuộc đời nhiều thăng trầm của Leonardo da Vinci thông qua những tác phẩm kinh điển tạo ra dưới bàn tay ông. Khán giả sẽ được hé lộ những câu chuyện còn ẩn giấu đằng sau mỗi tác phẩm, cũng như nỗi dằn vặt bên trong nội tâm người nghệ sĩ cầu toàn.

Trong phim, Leonardo da Vinci là kẻ tình nghi trong vụ giết người bí ẩn. Nạn nhân của vụ án, trớ trêu thay, lại chính là nàng thơ Caterina da Cremona của ông. Chân tướng vụ giết người cũng là cánh cửa đưa khán giả khám phá con người thật của vị nghệ sĩ vĩ đại thời Phục hưng.

 Trên phim, da Vinci có nhiều cử chỉ thân mật với nàng thơ Caterina da Cremona.

Trên phim, da Vinci có nhiều cử chỉ thân mật với nàng thơ Caterina da Cremona.

Series Leonardo đã đưa người phụ nữ của da Vinci ra ánh sáng. Đó là Caterina da Cremona (Matilda de Angelis), nàng thơ của vị họa sĩ. Trên màn ảnh, da Cremona đã có không ít lời lẽ thân mật với Leonardo da Vinci (Aidan Turner).

Giải thích về vai trò của Caterina, biên kịch của loạt phim - Steve Thompson - trả lời Variety: “Leonardo da Vinci có vài mối quan hệ tình cảm với đàn ông, đó là phần nổi của câu chuyện. Nhưng có lẽ mối quan hệ đặc biệt hơn cả trong đời ông là cùng một người phụ nữ. Hai người vô cùng thân thiết, và chúng tôi đã lựa chọn đưa câu chuyện ấy lên màn ảnh”.

Hai chi tiết lớn nhất, làm nên xương sống của tác phẩm, gồm vụ sát hại nàng thơ Caterina da Cremona, cũng như tình cảm da Vinci dành cho cô, đều là sản phẩm hư cấu. Phim đã bôi mờ lằn ranh giữa lịch sử và phóng tác, mà hoàn toàn không có sự cảnh báo trước với khán giả.

Nàng thơ bị phản đối

Nhận xét về loạt phim, cây bút Jonathan Jones của The Guardian có bài Leonardo, ladies’man: why can’t we accept that da Vinci was gay? (Leonardo với tình yêu dành các quý cô: tại sao không chịu chấp nhận da Vinci đồng tính?). Bài viết chỉ ra sự thiếu hợp lý của nhân vật Caterina da Cremona.

Bộ phim tham vọng xây dựng một hình ảnh Leonardo da Vinci mà hậu thế chưa từng biết đến.

Theo Jonathan Jones, Caterina chỉ là một nhân vật hư cấu. Vào thời kỳ Chủ nghĩa Lãng mạn bùng nổ ở châu Âu (1789-1850), người ta đã vẽ ra mối tình vụng trộm giữa Leonardo và một người phụ nữ từ Cremona.

Một cây bút diễm tình Italy thuở ấy từng tự nhận đã tận mắt trông thấy vị họa sĩ viết tên người tình da Cremona vào sổ tay. Tuy nhiên, trong các ghi chép của da Vinci còn tồn tại tới ngày hôm nay, cái tên chưa bao giờ xuất hiện.

Nhà viết tiểu sử hiện đại Charles Nicholl khi tìm kiếm tư liệu cho cuốn tiểu sử về Leonardo da Vinci đã phát hiện trong những ghi ghép của vị họa sĩ từ “Cremonese” và đồng nghĩa nó với nhân vật da Cremona trong lời đồn. Nicholl đã đưa Caterina da Cremona vào cuốn Leonardo da Vinci: The Flights of the Mind (2004).

Lời đồn đại về người tình da Cremona hàng trăm năm trước mâu thuẫn với sự thực Leonardo da Vinci là người đồng tính. Quan hệ dị tính từng được da Vinci thừa nhận chỉ là với những cô gái bán hoa ở miền Bắc của Italy. Theo lời ông, đó là trải nghiệm giúp bản thân tìm kiếm cảm hứng để vẽ các nhân vật nữ khỏa thân.

Mâu thuẫn với lịch sử

Không có bằng chứng cụ thể cho thấy Leonardo da Vinci có quan hệ lãng mạn với phụ nữ, dù là yêu đương nam nữ hay tình đơn phương. Ngược lại, sử sách không thiếu những câu chuyện Leonardo da Vinci có quan hệ luyến ái với đàn ông.

Hình ảnh Leonardo da Vinci của Leonardo mâu thuẫn với nhân vật ngoài đời thực.

Cuốn The Lives of the Artists của Giorgio Vasari, in năm 1550, kể vị họa sĩ đã đắm chìm trong tình yêu với người trợ lý nam tên Salài. Lời đồn đại trở thành chính sử khi nhiều văn bản được tìm thấy vào đầu thập niên 1900 đã ghi chép việc Leonardo da Vinci bị chính quyền Florentine buộc tội kê gian vào năm 1476.

Dấu vết về xu hướng đồng tính nam của da Vinci cũng được ẩn giấu trong những tác phẩm của ông. Nhà sử học Michael Rocke, khi phân tích bức Office of the Night, đã nhận xét: “Phần lớn đàn ông Florentine khi ấy đều ít nhất một lần trong đời bị buộc tội quan hệ đồng giới”.

Theo Daily Mail, trung tâm của Leonardo, như giới thiệu ban đầu là những tác phẩm của Leonardo da Vinci, chưa có vị trí xứng đáng trong series. Tờ báo trích lại lời bà Daisy Dunn, sử gia nghệ thuật cổ điển: “Các tác phẩm, ý tưởng cũng như thế giới mà Leonardo kiến tạo, bản thân nó đã đủ sức là một kỳ quan”.

Khi hậu thế còn chưa khám phá hết chất liệu từ kho tàng tác phẩm của da Vinci, việc đưa lên màn ảnh một nàng thơ chỉ tồn tại trong tin đồn, rồi gán cho ông tội giết cô, là ý tưởng khiến sử gia và giới phê bình không mấy hài lòng.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-gia-mona-lisa-bi-bien-thanh-ke-sat-nhan-post1201825.html