Tác giả đồng hành cùng giáo viên thực hiện chương trình SGK mới

Ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, các tác giả SGK Cánh Diều đã đồng hành với giáo viên để chia sẻ, trả lời những thắc mắc, băn khoăn trong quá trình giảng dạy.

Tác giả SGK đồng hành cùng giáo viên

Năm học 2022-2023, lần đầu tiên SGK mới lớp 3, 7, 10 được triển khai giảng dạy trên toàn quốc. Vì vậy, ngay từ trước khi năm học mới bắt đầu, các tác giả là Tổng Chủ biên, Chủ biên SGK Cánh Diều đã đi đến nhiều địa phương để hướng dẫn các phương pháp dạy học, cách tiếp cận bài giảng cho giáo viên. Từ thực tiễn giảng dạy, ngay sau học kỳ I, các tác giả sách đã tiếp tục đồng hành, tháo gỡ những băn khoăn cho GV tại các cơ sở giáo dục.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (ảnh trên) và GS.TSKH Đỗ Đức Thái giải đáp câu hỏi của giáo viên khối 7 tại huyện Ý Yên.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (ảnh trên) và GS.TSKH Đỗ Đức Thái giải đáp câu hỏi của giáo viên khối 7 tại huyện Ý Yên.

Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) đã phối hợp cùng Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức buổi Hội thảo “Chương trình GDPT năm 2018 và SGK Cánh Diều” tại trường THCS Yên Tiến. Tham dự Hội thảo, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên sách môn Toán lớp 7; PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên SGK môn Ngữ văn lớp 7 đã cùng lắng nghe những chia sẻ, tâm tư và giải đáp những những thắc mắc trong quá trình dạy học của giáo viên.

Đối với tiết dạy mẫu môn Ngữ văn lớp 7, học sinh được học bài thơ “Mẹ” của tác giả Đỗ Trung Lai. Với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn, đánh giá và kết luận chung, học sinh được chủ động tiếp nhận kiến thức qua các hoạt động trong bài học như: trình bày tranh chân dung mẹ (vẽ tại nhà) trước lớp, thảo luận nhóm, xem những hình ảnh trực quan được nêu trong bài thơ…

“Điều mà tôi thấy hài lòng nhất là đã hướng dẫn học sinh thảo luận để các em được chủ động trong tiết học. Qua đó, các em phát huy được những điểm mạnh, tự tin, bản lĩnh và có trách nhiệm với việc học”, cô Phạm Thị Lý (trường THCS Yên Tiến), giáo viên dạy mẫu môn Ngữ văn lớp 7 chia sẻ.

Sau tiết học, các thầy cô giáo tham dự Hội thảo đã có những đánh giá điểm tốt và những điều cần cải thiện trong tiết dạy mẫu. Tổng kết, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đưa ra những nhận xét về tiết học. Theo Chủ biên SGK Ngữ văn lớp 7, tiết học đã đạt được yêu cầu đặt ra là đổi mới về giảng dạy. Tuy nhiên vẫn cần phải bổ sung một số vấn đề như: liên hệ với những bài học có cùng chủ đề ở lớp 6, hướng dẫn học sinh tìm hiểu thông tin thực sự cần thiết về nhà thơ để phục vụ cho bài học, chỉnh sửa về phân tích câu từ cho đúng với tinh thần mà tác giả muốn truyền tải…

Với môn Toán, tiết dạy mẫu học sinh được tìm hiểu về “Tam giác cân”. Với 45 phút, giáo viên đã truyền đạt được những thông tin bổ ích và cho học sinh với đúng tinh thần người học được chủ động tiếp nhận kiến thức qua các học nhóm và tự trình bày nội dung trước lớp. Tiết học cũng cho thấy bóng dáng của “Chuyển đổi số” trong giáo dục, khi tận dụng được hệ thống máy tính, màn hình để trình chiếu hình ảnh trực quan; trả lời câu hỏi trắc nghiệm bằng phương pháp quét mã QR trên điện thoại, rút ngắn thời gian kiểm tra từng học sinh…

Nói về thực hiện dạy tiết học theo đúng yêu cầu của chương trình GDPT 2018, cô Hà Thị Bích Hạnh (trường THCS Yên Phú), giáo viên dạy mẫu cho biết, ngay từ khi bắt đầu dạy toán lớp 7 mới, tổ chuyên môn của nhà trường đã thực hiện những buổi sinh hoạt để cùng nhau nghiên cứu mục tiêu và yêu cầu cần đạt của từng bài học. Những tiết dạy mẫu như thế này cùng với nhận xét của của đồng nghiệp và tác giả Chủ biên giúp cô Bích Hạnh nhận thức rõ ràng hơn về phương pháp giảng dạy của SGK mới.

Đánh giá về tiết dạy mẫu, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng, giáo viên đã nắm được nội dung và phương pháp triển khai bài học. Tổng Chủ biên SGK Toán lớp 7 đã làm rõ hơn 4 phần trong bài hình học, đó là: khái niệm, tính chất, dấu hiệu nhận biết và thực hành vẽ hình. Với mỗi phần, nhà giáo Đỗ Đức Thái đều lấy những ví dụ trực quan, nêu rõ những điểm được và chưa được để giáo viên rút kinh nghiệm.

Trong 2 ngày, các tác giả Chủ biên SGK Cánh Diều đã dành ra 1 buổi để giải đáp cặn kẽ, mạch lạc những vướng mắc của giáo viên. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: “Phòng GD&ĐT đã tập hợp được khá nhiều câu hỏi của các thầy cô giáo, tôi thấy các câu hỏi đều tập trung vào vấn đề mới của chương trình. Đó là những điều rất đáng mừng, vì qua dạy học, các thầy cô đã nhận ra được cái mới, sự khác biệt đó. Nếu chỉ nói việc bồi dưỡng giáo viên trên lý thuyết thì không thấm, quan trọng nhất là phải nói vào những điều cụ thể. Từ những câu hỏi của thầy cô, chúng tôi sẽ nói về những yêu cầu đổi mới, cách dạy, cách học cũng như cách kiểm tra đánh giá tường minh hơn”.

Các em học sinh dùng mã QR trả lời câu hỏi trắc nghiệm trong tiết học mẫu môn Toán.

“Vấn đề then chốt để đảm bảo thành công của chương trình SGK mới là giáo viên. Đây là nhân tố quyết định thành bại của bất kỳ cuộc cải cách nào, cho nên chương trình GDPT 2018 muốn thành công, bắt buộc phải thay đổi nhận thức của giáo viên. Vì vậy, cuộc tập huấn như thế này là hết sức cần thiết. Sang một chương trình SGK mới với những tư tưởng, cách tiếp cận mới, đòi hỏi một sự thay đổi rất sâu sắc về phương pháp giảng dạy”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái nêu lý do vì sao cần tổ chức Hội thảo và đồng hành cùng giáo viên khi thực hiện chương trình GDPT 2018.

Giáo viên nói gì?

Sau buổi Hội thảo, các thầy cô giáo phấn khởi vì đằng sau những băn khoăn đã được giải đáp bởi các tác giả Tổng Chủ biên, Chủ biên SGK Cánh Diều lớp 7 mới. “Khi giảng dạy sách mới, giáo viên gặp không ít băn khoăn, lo lắng và áp lực. Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo để tháo gỡ dần những khó khăn cho đội ngũ giáo viên. Trong lần này, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống giải đáp trực tiếp, chúng tôi đã có được những thông tin, bài học thực tế và bổ ích. Qua Hội thảo, bản thân tôi có được những câu trả lời thỏa đáng, hiểu rõ hơn thực tế về đổi mới phương pháp giáo dục theo chương trình GDPT năm 2018” - cô Ninh Thị Phượng, Tổ trưởng Tổ chuyên môn KHXH của trường THCS Yên Ninh nói.

Giáo viên nghe chăm chú và ghi chép những điều được chia sẻ tại Hội thảo.

“Sự hỗ trợ của Chủ biên sách rất quan trọng. Ngay từ đầu khi chúng tôi được tiếp cận với sách, mặc dù đã được thực hiện ở năm lớp 6, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa có nhiều điều kiện để làm quen với phương pháp dạy học. Nhờ sự giúp đỡ trực tiếp của thầy Chủ biên sách, chúng tôi đã nhận thức rõ ràng hơn về chương trình GDPT năm 2018; những phương pháp, kỹ thuật dạy học môn Toán lớp 7”, cô Hà Thị Bích Hạnh chia sẻ.

Thầy Bùi Anh Đào, Phó Phòng GD&ĐT huyện Ý Yên đánh giá cao sự giúp đỡ của các tác giả Chủ biên SGK mới.

Thầy Bùi Anh Đào, Phó phòng GD&ĐT huyện Ý Yên cho biết, mặc dù có sự chuẩn bị từ sớm để đưa SGK mới vào giảng dạy. Tuy vậy, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn về con người, cơ sở vật chất, nội dung chương trình. Mặt khác, một số cán bộ quản lý và giáo viên vẫn chưa hiểu thấu đáo về cách thức triển khai, cho nên ngoài yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, sinh hoạt chuyên môn, việc hỗ trợ của đội ngũ các Tổng chủ biên, các Chủ biên của từng lớp, từng cấp học là rất cần thiết.

TS Đỗ Ngọc Thống thông tin thêm, không chỉ tại Nam Định, các tác giả Chủ biên sách đã trực tiếp về hỗ trợ các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Sơn La… Trong thời gian tới, Tổng Chủ biên, Chủ biên sách Cánh Diều sẽ tiếp tục đồng hành cùng giáo viên để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình dạy học SGK mới.

Quan tâm đến chất lượng thực chất của giáo dục, Phòng GD&ĐT Ý Yên coi việc tập huấn sách của các Tổng chủ biên, Chủ biên và các tác giả sách là một phần tất yếu trong lộ trình thực hiện Chương trình CCGD năm 2018. Điều đó lý giải tại sao, GD Ý Yên đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua.

PV

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-bien-dong-hanh-cung-giao-vien-thuc-hien-chuong-trinh-sgk-moi-post1502625.tpo