Tác giả của Loạn 12 sứ quân: Câu chuyện về người sửa xe đạp viết sách

Ở tuổi bách niên, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn giữ thói quen ăn uống, tập luyện điều độ và chăm chỉ làm việc mỗi ngày để hiện thực hóa cuốn sách hơn 20 năm ấp ủ.

Dù đã 100 tuổi, cụ Tư vẫn dành khoảng 12 tiếng mỗi ngày để làm việc. Ảnh: Diệp Phan

Dù đã 100 tuổi, cụ Tư vẫn dành khoảng 12 tiếng mỗi ngày để làm việc. Ảnh: Diệp Phan

Làm việc đến khi nhắm mắt mới thôi

Bên trong ngôi nhà ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP.HCM), có một cụ già 100 tuổi ngày ngày vẫn đều đặn đọc sách, gõ chữ. Cụ chính là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, tác giả của bộ tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân.

Cứ đúng 6h30 hằng ngày, cụ Nguyễn Đình Tư thức dậy, ra ban công tập thể dục khoảng 45 phút. Tập xong, cụ vào nhà ăn sáng. Bước đi của cụ dứt khoát, lưng thẳng, chẳng cần đến gậy. Cụ kể: “Bác sĩ dặn tôi đừng dậy sớm quá vì buổi sáng sương xuống lạnh, dễ bị cảm nên tôi dậy hơi trễ. Bù lại, tôi làm việc đến 11h đêm mới ngủ”.

Căn phòng chỉ chừng 15m2 của cụ Tư ngập tràn những cuốn sách cũ được sắp xếp ngay ngắn, ảnh thời trẻ, nhiều giải thưởng lớn nhỏ và cả những tấm bảng mừng thọ được treo trên tường. Giữa căn phòng là bàn làm việc với chiếc máy vi tính, người bạn đồng hành mỗi ngày của cụ suốt 6 năm nay.
“Mỗi ngày làm việc, tôi thường gõ được vài chục trang nhưng cũng có ngày chỉ vài trang. Bởi trong quá trình biên soạn, nếu thắc mắc hoặc quên một chi tiết nào, tôi phải lục kệ sách tìm những tài liệu của các tác giả khác để xác minh, đối chiếu”, nhà nghiên cứu 100 tuổi cho hay.

Cứ mỗi lần gõ xong vài đoạn, cụ Tư lại cẩn thận lưu lại bản thảo vừa soạn. Đến chiều, cụ bắt đầu tập thể dục. Nhà nằm trong con hẻm nhỏ, xe cộ lại đông, nên cụ tập luyện bằng cách leo gần 1.500 bậc thang trong nhà suốt 45 phút. Bà Hoàng Thị Lan, 68 tuổi, người sống gần nhà cụ Tư cho biết: “Ông cụ còn khỏe lắm, đi phăm phăm. Cụ còn tự đi xe buýt được nữa”.

Sau khi ăn tối và xem xong chương trình thời sự, cụ Tư lại ngồi vào máy tính làm việc. Kể từ ngày mổ hai mắt vì đục thủy tinh thể, mắt cụ sáng và khỏe hơn hẳn. Ngồi trên ghế đánh máy liên tục nhưng cụ ít khi than mỏi. Đặc biệt, trí nhớ của cụ vẫn rất minh mẫn nhờ đọc tài liệu, nghiên cứu và ghi chép những số liệu lịch sử mỗi ngày.

“Mọi người sinh ra trên thế gian này ai cũng phải chết. Có những người chết rồi mọi người quên, có những người chết rồi mọi người vẫn nhớ. Họ được nhớ vì những chiến công hiển hách, hoặc nhờ những công trình biên khảo để lại. Tôi đánh Đông dẹp Bắc không làm được, chỉ có thể ngồi nghiên cứu viết sách. Những cuốn sách của tôi, tôi viết không phải chỉ để giải trí nhất thời, mà viết có tính chất để lâu dài, để cho hậu thế khi muốn biết một giai đoạn lịch sử hàng trăm năm về trước, họ có sách để tra cứu. Đó là cái mộng của tôi”, cụ Nguyễn Đình Tư cho biết.

Những hoài bão ở tuổi 100

Cụ Nguyễn Đình Tư quê ở Nghệ An, là người có đam mê đọc sách và nghiên cứu lịch sử từ bé. Đến nay, cụ có gần 30 tác phẩm được in thành sách, trong đó nổi bật nhất là tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân được viết khi cụ gần 60 tuổi và đang làm nghề sửa xe đạp.

Cụ chia sẻ: “Khi ấy, kinh tế gia đình eo hẹp, tôi phải ra ngồi ngoài đường sửa xe kiếm tiền chợ hàng ngày. Những lúc vắng khách, cứ ngồi nhìn dòng người tấp nập qua lại, thấy uổng phí thời gian quá, tôi nghĩ đến việc viết gì đó. Vốn là người quen cầm bút, lại yêu thích lịch sử, tôi tranh thủ viết một bộ sử để giải khuây chứ chưa nghĩ đến chuyện được in”.

Tiểu thuyết của cụ mất 4 năm để hoàn thành và được xuất bản lần đầu vào năm 1990. Tháng Chín vừa qua, bộ sách lại được nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tái bản khiến cụ Tư rất vui mừng.

Năm 65 tuổi, cụ không còn sửa xe nữa. Lúc bấy giờ, thành phố thực hiện đổi tên nhiều tuyến đường. Thấy có nhiều tên đường mới, xa lạ với người dân, cụ quyết định viết một cuốn sách giới thiệu về những tên đường nội thành. Để có thể hoàn thành tác phẩm này, suốt 10 năm, cụ đạp xe khắp thành phố, đến từng con đường để ghi nhận thực tế, xem con đường đó bắt đầu, kết thúc ở đâu, qua những ngã ba, ngã tư nào... Đối với những tên đường mới, cụ đến thư viện để nghiên cứu tài liệu, liên hệ chính quyền để thu thập thông tin về tiểu sử của những người được đặt tên đường mới. Cũng chính vì thế, năm 1995, cụ được mời tham gia Hội đồng đặt tên đường của thành phố dù chỉ là một người dân bình thường, lại lớn tuổi.

Dù đã 100 tuổi, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài ngày ngày ngồi trước máy tính để viết cuốn sách về lịch sử thành phố đã ấp ủ 22 năm qua, mong muốn xuất bản đúng dịp Sài Gòn tròn 300 tuổi nhưng đành phải lỡ hẹn vì một vài lý do. Cuốn sách đã được nhà xuất bản Tổng hợp nghiệm thu và đồng ý xuất bản.
Năm ngoái, cụ Tư bắt tay sao chép lại bản thảo gõ bằng máy đánh chữ, đồng thời hiệu chỉnh và bổ sung cho phù hợp. Cuốn sách được cụ dự định đặt tên là Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh bước qua tuổi 322.

Bà Nguyễn Tư Tường Minh - Phó Giám đốc nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - cho biết: “Cụ Tư có thể xem là tác giả lớn tuổi nhất đang hợp tác với Nhà xuất bản. Cụ làm việc rất khoa học, lại tâm huyết với tác phẩm của mình. Những tác phẩm của cụ Tư không phải là những tác phẩm văn chương thuần túy, mà đều là những công trình biên khảo, nghiên cứu nhiều năm với độ chính xác cao, là tư liệu để nhiều thế hệ bạn đọc tham khảo”.

Phùng Yến Nhi

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (180)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/tac-gia-cua-loan-12-su-quan-cau-chuyen-ve-nguoi-sua-xe-dap-viet-sach-a345727.html