Tác giả 9X - những thực thể sinh trưởng trong môi trường đa văn hóa

Sinh năm 1983 tại Quảng Bình, tốt nghiệp Khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình văn học thuộc Trường đại học Văn hóa Hà Nội, hiện đang là giảng viên trong trường, nhà phê bình Mai Anh Tuấn nổi bật trong giới phê bình văn chương trẻ với những bài viết bày tỏ quan điểm thẳng thắn cùng các điểm nhìn sát sao, riêng biệt. Anh chia sẻ về văn chương trẻ Việt Nam hiện nay.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Mỗi năm, do tính chất công việc, nên tôi vẫn dành thời gian để theo dõi và đọc văn chương của các tác giả trẻ (tôi tạm quy hẹp chủ yếu là các tác giả sinh nửa sau thập niên 1980 đầu 1990) theo một mức độ nhất định. Chưa dám chắc sự quan sát của mình là đầy đủ nhưng tôi vẫn có lí do riêng khi chọn đọc tác phẩm nào đó, ví như, vì thể loại, vì sự lặng lẽ của tác giả, vì chất lượng tác phẩm, và đương nhiên, vì tôi ít khi tin vào sự “lăngxê” trên truyền thông. Trong sổ tay ghi chép cá nhân, tôi có nhiều ấn tượng với tác phẩm của Hạnh Nguyên (hai tập truyện “Những thiếu thời lơ lửng”, 2014; “Say”, 2016), Đỗ Nhật Phi (truyện dài “Người ngủ thuê”, 2014), Chu Thùy Anh (hai tập truyện “Vé một chiều”, 2015; “Xanh”, 2016), “Tru Sa” (tập truyện “Ảo giác mù”, 2015), Lê Minh Phong (tập truyện “Trong tiếng reo của lửa”, 2014), Nguyễn Khắc Ngân Vi (tiểu thuyết “Phúc âm cho một người”, 2017), Huỳnh Trọng Khang (tiểu thuyết “Mộ phần tuổi trẻ”, 2017), Nguyễn Thị Kim Hòa (tập truyện “Con chim phụng cuối cùng”, 2017)… Một số tác giả khác, như Đinh Phương, Nguyễn Thiên Ngân, Đinh Hằng, Lữ Mai, Lê Vũ Trường Giang… thì tôi có đọc và nghĩ rằng họ sẽ có kiểu độc giả của mình. Câu chuyện quan tâm văn chương trẻ, theo tôi, không nên nhắm ở việc điểm danh, mà phải nhìn thấy những đường hướng họ đang đi. Năm ngoái, tôi khá thích cuốn sách mà tôi tạm gọi là “bút kí” “Trở về nơi hoang dã” (2018) của Trang Nguyễn. Cuốn sách ghi lại chân thực hành trình 5 năm trải nghiệm, tham gia các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam. Những gì Trang trải nghiệm gợi nhắc tầm quan trọng của thiên nhiên và sẽ là dẫn chứng chính xác cho cái cách thiên nhiên đối lập, đối thoại với nhân thế ra sao. Nếu chúng ta nhìn văn chương trẻ rộng theo chiều biến đổi của thể loại, tôi nghĩ cuốn sách của Trang Nguyễn là tín hiệu thú vị. Chưa kể các hiện tượng tự truyện/ hồi kí cũng khá sinh động, đáng bàn.

Thật ra, để nói văn chương trẻ trong vài năm gần đây không có sự khởi sắc, nổi bật thì phải xuất phát từ cái nhìn so sánh, chẳng hạn, với văn chương của thế hệ trước đó. Trong khi thế hệ “7x” đã có một chặng đường sáng tạo dài, đã định hình tương đối rõ phong cách, giá trị văn chương của mình thì những người mới bước vào văn đàn như các tác giả nêu trên, rõ ràng, phải cần thêm thời gian. Ở đơn vị tác phẩm, khi nhắc đến những Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Hoàng Diệu, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Việt, Phan Hồn Nhiên… độc giả có thể dễ dàng nêu tên một tác phẩm nổi bật của họ. Nhưng với các tác giả trẻ hiện nay, chúng ta chỉ có thể hào hứng đón nhận những gì đã có mặt và chờ đợi sức bứt phá phía trước. Dĩ nhiên, văn chương không giống chuyện canh tác nhà nông cứ đặt mục tiêu được mùa là có ngay. Tôi nghĩ độc giả hôm nay vẫn tìm được tác giả trẻ, thể loại văn chương ưa thích của họ. Điều đó theo tôi, quan trọng hơn vì nó chứng thực rằng văn chương vẫn được chọn giữa thời buổi thị trường giải trí và truyền thông công nghệ số có hàng vạn thứ cuốn hút, hấp dẫn kinh người.

Nhìn lại cách đây hơn 10 năm, khi có dòng văn học trẻ “8X” nổi bật lên với những tuyển tập, được các nhà nghiên cứu phê bình văn học quan tâm, giới chuyên môn cũng đánh giá chất lượng tác phẩm đồng đều khá tốt, nhưng sau đó, các tác giả chìm dần và chỉ còn số rất ít còn theo đuổi văn chương…

- Tôi vẫn còn nhớ thời điểm đó và khái niệm “văn chương 8x” đã từng rất mốt. Nhưng để có trả lời thấu đáo có lẽ nên hỏi trực tiếp những tác giả “vội bỏ cuộc chơi” như chị nói. Ở góc độ nghiên cứu, tôi nghĩ rằng hiện tượng hụt hơi, bỏ dở hoặc không tái xuất trong sáng tác văn chương không phải hiếm ở Việt Nam. Thời nào cũng vậy, luôn có cảnh kẻ tới người lui, luôn có sự nghiệp nhỏ và vừa! Chính vì văn chương Việt cứ lặp lại tình thế đó nên chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: phải chăng trường lực, sức sáng tạo văn chương ở ta đã ít lại còn vấp phải nhiều trở lực? Kinh tế chẳng hạn? Những người viết trẻ, tôi nghĩ, trong thâm tâm đều muốn vừa viết văn hay vừa phải sống được. “Sống được” bằng chính tài năng của mình thì người viết mới chuyên tâm sáng tạo, mới bảo hiểm được nhân cách và chữ nghĩa của mình. Khi nhà văn tài năng “sống được” thì xã hội nói chung, nền văn học nghệ thuật nói riêng, mới đích thực lành mạnh, phát triển. Chúng ta cần một thế hệ nhà văn trẻ nhập cuộc, tự tin, và nếu ra thế giới, thì đàng hoàng, có khả năng đối thoại bằng giá trị tác phẩm chứ không phải nhờ vào món quà số phận có tên nghèo khó đính kèm.

Sang đến lứa tuổi 9X, dường như đang có sự thay đổi về nội dung cũng như chất lượng tác phẩm?

- Tôi muốn nói một khía cạnh quan trọng trong hành trang xuất hiện của một số tác giả mà tôi nhắc ở trên: vốn học vấn hiện đại và khá dày dặn. Chẳng hạn, Chu Thùy Anh tốt nghiệp Đại học Cergy-Pontoise (Pháp), ngành Vật lý mô phỏng, hiện công tác tại Viện Vật lý. Nhật Phi từng theo học Đại học Ngoại thương Hà Nội. Hạnh Nguyên du học Mỹ sau một năm theo học ở Canada. Tôi không nghĩ rằng hễ học vấn cao là viết được văn chương, nhưng vào thời điểm hiện tại, khi tập quán viết lách dựa vào tài năng bẩm sinh hoặc chủ nghĩa kinh nghiệm không thực sự mang lại cuộc đi dài hơi, càng không thể cắt đuôi chứng tật ảo tưởng "viết văn là trời cho", thì vốn tri thức, bất luận ở lĩnh vực nào, sẽ thực sự cần thiết để người viết tự đẩy xa công việc lao động văn chương. Ở Việt Nam, tuy kiểu nhà văn "tự học mà thành" không hiếm nhưng văn học sử thì vẫn cứ ghi nhận những cuộc cách mạng, những điển phạm thường xảy đến khi nền giáo dục – tri thức đạt đến sự toàn diện, thăng hoa. Là thế hệ có điều kiện tiếp xúc, tiếp nhận văn chương nghệ thuật phương Tây và có cả ngoại ngữ, các tác giả 9X có thể không còn mặn mà với cung cách viết văn, xuất bản lẫn sinh hoạt văn chương hội đoàn như “các cụ”! Đọc trang viết của họ, trước hết, tôi nhận thấy họ khá am tường một lĩnh vực nghệ thuật nào đó ngoài văn chương. Âm nhạc, điện ảnh hay hội họa, với họ, là những gợi dẫn xúc cảm để không chỉ tạo dựng bối cảnh cho câu chuyện, mà còn để lấy cớ bộc lộ các quan điểm thẩm mĩ theo hướng hiện đại chủ nghĩa của họ. Không nên hồ nghi họ hợm hĩnh khoe chữ mà hãy hình dung họ là những thực thể sinh trưởng trong môi trường đa văn hóa (cross-cultural), cho phép họ đến gần với thế giới đa ngôn ngữ bằng nhu cầu xóa mờ các đường biên nghệ thuật. Vì thế, một tác phẩm văn chương, trong tay họ, là nỗ lực biểu đạt các tri nhận xem – nghe - đọc của họ. Hay nói khác đi, là nơi để họ trình bày biện vốn văn hóa mới.

Tôi không quá băn khoăn về cái gọi là “tác phẩm văn học xuất sắc” hay “đỉnh cao” như báo chí thường nêu. Thậm chí, tôi nghĩ, sốt ruột chờ đợi hay quá kì vọng về tác phẩm văn học đỉnh cao, thoạt tiên rất chính đáng, nhưng có vẻ trầm trọng hóa, thậm chí khá khôi hài về những gì còn nằm ở thế khả năng, tiềm năng của việc viết văn. Tôi không là thầy tử vi nên chẳng đoán định được tác phẩm xuất sắc của thì tương lai gần sẽ hội đủ yếu tố gì. Dĩ nhiên, bằng quan sát cá nhân, tôi dám chắc những tác giả có tham vọng viết tác phẩm đỉnh cao phải là người có sức gạt bỏ, có tài phá vỡ muôn vàn tác phẩm “thường thường bậc trung” luôn luôn chật ních mọi ngóc ngách. Trong khi làm được việc phi thường đó, anh ta sẽ già đi, có thể ốm đau bệnh tật như một người bình thường.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tac-gia-9x-nhung-thuc-the-sinh-truong-trong-moi-truong-da-van-hoa-tintuc439356