Tắc đường, tai nạn do ôtô, xe máy chỉ là nạn nhân?

Đã có ý kiến cho rằng người dân cần phải sợ xe máy và tìm đến phương tiện công cộng, nhưng chuyên gia đã phản bác ngược lại.

Thời gian vừa qua, dư luận chấn động vì xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc, thương tâm đặc biệt nghiêm trọng. Đã có vụ tai nạn khiến hàng chục xe máy nát bét, mười mấy người thương vong. Và cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế xe máy để giảm thương vong của tai nạn.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT khẳng định: "Tôi là người phản đối hoàn toàn những ý kiến kiểu như vậy. Đó là những nhận định thiếu cơ sở thực tế, phi khoa học.

Nhiều vụ tai nạn mới đây xảy ra vì xe máy dừng đèn đỏ, đúng luật giao thông, xe ô tô đâm vào và gây thương vong cho họ".

Hàng chục xe máy bị đâm vỡ vụn trong vụ tai nạn container đâm liên hoàn ở Long An

Hàng chục xe máy bị đâm vỡ vụn trong vụ tai nạn container đâm liên hoàn ở Long An

Trước ý kiến xe máy quá đông, chiếm quá nhiều diện tích mặt đường, dẫn đến ùn tắc giao thông và các lái xe ô tô phải chịu sự căng thẳng khi tham gia trên đường, dẫn đến những hành động mất lái, gây tai nạn liên hoàn, TS Thủy đưa ra 4 lập luận.

Thứ nhất, nếu cấm xe máy hay hạn chế xe máy thì phương tiện nào sẽ tham gia giao thông nhiều nhất? Chắc chắn là ô tô. Người dân sẽ phải tìm đến ô tô buýt, hoặc cố gắng mua bằng được một ô tô con để phục vụ nhu cầu đi lại, sinh kế của mình.

Một ô tô có diện tích chiếm dụng mặt đường gấp 5 lần xe máy, với xe tải có tải trọng lớn phải gấp tới 10 lần. Nếu số lượng ô tô này tăng lên trong khi mặt đường vẫn như vậy, thử hỏi nguyên nhân tắc đường do ô tô hay do xe máy?

Thứ hai, giao thông là mạch máu của đất nước. Những tuyến đường ấy nuôi sống người dân, nuôi sống nền kinh tế. Đã có giao thông là có phương tiện đi lại và tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro. Cách quản lý vẫn đang có một bài ca muôn thủa, không quản lý được là cấm, rồi tăng hàng loạt thuế phí để hạn chế người dân.

Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng thực trạng trì trệ đã rất đáng báo động và phải chấm dứt ngay bài ca cấm đoán ấy. Nếu điều hành hợp lý, tổ chức hợp lý thì tai nạn sẽ giảm. Còn bây giờ, hạ tầng chật chội, đèn giao thông bất hợp lý, không quản lý các phương tiện và người điều khiển xe. Cách quản lý để một người say rượu, phê ma túy lái một cái xe khổng lồ, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Chiếc Lexus gây tai nạn liên hoàn với 6 xe máy ở Hà Nội, người lái xe là nữ, nồng độ cồn cao gấp nhiều lần cho phép

Thứ ba, xe máy chiếm 70-80% nhu cầu đi lại của người dân Việt Nam. Cả nước thống kê chưa đầy đủ có 45 triệu xe máy, trong khi chỉ có 4 triệu ô tô. Có thể nói xe máy đang là "cần câu cơm" của đại đa số người dân Việt Nam. Nếu xây dựng giao thông dựa trên việc hạn chế xe máy, ưu tiên ô tô là chúng ta đang làm ngược với cụm từ "giao thông công cộng". Không thể xây dựng cơ sở giao thông dưới con mắt của người giàu như thế được.

"Tôi đã rất thương cảm khi nhìn thấy những đôi vợ chồng chở nhau mưu sinh trên một chiếc xe máy, hoặc một người đàn ông chở cả gia đình của anh ta trên chiếc xe ấy. Vì sao người ta không tìm đến các phương tiện công cộng? Bởi cơ sở hạ tầng công cộng của Việt Nam không giải quyết nổi nhu cầu đi lại của người dân" - Tiến sĩ Thủy bày tỏ.

Thứ tư, mọi tai nạn thảm khốc ghi nhận thời gian gần đây đều xuất phát từ ô tô. Lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn, lái xe phê ma túy gây tai nạn liên hoàn, nữ giới lái xe có nồng độ cồn cao gây tai nạn liên hoàn. Phải nhìn nhận rằng người đi xe máy đang là nạn nhân, chứ không phải nguyên nhân của tất cả mọi chuyện.

Nguyên giám đốc Nhà xuất bản GTVT phân tích thêm, xe máy công nhận nhiều. Và theo toán học, xác suất xảy ra tại nạn cũng sẽ tăng theo số lượng ấy. Nhưng có bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi vì sao người dân đi xe máy, thay vì đi ô tô bus và các phương tiện công cộng?

"Cơ quan quản lý phải có lộ trình cụ thể. Mà lộ trình ở đây phải cho thấy khi nào các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao... đảm bảo được 40-50% nhu cầu đi lại của người dân thì mới có thể từng bước hạn chế các phương tiện cá nhân.

Và tôi nói thẳng, nếu Bộ GTVT làm tốt thì người dân sẽ tự lựa chọn cái tốt cho mình. Thay vì phơi mặt ra đường nắng, mưa, rét, nguy hiểm, ô nhiễm, họ ngồi tàu điện, ngồi xe bus sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng nhìn vào hạ tầng giao thông công cộng ở Hà Nội có gì?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tac-duong-tai-nan-do-oto-xe-may-chi-la-nan-nhan-3372463/