Tác dụng và cách sử dụng trái bơ đúng cách

Bơ là loại quả giàu dinh dưỡng, có thể chế biến nhiều loại thực phẩm nên được nhiều người lựa chọn nhất là khi đang vào mùa. Bơ có tác dụng thế nào và sử dụng bơ với lượng thế nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu thêm về loại quả này.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Viện dinh dưỡng Hà Nội, trong 100g thịt trái bơ có chứa: 10% lượng RDA Vitamin E, 26% lượng RDA Vitamin K, 17% lượng RDA Vitamin C, 14% lượng RDA Vitamin B5, 13% lượng RDA Vitamin B6, 20% lượng RDA Folate, 14% lượng RDA Kali (RDA - Recommended Dietary Allowance: là lượng các chất dinh dưỡng cần thiết đáp ứng cho một người bình thường/ ngày). Ngoài ra còn chứa rất nhiều các khoáng chất với thành phần ít hơn như magie, mangan, đồng, phospho, vitamin A, B1, B2, Sắt… Với những dưỡng chất dồi dào như vậy, bơ là là một loại trái cây được rất nhiều người ưa thích giúp chúng ta tăng cường sức khỏe và tốt cho hệ tiêu hóa.

Công dụng của quả bơ

Công dụng của quả bơ

Theo bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Maureen Eyerman tại hạt San Luis Obispo (Mỹ): “Hàm lượng chất béo cao trong quả bơ giúp làm giảm lượng đường trong máu khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm. Chất béo không bão hòa đơn được tìm thấy trong quả bơ làm giảm lượng cholesterol xấu, đồng thời làm tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể”. “Các chất béo có lợi cho sức khỏe trong quả bơ giúp duy trì hệ thống tim mạch được khỏe mạnh, giảm nguy cơ bị đột quỵ, đau tim và nhiều bệnh khác liên quan đến tim mạch”, bác sĩ Sandra J. Arevalo, Giám đốc dinh dưỡng của Chương trình cộng đồng Montefiore tại New York cho biết.

Loại quả này cũng giàu kali hơn so với chuối, kali giúp làm giảm huyết áp và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Vitamin B9 có trong bơ cũng có tác dụng tương tự, ngoài ra cũng làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh não và tủy sống cho thai nhi. Chất lutein trong trái bơ rất tốt cho mắt, nó có tác dụng phòng tránh, giảm thiểu các bệnh liên quan tới mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, lutein còn có tác dụng tốt trong việc phòng tránh bệnh tim.

Bơ là nguồn phong phú các hợp chất thực vật quan trọng, tốt cho việc phòng chống ung thư. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các chất chống oxy hóa như glutathone, vitamin C, E và carotenoid, cũng ngăn ngừa một số bệnh ung thư như miệng, da và tuyến tiền liệt.

Hàm lượng các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe trong trái bơ như chất béo omega-3, carotenoid và vitamin, giúp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa viêm nhiễm trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tinh dầu được làm từ bơ và đậu nành có thể làm giảm hiện tượng viêm và xương khớp.

Quả bơ cũng được nhiều người sử dụng như một loại mĩ phẩm tự nhiên chăm sóc cho làn da. Vitamin E trong bơ cùng nhiều chất chống oxy hóa khác như lutein, zeaxanthin đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì làn da khỏe mạnh, chắc khỏe. Chúng cũng giúp bảo vệ da khỏi các tia cực tím có hại và ngăn ngừa quá trình lão hóa sớm của da.

Trái bơ rất giàu khoáng chất kali, có tác dụng tuyệt vời trong việc điều chỉnh huyết áp

Rất nhiều những lợi ích mà trái bơ có thể mang lại. Song khi ăn quá nhiều bơ, cơ thể chúng ta không thể ngay một lúc hấp thụ được hết tất cả các chất dinh dưỡng, dưỡng chất của nó. Có thể nói rằng, khi ăn quá nhiều bơ không những không bổ dưỡng mà còn phản tác dụng, gây nên một số tác hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Cụ thể như:

-Tâng cân: Theo như ước tính, 100g thịt bơ thì sẽ cung cấp 160 – 180 calo, một lượng calo nhiều đáng kể. Khi bạn ăn quá nhiều bơ mà không cắt giảm hàm lượng calo từ các thực phẩm khác sẽ gây ra thừa calo cho cơ thể, gây tăng cân cho người sử dụng.

-Tổn thương đến gan: Trong thành phần của bơ rất giàu chất collagen, có tác dụng tái tạo da, đẩy lùi sự lão hóa sớm rất cực kì tốt. Nhưng như đã nói, khi bạn ăn quá nhiều bơ, bạn không thể tiêu hóa hết chất collagen và một số loại dầu có trong bơ dẫn đến tình trạng tích tụ lại trong gan và gây tổn hại đến gan. Chính vì vậy mà những người gặp vấn đề về gan không nên ăn quá nhiều bơ vì có thể nó sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho gan.

-Không tốt cho người có cơ địa quá mẫn cảm: Những người bị mẫn cảm nên tránh ăn nhiều quả bơ vì nó có thể gây phản ứng trên da hoặc nôn mửa. Tác dụng phụ của bơ trên da là gây ra các vấn đề dị ứng. Các triệu chứng của dị ứng khi ăn nhiều bơ thường là phát ban, ngứa, mẩn đỏ ở da hoặc eczema. Ăn quá nhiều bơ sẽ gây cảm giác ngứa ở miệng và sưng lưỡi.

-Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú nên cẩn trọng: Phụ nữ mang thai ăn bơ có thể giảm lượng sữa và gây tổn thương đến tuyến vú. Trong khi đó, bà mẹ đang cho con bú nếu ăn quá nhiều bơ có thể khiến con bị đau bụng.

Để chúng ta có thể phát huy được hết và hiệu quả tính bổ dưỡng của trái bơ, thì chúng ta cần phải ăn đúng cách và nên ăn một lượng vừa đủ cho một ngày. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, mỗi ngày chúng ta chỉ nên ăn khoảng 1/6 quả bơ hoặc hơn một chút là đã có thể cung cấp cho cơ thể đầy đủ các dưỡng chất, khoáng chất cần thiết.

Về thời gian hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt nhất khi ăn bơ, các bạn nên sử dụng trái bơ trước bữa ăn 1 – 2 tiếng và nên ăn vào buổi sáng nếu không muốn tích tụ thành các chất béo. Còn nếu bạn đang có nhu cầu lên cân thì có thể ăn sau bữa ăn 1 – 2 tiếng.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tac-dung-va-cach-su-dung-trai-bo-dung-cach-200014.html