Tác dụng phụ khó ngờ của nha đam

Dù là một loại thực phẩm bổ dưỡng, là loại vật liệu chăm sóc sức khỏe tốt, tuy nhiên, lạm dụng nha đam quá mức cũng đem lại nhiều tác dụng phụ không mong đợi.

Nha đam được dùng làm thực phẩm hương vị, mỹ phẩm, thuốc thảo dược và thực phẩm bổ sung, chiết xuất gel...

Gel nha đam được tạo thành từ khoảng 96% nước và chứa các vitamin A, B, C và E. Hầu hết mọi người dùng gel nha đam cho bệnh tiểu đường, viêm gan, sụt cân, bệnh viêm ruột, loét dạ dày, viêm xương khớp, hen suyễn, sốt, ngứa...

Các loại thuốc gel nha đam cũng được bôi tại chỗ trên da. Ngoài ra, nó cũng rất tốt cho da và tóc.

Tuy nhiên, lượng gel dư thừa có thể gây hại cho cơ thể và dẫn đến nhiều tác dụng phụ khác nhau.

1. Dị ứng da

Việc sử dụng gel nha đam trong một thời gian dài có thể gây dị ứng da như viêm, phát ban và đỏ mí mắt. Các tác dụng phụ khác trên da bao gồm da khô, cứng, phát triển các đốm tím, vẩy.

Hơn nữa, bôi gel nha đam và bước ra ngoài nắng có thể gây phát ban và kích ứng da hoặc đỏ, bỏng da.

2. Giảm lượng đường trong máu

Nha đam có liên quan đến lượng đường trong máu thấp hơn, do đó bệnh nhân tiểu đường nên thận trọng hơn khi tiêu thụ lượng nha đam nhất định.

3. Các biến chứng trong thai kỳ và cho con bú

Cả gel hoặc mủ của nha đam đều có thể không an toàn cho bà mẹ mang thai và cho con bú khi ăn phải. Lý do là nha đam có thể kích thích các cơn co thắt tử cung, gây ra các biến chứng như sẩy thai và làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.

4. Gây độc tính gan

Dùng một liều cao nha đam có thể dẫn đến viêm gan, do sự hiện diện của nhiều hợp chất hoạt tính sinh học như C-glycosides, anthraquinon, anthone, lectins, polymannans và acetylated mannans trong nha đam, có thể ảnh hưởng đến quá trình giải độc của gan và điều này có thể dẫn đến tổn thương gan.

5. Suy thận

Nha đam có thể tương tác với một số loại thuốc (Digoxin, thuốc trị tiểu đường, Sevoflurane, thuốc lợi tiểu) và có thể dẫn đến bệnh thận trong thời gian dài.

Vì vậy, cá nhân bị bất kỳ vấn đề nào về bệnh thận phải tránh tiêu thụ nha đam.

6. Mất cân bằng điện giải

Tiêu thụ một lượng lớn nước ép nha đam có thể gây tiêu chảy và đau bụng, dẫn đến mất nước và mất cân bằng điện giải.

HUỲNH DŨNG (Theo Boldsky)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tac-dung-phu-kho-ngo-cua-nha-dam-9132.html