'Tác dụng ngược' đối với Trung Quốc khi hoạt động lấn lướt trên Biển Đông

Càng lấn lướt thì Bắc Kinh càng khiến khối liên minh, đối tác quân sự giữa Mỹ và các nước đồng minh hay đối tác trong khu vực thêm thắt chặt.

Từ tháng 6 đến nay, việc Trung Quốc (TQ) nhiều lần điều tàu cản trở, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia, Việt Nam, Philippines trên Biển Đông (BĐ) chẳng những không đe dọa được các quốc gia này mà còn khiến thế trận phòng thủ được thiết lập trong khu vực để đáp trả những hành động khiêu khích của Bắc Kinh (BK).

Tờ Rappler hôm 18-8 nhắc lại cam kết của tướng David Goldfein - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - khi ông khẳng định: “Ở nơi đó (BĐ) luôn có sự sẵn sàng và khả năng sẵn có của chúng tôi để bay hay dong buồm đến nơi chúng tôi cần vào bất cứ lúc nào chúng tôi muốn. Sẽ không có sự buông xuôi trong tương lai. Đó là cam kết của chúng tôi trong khu vực”.

Chính các động thái lấn lướt gia tăng thời gian qua của Bắc Kinh khiến dư luận Philippines ngày càng phẫn nộ, đòi chính quyền cứng rắn hơn. Đây chính là “tác dụng ngược” khiến TQ ngày càng “thêm thù, bớt bạn”.

Ngoại trưởng Philippines - Delfin Lorenzana thể hiện sự bực tức khi cho biết thời gian qua TQ đã điều tàu chiến nhiều lần đi qua eo biển Sibutu ở miền nam Philippines nhưng không thông báo với nước chủ nhà...

Trong khi đó, tờ South China Morning Post ghi nhận các nước trong khu vực Đông Nam Á từ Indonesia, Malaysia, Philippines đến Việt Nam, trước sức ép lấn lướt từ TQ, đều tăng cường năng lực hải quân của mình bằng cách mở rộng quy mô các hạm đội, nhận thêm tàu tuần tra được nhiều nước như Mỹ hoặc Nhật Bản hỗ trợ, chú trọng chính sách hướng biển để bảo vệ các đảo tiền tiêu, phên dậu trên BĐ.

Tàu chiến Trung Quốc tập trận trên Biển Đông - Ảnh: AFP

Tàu chiến Trung Quốc tập trận trên Biển Đông - Ảnh: AFP

Càng lấn lướt thì Bắc Kinh càng khiến khối liên minh, đối tác quân sự giữa Mỹ và các nước đồng minh hay đối tác trong khu vực thêm thắt chặt. Tuần trước, lực lượng hải quân và tuần duyên Mỹ đã tập trận chung với Malaysia trong khi Lầu Năm Góc cũng tham gia khóa huấn luyện quân sự tại đảo Guam với các đối tác từ Úc, Canada, New Zealand.

Việc Bắc Kinh tăng cường hoạt động lấn lướt trên BĐ diễn ra trong bối cảnh các vấn đề nội bộ của nước này đang diễn tiến theo chiều hướng phức tạp.

Một là, thương chiến với Mỹ gia tăng khiến 1 nước có nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài như TQ lao đao.

Hai là, chính quyền Đài Loan (ĐL) do đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn lãnh đạo nhiều lần từ chối công nhận chính sách “Một TQ” tức xem ĐL, Hồng Kông, Ma Cao là một phần lãnh thổ của đại lục. Việc Mỹ tiếp tục bán các gói vũ khí cho Đài Bắc phòng thủ càng gây sức ép lên lãnh đạo ở Trung Nam Hải, khi chủ nghĩa dân tộc sục sôi ở nước này luôn đòi phải mạnh tay với ĐL, nếu không muốn bị chê là “yếu đuối”, trong khi Mỹ lại đang dùng đảo này làm “con bài” mặc cả trên bàn đàm phán thương mại.

Ba là, làn sóng biểu tình rầm rộ ở Đặc khu hành chính Hồng Kông chống dự luật dẫn độ từ tháng 6 đến nay ngày càng tăng, gây khó xử cho TQ trên trường quốc tế. Thêm vào đó là hàng loạt vấn đề đối nội khác của nền kinh tế nước này như nợ công cao, chính sách tài khóa còn nhiều bất cập, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường... Tất cả tạo nên sức ép bủa vây khiến giới lãnh đạo TQ gia tăng hoạt động lấn lướt ở BĐ nhằm lôi kéo sự chú ý của dư luận trong nước khỏi những vấn đề đối nội trên, đặc biệt là thương chiến hay Hồng Kông để đẩy chú ý sang xung đột trên BĐ, giúp họ giảm phần nào sức ép. Đây là “chuyển lửa ra ngoài” từng được Bắc Kinh áp dụng nhiều lần trong quá khứ.

Ngoài ra, sau thời kỳ cơi nới, mở rộng, bồi lấp phi pháp các đảo nhân tạo trên BĐ đi kèm việc xây dựng các cơ sở quân sự từ trạm radar đến đường băng sân bay trên vùng biển này, nay Bắc Kinh đã tự tin về hạ tầng để không còn giấu giếm mưu đồ quân sự hóa BĐ của mình.

Đó là cách giải bài toán địa chính trị của nước này trước nguồn cung dầu ngày càng dao động do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran hay Venezuela. Với một nền kinh tế phát triển nóng, TQ cần nhiều nhiên liệu đồng thời không muốn bị Mỹ và các đồng minh “nắm thóp” BĐ, tuyến đường vận chuyển dầu mỏ, hàng hóa quan trọng.

“Tiên hạ thủ vi cường”, nghĩa là “ra tay trước sẽ giành được lợi thế” trong Binh pháp Tôn Tử nay tiếp tục được áp dụng. Độc chiếm và khống chế BĐ trước để không bị các đối thủ phong tỏa trong trường hợp xảy ra xung đột. Có điều những hành động lấn lướt này chỉ càng khiến Bắc Kinh rước “tác dụng ngược” không hề mong muốn!

Anh Duy (AFP)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/tac-dung-nguoc-doi-voi-trung-quoc-khi-gay-han-tren-bien-dong_78785.html