Tác dụng không ngờ của loại nấm 'lộc trời' khiến người Huế đổ xô đi hái

Những tác dụng không ngờ của loại nấm không phải lúc nào cũng có khiến nhu cầu người mua nhiều dẫn đến nhiều bà con ở Thừa Thiên-Huế đổ xô đi hái nấm sau mưa.

Sau những cơn mưa của tháng Tám, vào độ sáng sớm tinh mơ, khi những giọt mưa đêm còn đọng trên tán lá, người dân ở thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên –Huế) lại vào rừng tìm một loại nấm mà họ cho rằng là “lộc” trời ban, không phải lúc nào cũng có.

Đó là nấm tràm, gọi là nấm tràm bởi loại nấm này thường mọc dưới tán các rừng tràm, keo. Nấm thường mọc nhiều nhất khi cơn mưa đầu thu vừa dứt được khoảng một ngày.

Nấm tràm thường mọc nhiều sau những cơn mưa.

Nấm tràm thường mọc nhiều sau những cơn mưa.

“Loại nấm này chỉ mọc ở rừng keo tràm, những ngày có mưa thì hôm sau có thể hái được khoảng 10kg, nếu may mắn thì nhiều hơn. Nấm này thường được đưa về xào hoặc phơi khô, ai được nhiều thì có thể bán cho thương lái kiếm tiền”, bà Đặng Thị Gái, trú ở thôn Bến Cán cho hay.

Nấm tràm hình dạng khá đa dạng. Tai nấm màu tím nhạt, tròn và béo múp...

Có cây màu lại tím thâm. Khi mới nhú nấm thường có dạng búp tròn, nấm lớn có hình như cái ô, loại nấm này chỉ mọc trong vòng khoảng 1 tháng.

Ông Nguyễn Thắng, nhà ở thôn Bến Ván chia sẻ, ông thường đi hái nấm từ 6 giờ sáng nếu được nhiều thì 9 giờ là về. Đầu mùa nấm lúc nào về giỏ ông cũng đầy ắp. Nấm tràm thường rộ mùa vào tháng 8 đến tháng 9, giá của mỗi kg nấm hiện tại bán tại chỗ vào khoảng 25.000 đồng/kg tùy theo nấm đẹp hay nấm xấu.

Một lãnh đạo xã Lộc Bổn thông tin với PV, công dụng của nấm tràm rất tốt nên nhu cầu của người dân rất nhiều. Không chỉ người dân ở xã Lộc Bổn mà bà con ở xung quanh các tán rừng keo, tràm ở Thừa Thiên-Huế dịp mưa đầu thu thường đổ xô đi hái nấm. Ngoài để chế biến các món ăn cho gia đình thì họ còn hái nấm về bán để kiếm thêm thu nhập. Mỗi kg nấm bán ở chợ cũng được 35.000 đồng. Mỗi ngày người dân hái được 5-10 kilogam là chuyện bình thường.

Nhiều người dân đi hái nấm ngoài tự tay làm món ăn cho gia đình còn muốn rèn luyện sức khỏe.

Niềm vui của một người dân hái được nhiều nấm trong ngày.

Bác sỹ chuyên khoa Y học cổ truyền Lê Công Danh thông tin, nấm tràm có vị đắng thanh nhưng lành tính. Theo quan điểm đông y, nấm tràm rất tốt vì chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng làm bổ nội tạng nhờ chất dầu tràm ở trong nó vị đắng ấy lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, do vậy nấm tràm còn có tác dụng giã rượu.

Các tài liệu của nước ngoài thì nấm tràm có khả năng hỗ trợ chữa một số bệnh như kháng viêm, chống khối u và tế bào ung thư.

Bác sỹ Lê Công Danh.

Một món ăn làm từ nấm tràm.

“Nấm tràm thường được xào, nấu canh, kho tiêu, nấu cháo… Nấm tươi muốn bớt đắng thì cần rửa thật sạch và trụm qua nước sôi có vài lá ổi bên trong sau đó ngâm tiếp trong nước lạnh 15 phút. Chính vị đắng của nấm tràm đã làm nên hương vị đặc biệt của những món ăn có nó”, Bác sỹ Lê Công Danh chia sẻ thêm.

Tùng An

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tac-dung-khong-ngo-cua-loai-nam-loc-troi-khien-nguoi-hue-do-xo-di-hai-a449018.html