Tác dụng của những khó khăn

Những phương pháp mới mẻ, có khả năng là tốt hơn bình thường, thường được khám phá vào những lúc những khó khăn. Bởi vì chúng ta buộc phải nghĩ rộng hơn, phải biết chấp nhận và thích nghi trong những lúc như thế.

Có một câu chuyện đùa như thế này: Thánh Peter gác cửa Thiên Đường đang kiểm tra nhân thân của từng người đứng đợi để được vào trong. Người đầu tiên đến từ bang Texas.

- Cho tôi biết, anh đã làm gì khi sống dưới hạ giới? - Thánh Peter hỏi.

Người Texas đáp:

- Dạ, tôi khai thác dầu mỏ, trở nên giàu có, nhưng tôi không hề ngủ quên trên chiến thắng. Tôi chia tài sản của mình cho tất cả mọi người trong gia đình và họ hàng. Sau này, các con cháu tôi có thể sống nhàn rỗi hơn.

Thánh Peter đáp:

- Chà, cũng ấn tượng đấy. Anh được vào. Nào, mời người tiếp theo!

Một người nữa bước đến và trình bày:

- Dạ, tôi thì đầu tư tiền vào chứng khoán, và may mắn thu về rất nhiều lợi nhuận. Nhưng tôi không hưởng một mình, tôi đóng góp rất nhiều cho các quỹ từ thiện.

Thánh Peter lại đáp:

- Thật tuyệt vời! Anh cũng được vào. Nào, mời người tiếp theo!

Trong câu chuyện vui, những người làm nhiều việc từ thiện thì sẽ được Thánh Peter cho vào Thiên Đường.

Trong câu chuyện vui, những người làm nhiều việc từ thiện thì sẽ được Thánh Peter cho vào Thiên Đường.

Người tiếp theo buồn bã tiến tới và trình bày:

- Tôi không để lại được tài sản gì cho con cháu, cũng không quyên góp được cho các quỹ từ thiện, tại vì mỗi năm tôi chỉ kiếm được cùng lắm là 3.000 đôla.

Thánh Peter lắc đầu kêu lên:

- Trời đất ơi, hồi đó anh chơi nhạc cụ gì vậy?

Đây là một câu chuyện vui nhằm nói rằng các nhạc công kiếm được rất ít tiền, thường có cảnh sống nghèo khó. Thời bây giờ, khi nhiều ngành giải trí và nghệ thuật lên ngôi thì cuộc sống của nghệ sĩ đã được cải thiện nhiều; tuy nhiên, có một thời mà các nhạc sĩ, nhạc công sống rất khó khăn là có thật.

Có một thời, các nhạc công có cuộc sống rất khó khăn.

Cũng thật như câu chuyện dưới đây vậy:

Năm 1975, nghệ sĩ piano chuyên nhạc jazz Keith Jarrett chơi trong một buổi hòa nhạc mà sau đó được ghi vào lịch sử. Trong buổi biểu diễn này ở Cologne, ông sử dụng một chiếc piano Bösendorfer cũ kỹ, nói thật là không thể chơi nổi. Nhưng nó là chiếc piano duy nhất tại nơi ông biểu diễn, nên ông không có lựa chọn nào khác.

Để chơi một chiếc piano “cổ kính” đến thế thì Jarrett không thể cứ chơi bình thường như đối với một chiếc piano mới được. Bởi vì nó lạc nhịp, âm thanh thì quá bé, các bàn đạp thì dính và khi đánh những nốt cao thì luôn có kèm theo một âm thanh kim loại nho nhỏ gì đó nữa. Cho nên, ông đành phải nghĩ giải pháp.

Keith Jarrett trong buổi hòa nhạc nổi tiếng năm 1975.

Để xử lý tình trạng âm thanh bị vọng, ông chơi những đoạn nhạc trầm ngắn. Để tăng âm lượng, ông không ngồi mà đứng chơi, nhấn các phím mạnh hơn, từ đó, lại tạo thêm sự mãnh liệt cho bản nhạc. Chính bằng cách chơi kỳ lạ này, mà ông đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, khiến người ta ghi nhớ rất lâu về sau.

Nghệ sĩ piano Keith Jarrett.

Và việc này nên được áp dụng phổ biến: Những thiếu thốn, rắc rối luôn buộc chúng ta phải tìm những cách tiếp cận mới và sáng tạo. Nói cho cùng, nếu những thói quen bình thường của chúng ta mà vẫn hiệu quả, khiến cho mọi việc vẫn đi theo ý của chúng ta, thì đâu cần phải thay đổi gì? Những phương pháp mới mẻ, có khả năng là tốt hơn nhiều, thường được khám phá vào những lúc những khó khăn. Bởi vì chúng ta buộc phải nghĩ rộng hơn, phải biết chấp nhận và thích nghi trong những lúc như thế.

Thế thì, những khó khăn cũng có tác dụng đấy chứ! Rõ ràng là chúng ta đều trở nên giỏi giang hơn, mạnh mẽ hơn mỗi khi gặp khó khăn, nên nếu bạn nhìn đúng cách thì ngay cả khó khăn cũng là điều để chúng ta biết ơn trong cuộc sống này!

THỤC HÂN (dịch)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tich-cuc/tac-dung-cua-nhung-kho-khan-1647269.tpo