Tác dụng của mùi và âm thanh trong giấc ngủ

Ngủ một giấc ngon lành mà hôm sau bài vở bỗng nhiên… thuộc hơn. Không hiếm các bạn trẻ ở độ tuổi cắp sách tới trường từng mơ mộng như thế. Giấc mơ ấy vừa được thắp lên vài tia hy vọng theo nghiên cứu của giáo sư Ken Paller và nhóm cộng sự tại Đại học Northwestern (Illinois) vừa được đăng trên tạp chí Science.

m thanh và mùi kích thích trí nhớ

Các nhà khoa học đã sử dụng một phương pháp khá mới lạ: kích thích trí nhớ bằng âm thanh. 12 bạn trẻ tình nguyện tham gia thí nghiệm đã được cho thời gian đủ để ghi nhớ vị trí của 50 hình ảnh khác nhau trên màn hình máy tính. Mỗi một hình ảnh được đi kèm với tiếng động đặc trưng (hình chú mèo sẽ có tiếng meo meo, hình chiếc ly bể sẽ có tiếng loảng xoảng). Sau đó, các tình nguyện viên được mời đi ngủ và khi họ đã say ngủ, các nhà nghiên cứu "bí mật" cho phát lại tiếng động của 25 tấm hình đã được xem và nghe qua trước đó. Khi thức dậy, các tình nguyện viên nhớ được vị trí của 25 tấm hình đã được nghe tiếng động trong khi ngủ chính xác hơn hẳn so với số còn lại. Cùng một thí nghiệm như trên nhưng tiếng động được phát lại cho các tình nguyện viên vào lúc thức giấc đã không cho thấy một sự hiệu quả nào.

Năm 2007, một nghiên cứu khác của giáo sư Jan Born (Đại học Lubeck, Đức) cũng cho thấy vai trò của những kích thích giác quan trong lúc ngủ đến trí nhớ. Các tình nguyện viên tham gia một trò chơi rèn trí nhớ với các lá bài trong một căn phòng tỏa hương hoa hồng. Khi ngủ các tình nguyện viên được chia làm 2 nhóm: một nhóm mùi hương hoa hồng được đưa vào trong giấc ngủ sâu, nhóm kia trong giấc ngủ nông. Kết quả kiểm tra sự ghi nhớ các lá bài tiến bộ hơn hẳn ở nhóm được ngửi hương hoa hồng trong giấc ngủ sâu. Nhóm được kích thích bằng hương hoa trong giấc ngủ nông hầu như không có hiệu quả đáng kể nào được ghi nhận.

Ngủ sâu, nhớ lâu

Theo TS Paul Salin thuộc viện nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp-CNRS, cả hai nghiên cứu trên bổ sung qua lại cho nhau và chứng tỏ rằng những kích thích mùi hương và âm thanh trong giấc ngủ say có thể giúp tăng cường trí nhớ. Giáo sư Damien Leger thuộc Trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ của bệnh viện Hotel-Dieu (Paris) cũng đồng tình: "Việc âm thanh có thể tham gia vào quá trình ghi nhớ của não bộ trong khi ngủ là một khám phá mới và rất thú vị. Những kết quả này khẳng định lại quan điểm cho rằng sự ghi nhớ một thông tin sẽ hiệu quả hơn khi thông tin ấy được kết hợp với những cảm nhận từ các giác quan".

Sẽ còn rất sớm để tính đến một chương trình "rèn luyện não bộ xuyên màn đêm". Và đến nay, chưa từng có người nào rành ngoại ngữ chỉ qua việc… nghe chương trình tiếng nước ngoài trong khi ngủ. Nhưng công trình của các GS Ken Paller và Jan Born đã mở ra tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo về việc tăng cường trí nhớ thông qua những kích thích các giác quan trong giấc ngủ sâu. Một số nghiên cứu về những kích thích xung điện vào não bộ trong khi ngủ cũng cho những kết quả về trí nhớ rất khả quan. Và một điều chắc chắn: tăng cường "chất lượng" cho giấc ngủ hằng đêm sẽ giúp trí tuệ minh mẫn hơn hẳn. Học tập sau một đêm ngủ ngon sẽ giúp kiến thức được ghi nhớ lâu hơn.

TS Paul Salin kết luận: "Sẽ sai lầm nếu cho rằng việc ngủ làm bạn mất thời gian. Giấc ngủ ngon hết sức quan trọng cho việc duy trì não bộ ở trạng thái hoạt động hiệu quả nhất và đem lại nhiều lợi ích cho hệ miễn dịch của cơ thể".

Ngủ phải đủ giấc

* Theo GS BS Đào Trần Thái, trưởng bộ môn Tâm thần, Đại học Y dược TP.HCM, con người dành 1/3 cuộc đời cho chuyện ngủ. Trung bình mỗi ngày chúng ta cần ngủ đủ 8 tiếng để đảm bảo cho việc "sửa chữa" và hồi phục những khiếm khuyết của cơ thể sau một ngày làm việc mệt mỏi.

* Giấc ngủ được chia ra làm 2 loại: giấc ngủ nông (thường vào giai đoạn gần sáng) có vai trò chọn lọc thông tin cần thiết cho trí nhớ; giấc ngủ sâu giúp hồi phục cơ thể. Giấc mơ thường đến vào giấc ngủ nông và khi thức dậy vẫn còn nhớ. Muốn đảm bảo cho sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn, cần ngủ đủ giấc kể cả giấc ngủ nông lẫn giấc ngủ sâu có thể phát huy tối đa tác dụng.

* Để có một giấc ngủ ngon nên giữ cho đầu óc thư giãn trước khi đi ngủ, phòng ngủ cần rộng rãi, thoáng mát, không gian yên tĩnh và khi ngủ không để đèn sáng.

* Các thử nghiệm cũng cho thấy nghe nhạc cổ điển nhẹ nhàng trong khi ngủ cũng đem lại hiệu quả rất tích cực cho trí não, nhất là đối với trẻ em.

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(Theo Science & Le Figaro)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/tac-dung-cua-mui-va-am-thanh-trong-giac-ngu-97677.html