Tác dụng của bông cải xanh với người mắc ung thư

Các hợp chất nhất định trong bông cải xanh có thể có khả năng ngăn chặn sự di căn này. Tuy vậy, điều này chưa được thử nghiệm lâm sàng.

 Ảnh: Healthline.

Ảnh: Healthline.

Trước tiên, hiểu được tác hại của thuốc lá đối với phổi là điều quan trọng. Khói thuốc lá chứa các hóa chất làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể dễ mắc bệnh và cản trở khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Đồng thời, khói thuốc lá có thể phá hủy ADN của tế bào, làm tăng cơ hội cho tế bào ung thư hình thành và sinh sôi nảy nở ngay từ đầu.

Để kiểm chứng sức mạnh của việc thay đổi chế độ ăn nhằm ngăn ngừa sự phá hủy ADN, các nhà khoa học thường nghiên cứu những người thường xuyên hút thuốc lá. Các nhà nghiên cứu đã tập hợp một nhóm người hút thuốc lá lâu năm và yêu cầu họ ăn lượng bông cải xanh nhiều gấp 25 lần so với lượng trung bình của người Mỹ, nói cách khác là mỗi ngày ăn một cây bông cải xanh. So với những người hút thuốc lá không ăn bông cải xanh, đột biến ADN trong máu những người hút thuốc lá có ăn bông cải xanh giảm 41% sau mười ngày.

Đó có phải do bông cải xanh thúc đẩy hoạt động của các enzym giải độc trong gan, giúp làm sạch các chất gây ung thư trước khi chúng tấn công tế bào của những người hút thuốc không?

Không phải, thậm chí khi ADN được trích xuất từ cơ thể của đối tượng và tiếp xúc với hóa chất gây tổn thương ADN đã được biết, gene của những người ăn bông cải xanh ít bị hư hại hơn. Điều này cho thấy ăn rau cải như bông cải xanh có thể làm cho bạn có khả năng chống chịu tốt hơn tính từ mức tế bào trở xuống.

Bây giờ, bạn đừng nghĩ rằng điều này có nghĩa là ăn một cây bông cải xanh trước khi hút một gói Marlboro đỏ là sẽ loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây ung thư của khói thuốc lá. Không như vậy đâu. Tuy nhiên, khi bạn đang cố gắng bỏ thuốc lá, các loại rau cải như bông cải xanh, bắp cải và bông cải trắng có thể giúp ngăn chặn tổn thương thêm.

Lợi ích của các loại rau cải thuộc họ bông cải xanh (họ cải) không dừng lại ở đó. Mặc dù ung thư vú là loại ung thư bên trong cơ thể phổ biến nhất ở phụ nữ Mỹ nhưng thực tế ung thư phổi mới là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Khoảng 85% phụ nữ ung thư vú vẫn sống sót sau 5 năm được chẩn đoán mắc bệnh nhưng đối với ung thư phổi thì ngược lại: 85% phụ nữ chết trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc căn bệnh này. 90% ca tử vong là do ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các hợp chất nhất định trong bông cải xanh có thể có khả năng ngăn chặn sự di căn này. Trong một nghiên cứu được thực hiện năm 2010, các nhà khoa học đã đặt một lớp tế bào ung thư phổi của con người trên đĩa nuôi cấy (petri dish) và lau sạch một đường ở giữa. Trong vòng 24 giờ, các tế bào ung thư đã trườn về lại, và trong vòng 30 giờ, khoảng hở đó đã kín lại hoàn toàn.

Nhưng khi các nhà khoa học nhỏ vài giọt hợp chất chiết xuất từ họ cải lên các tế bào ung thư, khả năng hàn gắn của chúng bị ngưng lại. Mặc dù ăn bông cải xanh có giúp kéo dài sự sống ở các bệnh nhân ung thư hay không vẫn chưa được thử nghiệm lâm sàng, nhưng cái hay của chế độ ăn có lợi cho sức khỏe là chúng không có tác dụng phụ nên có thể được bổ sung kết hợp với bất kỳ phương pháp trị liệu nào khác mà người ta lựa chọn.

Michael Greger / NXT Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-dung-cua-bong-cai-xanh-voi-nguoi-mac-ung-thu-post1370755.html