Tác động và triển vọng kinh tế trong dịch Covid-19

Điểm nhấn nổi bật trên toàn thế giới trong quý i năm 2020 là sự bùng phát và lanrộng nhanh chóng và gây ra một loạt hệ quả nặng nề cả về con người, kinh tế và xã hôịcủa đại dịch Covid-19 cho cả thế giới, cũng như mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, tái khởi động nền kinh tế là điều cần thiết. Ảnh minh họa

Khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, tái khởi động nền kinh tế là điều cần thiết. Ảnh minh họa

Tác động tới kinh tế thế giới

Trong nghiên cứu toàn diện đầu tiên của mình về tác động của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, được công bố ngày 2/3/2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, gồm 36 thành viên) khẳng định nền kinh tế toàn cầu đã có nguy cơ suy thoái rõ ràng trong quý I/2020 và đã hạ 0,5 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009.

Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp”, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019.

Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020.

ILO ước tính, sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người). Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và làm gia tăng bất bình đẳng. Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; kéo theo đó là việc giảm tổng cầu xã hội và gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt...

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong dịch Covid-19

Tác động tới Việt Nam

Trước mắt, tình hình kinh tế - xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, gắn với kết quả ngăn chặn dịch bệnh Covid- 19 cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 42% số doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I/2020; và 25,9% số doanh nghiệp dự báo kinh doanh trong quý II/2020 sẽ khó khăn hơn quý I/2020.

Đặc biệt, một kết quả khảo sát nhanh của VCCI dự báo, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây, nhất là lao động kỹ năng còn thấp trong các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện tử...

Sau đợt cao điểm chống đại dịch kéo dài từ ngày 1 đến 22/4, kết quả thu được thật đáng phấn khởi: Cả nước hiện không có người tử vong; liên tục hơn 1 tháng không có ca mắc mới trong cộng đồng và chữa khỏi bệnh cho hơn 80% người nhiễm bệnh ở cơ sở chữa bệnh cả tuyến y tế cấp Trung ương và địa phương.

Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó, kiểm soát đại dịch Covid-19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như các gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng).

Khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn và chưa biết khi nào mới chấm dứt hoàn toàn, thì tái khởi động nền kinh tế là điều cần thiết. Vì vậy, từ sáng ngày 23/4, các hoạt động kinh tế - xã hội trên cả nước đã từng bước phục hồi về lĩnh vực, phạm vi và công suất hoạt động bình thường, trên cơ sở bảo đảm việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn y tế.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang được xây dựng và xúc tiến triển khai ở cả cấp quốc gia, ngành và địa phương, dựa theo 3 nhóm tiêu chí phân biệt mức độ lây lan (nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp) của dịch bệnh Covid- 19.

Thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với doanh nghiệp

Bước đi phù hợp

Những hệ lụy của đại dịch Covid-19 là to lớn, toàn diện; đặc biệt, làm giảm cả tổng cung và tổng cầu, cả cấp vĩ mô và vi mô, quốc gia và quốc tế... Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp kinh tế cần có cho cả nước và mỗi địa phương trong thời gian tới cần được thực hiện đồng bộ và đáp ứng 2 mục tiêu: Tiếp tục kiểm soát an toàn dịch bệnh; đồng thời, điều tiết để “lò xo kinh tế” bị nén trong thời gian qua bung ra đúng lúc, đúng hướng và hiệu quả cao.

Theo đó, cần ưu tiên nhận diện và kịp thời có những thay đổi cả trong tư duy, cũng như trong phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, theo tâm thế mới “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”.

Trước mắt, đề cao sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới, với yêu cầu tăng cường tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh và phòng dịch; mở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu... Các địa phương và các doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển nông nghiệp, tái đàn; chủ động điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thực hiện tốt và giảm thiểu các tranh chấp xảy ra đối với các hợp đồng kinh tế đã ký kết; cải thiện các liên kết, sắp xếp lại và khắc phục các đứt gẫy chuỗi cung ứng kinh tế vĩ mô và vi mô, làm tăng đồng thời cả tổng cung và tăng tổng cầu xã hội, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước và đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu, với phương châm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”...

Đồng thời, tăng cường nắm bắt và khai thác, ứng dụng các xu hướng và thành tựu công nghệ 4.0, gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống; đẩy mạnh xử lý trực tuyến dịch vụ công; phát triển các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và làm việc từ xa... giúp giảm thiểu sự gián đoạn khi buộc phải thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, phong tỏa quốc gia.

Đặc biệt, dù bất luận kịch bản nào thì Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và kiểm soát tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm và thổi bùng khát vọng quốc gia, với tinh thần đặt lợi ích đất nước lên trên hết, quyết liệt phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; trọng dụng nhân tài và khai thác tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do mới; tăng cường xúc tiến thương mại; chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước; nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với doanh nghiệp...

Dù chưa thể và không thể kỳ vọng mọi thứ ngay lập tức quay trở lại quỹ đạo bình thường, song với tinh thần cộng đồng đoàn kết xã hội và chia sẻ trách nhiệm cao nhất đã được chứng nghiệm trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua và những bài học quý giá trong quá khứ, có nhiều cơ sở để tin rằng chúng ta tiếp tục chiến thắng cả Virus Corona, cả “Virus trì trệ”.

Năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (như ADB đã khẳng định) và đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3%, như Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch (Mỹ) vừa dự báo...

TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tac-dong-va-trien-vong-kinh-te-trong-dich-covid-19-n19464.html