Tác động tích cực từ Nghị định 100

Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được triển khai và Nghị định 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có hiệu lực thì tình hình vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tác động mạnh đến ý thức người tham gia giao thông.

Biểu đồ thể hiện công an các địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao trong năm 2020. (Thông tin: Công an tỉnh - Đồ họa: Dương Ngọc)

Biểu đồ thể hiện công an các địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao trong năm 2020. (Thông tin: Công an tỉnh - Đồ họa: Dương Ngọc)

Đặc biệt, sau 1 năm áp dụng, Nghị định 100 đã góp phần xây dựng văn hóa giao thông với mục tiêu “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

* Tăng cao số trường hợp vi phạm bị xử phạt

Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 46). Đáng lưu ý là Nghị định 100 đã tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng)…

Cùng với đó, Nghị định 100 đưa ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở thì bị phạt tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng và phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (trước đây không bị phạt tiền, không bị tước giấy phép lái xe). Nghị định 100 cũng bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ. Theo đó, người điều khiển xe thô sơ có thể bị phạt từ 400-600 ngàn đồng. Tức là ngoại trừ người đi bộ thì tất cả những ai điều khiển phương tiện đường bộ, đường sắt một khi đã uống rượu, bia đều không được cầm lái.

Theo Công an tỉnh, trong năm 2020, các trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn xảy ra trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh với hơn 400 trường hợp, tỉnh lộ với hơn 1,4 ngàn trường hợp, đường nông thôn là 863 trường hợp, còn lại là đường nội thị với hơn 2,1 ngàn trường hợp.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, việc ngăn chặn người tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn để kéo giảm tai nạn luôn là ưu tiên hàng đầu trong vấn đề xử phạt vi phạm giao thông trong năm 2020 của lực lượng công an. Vấn đề này nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của dư luận xã hội.

Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý các trường hợp người điều khiển xe mô tô, ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên các tuyến giao thông đường bộ. Kết quả cho thấy, số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn trong toàn quốc ở mức cao, với hơn 185 ngàn trường hợp vi phạm bị phát hiện và xử lý; tăng so với năm 2019 gần 2,6 ngàn trường hợp.

Tại Đồng Nai, Công an tỉnh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 5 ngàn trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 18 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe đối với hơn 3 ngàn trường hợp. Các đơn vị công an có kết quả xử lý cao gồm: Nhơn Trạch (hơn 1 ngàn trường hợp), Long Khánh (hơn 800 trường hợp), Trảng Bom ( hơn 760 trường hợp), Biên Hòa (gần 600 trường hợp), Long Thành (gần 400 trường hợp).

Trong tổng số gần 5 phương tiện vi phạm thì người điều khiển mô tô chiếm chủ yếu với 97% và xe ô tô là 3%. Tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn xảy ra trong khu vực nội thị với hơn 44% vào khoảng thời gian từ 18-24 giờ trong ngày. Đặc biệt, có gần 2 ngàn trường hợp bị xử phạt ở mức cao nhất là từ 0,4mg/lít khí thở trở lên. Điều này cho thấy, dù bị phạt nặng, nhưng nhiều người vẫn uống nhiều rượu, bia trước khi tham gia giao thông.

* Từng bước kéo giảm tai nạn giao thông

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) nhưng nguyên nhân liên quan đến rượu, bia luôn chiếm số lượng lớn và để lại hậu quả hết sức nặng nề. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho bản thân và mọi người xung quanh, người dân hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông. Tuân thủ pháp luật là chung tay góp phần xây dựng văn hóa giao thông và giảm thiểu TNGT, giảm đi nỗi đau mà tai nạn giao thông mang lại đối với mỗi gia đình và xã hội.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá, Nghị định 100 là điểm sáng trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ. Năm 2020, TNGT trong toàn quốc đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua với số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20% và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7 ngàn người.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ, có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì việc hoàn thiện thể chế ATGT có vai trò quan trọng. Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong đó, điều chỉnh toàn diện, nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm có nguy cơ gây TNGT, nhất là vi phạm nồng độ cồn.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy uống rượu, bia gây nên trên đường Bùi Hữu Nghĩa (P.Hóa An, TP.Biên Hòa)

“Việc ban hành Nghị định 100 và sự ra quân xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng với mức phạt nặng đã tạo chuyển biến rõ nét trong đảm bảo trật tự ATGT nên cần tiếp tục kiên quyết hơn nữa trong thực hiện. Mục tiêu là tạo thói quen trong người dân đã uống rượu, bia là không lái xe và phải đi phương tiện công cộng. Từ đó, sẽ tiếp tục kéo giảm TNGT liên quan đến vi phạm nồng độ cồn” - Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Công an tỉnh phân tích, việc triển khai thực hiện xử lý quyết liệt đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về trật tự ATGT của người tham gia giao thông đã góp phần kéo giảm tai nạn trong thời gian qua. Trong năm 2020, TNGT trong toàn tỉnh chỉ xảy ra 296 vụ, làm chết 216 người và bị thương 173 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 33 vụ, giảm 28 người chết và giảm 24 người bị thương.

Theo đại tá Lê Quang Nhân, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn được Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và được người dân đồng tình ủng hộ là động lực không nhỏ để các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

“Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả về kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm nồng độ cồn; tiếp tục đưa công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm nồng độ cồn trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông tại các đơn vị cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và phòng ngừa TNGT” - đại tá Lê Quang Nhân khẳng định.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202101/tac-dong-tich-cuc-tu-nghi-dinh-100-3038842/