Tác động ngoài dự liệu tới môi trường từ việc phong tỏa Italy giữa bùng phát COVID-19

Trang Daily Mail đăng tải, những hình ảnh vệ tinh Copernicus của Trung tâm Không gian châu Âu (ESA) đã cho thấy mức độ ô nhiễm không khí 'giảm đáng kể' tại Italy sau lệnh phong tỏa toàn quốc.

Để đối phó với dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Italy, Thủ tướng Giusuppe Conte đã tuyên bố lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước. Người dân bị hạn chế đi lại, các trường học, nhà hàng, quán bar, bảo tàng và các địa điểm công cộng bị đóng cửa, các cuộc tụ họp đông người bị cấm… - tất cả những điều này vô hình chung đã làm giảm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

ESA chia sẻ một hình ảnh hoạt hình thể hiện sự thay đổi đáng kể trong mức độ ô nhiễm tại Italy trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 3, đặc biệt là ở Thung lũ Po ở miền bắc đất nước. Hình ảnh được tạo ra từ các dữ liệu do thiết bị Tropomi thu thập trên vệ tinh Copernicus Sentinel-5, chuyên dùng để theo dõi nồng độ các khí độc trong không khí.

"Nồng độ khí thải nitrogen dioxide tại Thung lũng Valley ở miền bắc Italy giảm rõ rệt", ông Claus Zehner, quản lý vệ tinh Sentinel-5p nói. "Mặc dù có thể có sự khác biệt nhỏ trong dữ liệu do bị mây che phủ và thời tiết thay đổi, nhưng chúng tôi tin rằng, hiện tượng khí thải giảm trùng hợp với thời điểm Italy bị phong tỏa do đó có ít hoạt động công nghiệp và giao thông hơn".

Nhà nghiên cứu của NASA Santiago Gasso cũng đưa ra kết luận tương tự về sự thay đổi trong mức độ ô nhiễm khi quan sát các dữ liệu khác từ Corpenicus.

"Trong 1 tháng, có sự giảm sút khí NO2 rõ ràng tại miền bắc Italy", ông khẳng định.

Nitrogen dioxide (NO2) là một loại khí độc hại được thải ra từ quá trình tiêu thụ nhiên liệu của ô tô, các nhà máy năng lượng và công nghiệp. NO2 được hình thải khi các nhiên liệu như than đá, khí đốt và dầu bị đốt cháy ở nhiệt độ cao và có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới lá phổi của con người.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến sự sụt giảm lớn đến vậy trong một khu vực rộng ở một thời điểm cụ thể", nhà nghiên cứu chất lượng không khí của NASA Fei Liu cho hay.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, châu Âu hiện là tâm điểm của đại dịch COVID-19 với số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày tại châu lục còn cao hơn những gì mà Trung Quốc từng gánh chịu khi dịch bệnh lên tới đỉnh tại quốc gia châu Á.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tac-dong-ngoai-du-lieu-toi-moi-truong-tu-viec-phong-toa-italy-giua-bung-phat-covid-19-20200316171918515.htm