Tác động đáng ngại từ sự di cư của sinh vật do biến đổi khí hậu

Theo đánh giá mới nhất từ các nhà môi trường, sự dịch chuyển toàn cầu của sinh vật hoang dã, do tác động từ nóng lên toàn cầu, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với con người. Di cư từ vùng khí hậu không còn thích hợp sang vùng khí hậu thích hợp hơn, động vật hoang dã mang theo côn trùng gây bệnh, sâu hại, thực vật lạ.

Nóng lên toàn cầu buộc động thực vật xứ lạnh di chuyển tới nơi lạnh hơn

Nóng lên toàn cầu buộc động thực vật xứ lạnh di chuyển tới nơi lạnh hơn

Biến đổi khí hậu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến sống còn của hệ động thực vật tại một vài địa phương, nó làm thay đổi phạm vi sinh sống của động thực vật khắp nơi trên thế giới. Điều này gây nên những hậu quả khôn lường với con người. Theo các nhà khoa học quốc tế, nhiệt độ tăng lên trên đất liền và biển buộc các loài động vật phải di cư đến các vùng đất và biển lạnh hơn. Chúng mang theo sâu bệnh tấn công mùa màng, gây rối loạn quá trình thụ phấn của nhiều loài thực vật. Một số động thái thậm chí còn tổn hại đến các ngành công nghiệp quan trọng như ngành lâm nghiệp và du lịch.

Hiện tại, việc chuyển đổi các nguồn tài nguyên thiên nhiên như tôm cá đang gây căng thẳng không nhỏ giữa các quốc gia. Luồng di cư lớn của các loài đang tiến hành trên khắp hành tinh. Không chỉ biến đổi khí hậu làm thay đổi hệ động thực vật, sự di cư lớn của các loài cũng góp phần gây biến đổi khí hậu. Ví dụ, thảm thực vật màu tối sẽ phát triển nhằm thay thế các vùng tuyết phản chiếu ánh mặt trời ở Bắc Cực.

Sự dịch chuyển của rừng ngập mặn làm mất vườn ươm cá

Cá vây xanh nhiệt đới đang tàn phá các rừng ngập mặn của Úc

“Sự sống còn của người, trong các cộng đồng đô thị và nông thôn, phụ thuộc vào sự sống còn của các sinh vật khác trên Trái đất”, các chuyên gia viết trên Tạp chí Khoa học. “Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự tái phân bố sự sống trên toàn hành tinh”.

Các nhà khoa học đại diện cho hơn 40 tổ chức trên thế giới cho biết, xu hướng di cư lớn hiện tại là đợt di cư lớn nhất trong khoảng 25.000 năm, sau đỉnh điểm của Thời kỳ Băng hà Muộn. Các thay đổi sẽ xác định “người thắng” và “kẻ thua”, từ đó định hình lại sự thịnh vượng của loài người. Thêm vào đó, nó cũng có khả năng dẫn đến xung đột đáng kể. “Xã hội loài người vẫn chưa biết được tác động đáng kể từ việc tái phân bố của các loài trên Trái đất, bởi điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử của chúng ta”.

Biến đổi khí hậu do khí thải nhà kính gây ra không chỉ tăng nhiệt độ mà còn tăng mực nước biển, độ chua của đại dương, nâng mật độ xảy ra của các thiên tai như hạn hán, lũ lụt. Tất cả những điều này buộc nhiều loài động vật hoang dã phải di cư để tồn tại.

Theo Giáo sư Gretta Pecl, Đại học Tasmania, Australia, người đứng đầu nhóm phân tích mới “Các loài trên đất liền đang di cư trung bình 17km trên mỗi thập kỷ, còn các loài dưới biển là 72km”.

Thực tiễn cho thấy nhiều minh chứng cụ thể về việc một số loài cá di cư nhằm đối phó với sự ấm lên toàn cầu, cả ví dụ về sự tuyệt chủng. Tuy nhiên, Pecl khẳng định “Nghiên cứu của chúng tôi đặt trọng tâm vào việc cho thấy sự dịch chuyển của sinh vật ảnh hưởng thế nào đến hệ sinh thái, sức khỏe con người, thậm chí cả nền văn hóa”.

Động vật di cư mang theo côn trùng gây bệnh, đặc biệt là muỗi sốt rét

Ảnh hưởng trực tiếp nhất từ sự di cư của động vật hoang dã là sự dịch chuyển của côn trùng gây bệnh, đặc biệt là muỗi truyền bệnh sốt rét. Con người ít có khả năng kháng lại bệnh sốt rét do loài muỗi mới từ khu vực khác chuyển tới. Ngoài ra, do mùa đông ngày càng trở nên ấm hơn từ năm 2001, Anh quốc chứng kiến 10 vụ gia tăng bệnh Lyme (một bệnh viêm nhiễm do ve đốt) do các loài động vật lây lan bệnh Lyme gây nên khi di chuyển về phía bắc của Châu Âu và Bắc Mỹ.

Sản lượng lương thực cũng bị ảnh hưởng. Một số cây trồng chỉ có thể sinh trưởng ở các khu vực mát mẻ, ví dụ cà phê. Sự dịch chuyển của chúng gây gián đoạn nghiêm trọng cho công nghiệp thực phẩm toàn cầu. Sâu bệnh sống nhờ vào cây cũng di chuyển, kéo theo các loài ăn sâu bọ tự nhiên như chim, ếch, động vật có vú.

Các nguồn tài nguyên khác cũng bị ảnh hưởng. Một phần ba diện tích đất lâm nghiệp ở Châu Âu sẽ không còn sản xuất các loại cây gỗ có giá trị trong vài thập kỷ tới. Nhiều nguồn cá quan trọng cũng di chuyển về phía khí hậu lạnh hơn. Lượng cá thu ở Iceland từng nhảy vọt từ 1.700 tấn năm 2006 lên đến 120.000 tấn năm 2010, gây nên “cuộc chiến cá thu” với các quốc gia láng giềng.

Bên cạnh lợi ích bất ngờ, con người phải đối mặt với vô số hậu quả. Hệ sinh thái truyền thống rơi vào nguy hiểm. Rừng ngập mặn ở nam Australia và nam Hoa Kỳ đang di chuyển, khiến các vườn ươm cá tại một số nơi không thể hoạt động.

Bọ cánh cứng tấn công cây cối, bùng phát dịch hại nghiêm trọng, gây chết cây, dẫn đến cháy rừng

Đôi khi, sự di chuyển của động thực vật vào khu vực mới dẫn đến thay đổi mạnh mẽ. Tại nam Úc, nhiều khu rừng ngập mặn đang bị tàn phá bởi dòng cá nhiệt đới. Chúng đe dọa các sinh vật có giá trị buôn bán quan trọng của địa phương, nhất là tôm hùm. Các nhà khoa học cũng cảnh báo dòng di cư của động thực vật có thể làm trầm trọng thêm sự thay đổi khí hậu, đặc biệt là sự tràn lan của bọ cánh cứng ở các khu rừng bắc bán cầu. Bọ cánh cứng tấn công cây cối xứ lạnh đang dần bị suy yếu do thời tiết ấm lên, dẫn đến bùng phát dịch hại nghiêm trọng và chết cây. Nguy cơ cháy rừng tăng cao, giải phóng CO2 vào không khí, tiếp tục làm Trái đất nóng lên.

Nhà nghiên cứu Nathalie Pettorelli, Viện Zoology, Anh cho biết việc tái phân phối của các loài do biến đổi khí hậu không chỉ là mối quan tâm đối với các nhà bảo tồn sinh vật học, nó phải là sự lo ngại của tất cả mọi người. “Thế giới nói chung vẫn chưa sẵn sàng để giải quyết hàng loạt các vấn đề nổi lên do sự di cư hàng loạt của động thực vật qua biên giới địa phương, quốc gia và châu lục gây ra”.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, theo Nathalie, cần có phương pháp, kế hoạch cụ thể. Tất cả mọi người đều đóng vai trò quan trọng. “Mỗi công dân đều có thể giúp ích cho khoa học”, bà khẳng định. “Bằng cách thông báo khi phát hiện loài mới trong khu vực”. Từ những thông báo của họ, nghiên cứu khoa học có thể nhanh chóng lên kế hoạch, chủ động đối phó với mọi tình huống tiềm năng.

Đợt di cư động vật lớn nhất trong khoảng 25.000 năm, sau đỉnh điểm của Thời kỳ Băng hà Muộn

Theo Theguardian.com

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/tac-dong-dang-ngai-tu-su-di-cu-cua-sinh-vat-do-bien-doi-khi-hau-3694792-b.html