27.951 doanh nghiệp không có báo cáo tài chính

Đó là con số thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại buổi họp báo công bố Chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017, ngày 13/10/2018 tại Hà Nội

tính đến thời điểm ngày 01/07/2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế. Nguồn: Internet

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê về mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước và các địa phương năm 2017, tính đến thời điểm ngày 01/07/2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế. Trong đó, có 674.759 doanh nghiệp có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được; ngoài ra, có 27.951 doanh nghiệp có trong danh sách quản lý thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng cục Thống kê không xác minh được.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/12/2017, cả nước có 390.765 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, tăng 10,3% so với cùng thời điểm năm 2016; Khu vực công nghiệp và xây dựng có 164.189 doanh nghiệp, tăng 12,2%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 5.463 doanh nghiệp, tăng 22,8%; Cả nước có 2.486 doanh nghiệp nhà nước, giảm 6,6% so với năm 2016; Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, tăng 10,9% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có 16.178 doanh nghiệp, tăng 15,5%.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê còn cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Trong đó, khu vực doanh nghiệp dịch vụ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất (tăng 35%) và tăng trưởng thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chỉ tăng 2,9%).

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác (đạt 384,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6%) và thấp nhất là doanh nghiệp nhà nước (đạt lợi nhuận trước thuế 200,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%). Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra khoản lợi nhuận khiêm tốn với 291,6 nghìn tỷ đồng, nhưng lại đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước, tăng 22,2%. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI có lợi nhuận trước thuế cao nhất nhưng chỉ đóng góp 265,7 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng 6%.

Bên cạnh đó, địa phương có đóng góp nhiều nhất của khu vực doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước là TP. Hồ Chí Minh với gần 232.000 tỷ đồng, chiếm trên 24% cả nước; Hà Nội 197.000 tỷ đồng, chiếm gần 21%.

Năm 2017, thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực doanh nghiệp đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng hơn 10% so với năm 2016.

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/27951-doanh-nghiep-khong-co-bao-cao-tai-chinh-145008.html