Tác động của Hiệp định CPTPP đối với doanh nghiệp

Ngày 30-12 tới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.

Tham gia Hiệp định này, Việt Nam đang thể hiện cam kết quốc tế ngày càng sâu rộng. Còn với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, họ đón nhận thông tin này với nhiều ý kiến khác nhau...

Khi hỏi về việc đón nhận thông tin CPTPP sắp có hiệu lực trong thời gian tới, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cho rằng, CPTPP là vấn đề quá lớn nên DN chưa thể làm được những chuyện để khai thác những chính sách đó. Những chính sách này Chính phủ phải định hướng trước cho DN, chứ hiện tại thì DN chưa thấy rõ được tác động. “Hiện nay, thực ra các DN Việt Nam đang chuẩn bị nhiều cho thương mại Mỹ - Trung Quốc mà Việt Nam đang là cầu nối”, ông Viên chia sẻ.

DN trong ngành gỗ sẽ gặp thuận lợi khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Theo ông Viên, có thể những ngành hàng có thuế quan nặng (ví dụ như ngành xe hơi) thì họ sẽ quan tâm đến CPTPP nhiều hơn là các DN khác. Vì những ngành hàng như Công ty Vinamit thì hầu như đã được thuế quan 0% từ lâu rồi, và hiện nay, những thay đổi của hàng rào thương mại bằng hệ thống thương mại online đang bùng nổ khiến DN thấy thị trường lớn trước nhà mình rồi, phải ứng phó những cái trước mắt.

Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Mifaco nêu quan điểm: “CPTPP sắp tới có hiệu lực thì DN sẽ được lợi. Thuận lợi lớn nhất là thị trường rộng mở và thuế giảm”. Theo phân tích của ông Hiệp, với ngành gỗ thì khi CPTPP có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích cho các DN Việt Nam trong quá trình kinh doanh, làm việc với thị trường nước ngoài. Bởi vì, khi DN Việt Nam làm việc với nước văn minh như vậy thì sẽ học được cách họ suy nghĩ, cách họ làm...

Còn nói về khó khăn, rào cản đối với DN ngành gỗ thì gần như không có. Bởi, chỉ có DN nào quen xài gỗ lậu thì họ mới thấy có hại thôi, chứ khi DN xuất khẩu, bao giờ cũng vậy đối tác đều yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Chính vì vậy, đứng bình diện quốc gia thì Hiệp hội gỗ Bình Dương rất ủng hộ những quy định của CPTPP.

Cam kết trong CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Trung Thông – Giám đốc Công ty kinh doanh hàng may mặc M&T thì lo lắng: “Hiệp định CPTPP có hiệu lực vừa là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các DN trong nước. Thuận lợi là DN có cơ hội được học hỏi các DN nước ngoài trong khối CPTPP và đó là điều kiện để các DN trong nước tự nâng tầm mình lên. Nhưng thách thức đó là khi thuế giảm, các DN nước ngoài vào thị trường Việt Nam để cạnh tranh thì lo rằng, DN Việt sẽ đứng trước áp lực lớn ngay chính thị trường nội địa”.

Có thể thấy, CPTPP có hiệu lực sẽ là cơ hội cho những ngành hàng có mức thuế quan cao và cũng là động lực cho những DN có năng lực, làm ăn bài bản. Theo như nhận định của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: “Đây là cơ hội rất lớn để các ngành học hỏi làm ăn trong môi trường gắn với một Hiệp định chất lượng rất cao, cái va đập, cái bươn chải của DN theo đó cũng sẽ tốt hơn”.

Đặc biệt, các DN Việt Nam có cơ hội rất lớn đó là tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa của 11 nước trong CPTPP. Bên cạnh thuận lợi đó thì khó khăn mà DN phải đối mặt trực diện đó là phải cạnh tranh ngang bằng với các DN nước ngoài, trong khi DN Việt Nam có đến hơn 90% là DN nhỏ và vừa.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/tac-dong-cua-hiep-dinh-cptpp-doi-voi-doanh-nghiep-518577/