Tác động của giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm đến giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực miền núi giai đoạn 2016-2019

Ngày 18-10, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo tác động của giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm đến giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2016-2019. Đồng chí Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở (cơ quan Thường trực chương trình giảm nghèo của tỉnh), chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Xác định nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững, được coi là giải pháp đột phá để nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh ta trở thành tỉnh khá trong cả nước mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Nhiều cách làm mới, giải pháp mới, hiệu quả đã được các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Đại biểu tham gia thảo luận.

Trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã giảm được 96.663 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 32.230 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 10,25% (từ 13,51% xuống còn 3,27%), bình quân giảm 2,56%/năm (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Trong đó khu vực 11 huyện miền núi giảm 40.890 hộ (từ 57.684 hộ xuống còn 16.794, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 18,48% (từ 25,79% xuống 7,31%), bình quân giảm 4,62%/năm (vượt chỉ tiêu đề ra). Hiện huyện Như Xuân đã ra khỏi diện huyện nghèo theo Chương trình 30a; 5 xã và 127 thôn, bản khu vực miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016–2020 có 39 xã đặc biệt khó khăn ở 11 huyện miền núi được tỉnh phê duyệt phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 33 xã, 35 thôn bản đạt chuẩn NTM.

Đại biểu tham gia thảo luận.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo chưa thật sự bền vững, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (gấp 2,17 lần so với toàn tỉnh). Một trong những nguyên nhân là do chất lượng nguồn lao động ở khu vực miền núi chủ yếu là lao động phổ thông, chưa đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, trong khi việc làm tại chỗ không có. Việc hướng nghiệp cho thanh niên khu vực miền núi và người dân tộc thiểu số còn hạn chế; thiếu sự phối hợp, chia sẻ thông tin và hợp tác trong hệ thống dịch vụ việc làm - doanh nghiệp - cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ý thức chấp hành pháp luật, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật của người lao động chưa cao dẫn tới chất lượng việc làm còn thấp; chủ yếu là việc làm giản đơn, việc làm theo thời vụ...

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến chia sẻ, phân tích những khó khăn, vướng mắc, hạn chế còn tồn tại trong công tác giáo dục nghề nghiệp, công tác việc làm những năm vừa qua; đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện cho giai đoạn 2020-2025, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững.

Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tac-dong-cua-giao-duc-nghe-nghiep-tao-viec-lam-den-giam-ngheo-nhanh-va-ben-vung-khu-vuc-mien-nui-giai-doan-2016-2019/109072.htm