Tác động của dịch COVID-19 khiến ngành dệt may lao đao vì thiếu nguyên liệu

Tác động của dịch COVID-19 đã thể hiện rõ đối với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ chưa tự chủ được đơn hàng.

Theo thông tin vừa được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra, nguyên phụ liệu chỉ có thể đáp ứng đến hết tháng 2. Bước sang tháng 3, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.

Cũng theo Vitas, nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã phải giảm giờ làm, kéo giãn công việc. Nguồn cung nguyên liệu và logistic là hai khó khăn lớn trong thời điểm này. Số liệu của Vitas cho thấy, tháng 1, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 2,85 tỷ USD, giảm gần 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại điện Vitas, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang lo lắng vì thiếu nguyên liệu. Theo ông Cẩm, ngành dệt may, hiện phải nhập khẩu gần 60-70% vải và nguyên phụ liêu các loại từ Trung Quốc, trong đó nhập khẩu vải là nhiều nhất. Hiện nay, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trong đến các doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động đến hết tháng 2, đặc biệt là tại Vũ Hán. Đây là thành phố có nhiều nhà máy lớn, nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao.

Còn về góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Thế Anh, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất chăn ga tại Bình Tân- TP.HCM cho biết, hiện nguồn nguyên liệu công ty đang dần hết. Có thể duy trì tối đa là đến giữa tháng 3, trong khi có nhiều đơn đặt hàng mới. "Có một số trong công đoạn sản xuất sản phẩm của công ty phải nhập từ Trung Quốc nên giờ chúng tôi chưa biết phải làm sao khi nguồn cung đang dừng sản xuất", ông An chia sẻ.

Theo Vitas, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ: Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil...Nhưng việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua một quốc gia khác không hề dễ dàng, do giá nhập nguyên liệu từ Trung Quốc luôn thấp hơn các quốc gia khác. Chưa kể đến vấn đề đàm phán để được mức giá tốt từ các thị trường thay thế để giá thành các mặt hàng xuất khẩu không bị ảnh hưởng cũng là chuyện không dễ thực hiện trong thời gian ngắn. Hiện theo thống kê của Vitas, hiện lĩnh vực dệt may, có khoảng 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nên cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước về nguồn vay ưu đãi, giảm bớt gánh nặng về chi phí điện, nước, phí vận tải cho các doanh nghiệp.

Trước tình huống này, Phó chủ tịch Vitas cũng cho biết, “Ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Doanh nghiệp đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ cũng như chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Trước diễn biến hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp hội viên gửi báo cáo về tác động của dịch Covid-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh để Vitas tổng hợp báo cáo Chính phủ”.

Thái Bình

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/tac-dong-cua-dich-covid-19-khien-nganh-det-may-lao-dao-vi-thieu-nguyen-lieu-3333140/