Tác động của dân di cư tự do đến kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề dân di cư tự do (DCTD) diễn ra nhiều năm nay đang là cản trở lớn đến việc hoạt định chính sách phát triển của nhiều tỉnh trong khu vực, đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ, trong đó có nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào về vấn đề này.

TÁC ĐỘNG CỦA DCTD ĐẾN CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN

Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), với diện tích tự nhiên 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước; có 62 đơn vị hành chính cấp huyện (6 thành phố, 3 thị xã, 53 huyện); 726 đơn vị cấp xã (77 phường, 49 thị trấn, 600 xã). Dân số Tây Nguyên hiện nay khoảng 6 triệu người, có nguồn gốc từ 63 tỉnh, thành trên cả nước, với đủ 54 thành phần dân tộc; người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 36,52%, trong đó, 12 DTTS tại chỗ gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 25%; các DTTS khác chiếm trên 10% (đông nhất là DTTS các tỉnh phía Bắc, như Tày, Nùng, Mông, Thái, Mường, Dao...)(1).

Từ sau năm 1975 đến nay, khu vực Tây Nguyên luôn có các biến động dân cư với quy mô lớn, số lượng tăng nhanh nhất cả nước. Năm 1976, dân số Tây Nguyên chỉ có 1,23 triệu người, với 18 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 69,7% dân số; đến năm 1993, dân số toàn vùng là 2,37 triệu người, với 35 dân tộc; năm 2003 là 4,67 triệu, với 46 dân tộc; năm 2018 dân số khoảng 6 triệu người với 54 thành phần dân tộc anh em(2).
Số lượng tăng do di cư cơ học là chủ yếu. Dân di cư đến vùng Tây Nguyên từ hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Quá trình di cư diễn ra từ sau năm 1975 nhưng nhiều nhất vào những năm 1980-1990 do việc bố trí sắp xếp lại dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng… So với giai đoạn trước năm 2004, giai đoạn 2005-2018, dân DCTD đã giảm cả về số lượng và quy mô (với 25.732 hộ, 91.703 nhân khẩu). Tuy nhiên, hằng năm, tình trạng vẫn diễn ra, tuy số lượng có giảm, nhưng tính phức tạp có chiều hướng tăng.

Dân DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là: đời sống khó khăn (hộ đông nhân khẩu, nghèo đói, thiếu đất sản xuất); điều kiện tự nhiên, khí hậu tại nơi ở cũ khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai; so với các tỉnh khác, mật độ dân số ở các tỉnh Tây Nguyên còn thấp, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho cư trú và sản xuất nông nghiệp; các hộ đã di cư vào Tây Nguyên trước đây đều có cuộc sống ổn định, phát triển đã gián tiếp tạo sự thúc đẩy quá trình di cư, nhất là trong quan hệ gia đình, dòng tộc...

Dân DCTD vào Tây Nguyên làm gia tăng dân số, góp phần hình thành, phát triển các khu dân cư, vùng sản xuất mới; góp phần điều tiết mật độ dân số, sức ép việc làm tại các tỉnh có dân đi, dân đến; góp phần bổ sung nguồn nhân lực (đa số là lao động trẻ). Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mở rộng diện tích, sản lượng sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy quá trình hòa nhập, phát triển cho các dân tộc tại chỗ; bổ sung thêm bản sắc văn hóa từ sự có mặt của một số thành phần dân tộc từ các địa phương khác đến khu vực Tây Nguyên; góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực, nhất là vùng biên giới...

Tuy nhiên, DCTD đã mang đến những hệ lụy, tác động tiêu cực. Rừng bị tàn phá nghiêm trọng (chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng vùng lõi các vườn quốc gia); đa dạng sinh học bị phá vỡ, nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm bị xâm hại; môi trường sinh thái bị tác động, biến đổi, gây ra các hiện tượng thiên tai mới ở Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (hạn hán, lũ quét, sạt lở).

Dân cư tăng mạnh, liên tục trong nhiều năm làm vỡ quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội; nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý hành chính, dân cư, sử dụng đất, bảo vệ phát triển rừng và môi trường, ổn định đời sống, phát triển sản xuất của các tỉnh Tây Nguyên.

Ảnh minh họa

Xuất hiện thêm nhiều điểm dân cư ngoài quy hoạch của dân DCTD (đa số trong vùng lõi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xa trung tâm). Các điểm dân cư tự phát chưa được quy hoạch, chưa được đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu; điều kiện sinh hoạt, nhất là việc học tập của trẻ em, khám, chữa bệnh và giao thông, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Các địa phương có đông dân DCTD đến đã và đang phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề về an sinh xã hội (tình trạng nhiều hộ thiếu đói, bệnh sốt rét, tiêu chảy, vệ sinh môi trường, nạn tảo hôn và sinh nhiều con); rất khó khăn trong giải quyết các tranh chấp về đất đai, chặt phá, lấn chiếm rừng làm nương rẫy; khai thác lâm sản, mua bán, sang nhượng trái phép đất nông, lâm nghiệp. Một số điểm dân DCTD xuất hiện các tệ nạn xã hội (hút thuốc phiện, cờ bạc) và hoạt động tôn giáo trái phép, kích động, gây chia rẽ, mâu thuẫn giữa dân DCTD với các dân tộc tại chỗ; tiềm ẩn các yếu tố gây mất đoàn kết, mất ổn định về an ninh, chính trị, quốc phòng trên địa bàn khu vực biên giới.

SỨC ÉP ĐẾN AN SINH XÃ HỘI KHU VỰC TÂY NGUYÊN

Thứ nhất, DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, xuất hiện những điểm nóng, kéo dài. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kết quả rà soát của các địa phương cho thấy: Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 11.200 hộ dân DCTD tự sắp xếp, xen ghép trong các khu, điểm dân cư và còn gần 19.000 hộ dân DCTD cư trú phân tán ngoài quy hoạch, chưa được bố trí, sắp xếp ổn định vào các dự án. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ còn xảy ra việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, tranh chấp đất đai, khai thác lâm sản trái phép; tiếp tục này sinh các khó khăn trong quản lý dân cư, quy hoạch, phát triển sản xuất, giải quyết các nhu cầu thiết yếu để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội...

Thứ hai, bên cạnh những cố gắng, nỗ lực và kết quả sắp xếp, ổn định dân DCTD, hiện nay còn một số điểm nóng tại các địa phương và tồn đọng nhiều vấn đề chậm giải quyết.

Thứ ba, việc thực hiện các dự án ổn định dân cư tiến độ rất chậm, phát sinh phức tạp mới. Bên cạnh một số ít dự án đã hoàn thành, tiến độ xây dựng nhiều dự án sắp xếp, ổn định dân DCTD tại các tỉnh thực hiện rất chậm. Đến năm 2018, trong tổng số 42 dự án được phê duyệt, mới có 13 dự án hoàn thành, còn 29 dự án chưa hoàn thành nhưng vẫn phải thực hiện bố trí dân DCTD vào ở; nhiều dự án hiện đã vượt quá quy mô về số hộ, số khẩu. Tình trạng chậm hoàn thành và quá tải, vỡ quy hoạch tại các dự án, dẫn đến việc không đạt được đầy đủ các mục tiêu, hiệu quả của dự án; nhiều công trình hạ tầng được đầu tư nhanh chóng xuống cấp, hoặc không phát huy được công năng.

Thứ tư, đời sống của bộ phân dân cư còn nhiều khó khăn. Hiện nay, còn khá nhiều điểm, cụm dân DCTD không nằm trong quy hoạch, tuy đã được rà soát, nhưng chưa có điều kiện bố trí, sắp xếp, bổ sung dự án ổn định dân DCTD theo quy hoạch. Cuộc sống của đồng bào tại đây đang gặp nhiều khó khăn, vì chưa có các cơ sở hạ tầng thiết yếu, thiếu nước, thiếu điện, thiếu cơ sở và điều kiện khám chữa bệnh, thiếu trường, lớp học, nơi ở tạm bợ, tỷ lệ hộ nghèo cao; tình trạng tảo hôn, trẻ em thất học khá phổ biến. Đặc biệt, tình trạng gia tăng dân số mức độ cao không được kiểm soát rất đáng báo động là nguyên nhân đói nghèo và gây sức ép lên việc thực hiện chính sách.

Do không có đầy đủ thông tin cá nhân, nhiều hộ không được nhập khẩu, hoặc đăng ký tạm trú; chưa được thụ hưởng các chính sách bảo hiểm y tế, vay vốn, hỗ trợ sản xuất. Tình trạng phát, phá, lấn rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, mua bán, sang nhượng đất đai; khai thác lâm sản trái phép diễn ra khá phổ biến; một số nơi đã và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây mất an ninh, trật tự.

Thứ năm, nguồn lực cho thực hiện công tác ổn định dân cư hạn chế, vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD, mới đáp ứng được trên 40% so với nhu cầu (có tỉnh mới đáp ứng 22%); dẫn đến nhiều dự án dở dang, kéo dài, không đạt tiến độ, mục tiêu theo kế hoạch, gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư. Một số dự án chưa được phê duyệt, có dự án kéo dài trên 10 năm vẫn chưa bố trí đủ vốn...

Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước còn những bất cập. Việc phối hợp giữa các ngành chức năng tại địa phương có dân đến, dân đi, nhất là tại nơi có dân đến chưa thật tích cực, thụ động trong việc xác minh, kê khai, tạo điều kiện hoàn tất thủ tục để đăng kí tạm trú, thường trú, cấp giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, nhập khẩu, đăng kí khai sinh... cho người dân DCTD. Công tác chỉ đạo và các giải pháp thực hiện của chính quyền cơ sở nhằm quản lý dân cư, quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng... còn hạn chế, thậm chí có biểu hiện buông lỏng, không nắm bắt, giải quyết kịp thời các phát sinh liên quan dân DCTD.

Thứ bảy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế và ý thức chấp hành chính sách pháp luật về cư trú, bảo vệ rừng, sử dụng đất đai... của nhiều hộ dân DCTD chưa tốt.

GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, để góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói chung, cũng như đối với bộ phận dân DCTD nói riêng trên địa bàn, cần triển khai đồng bố các giải pháp sau:

Một là, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách sắp xếp, ổn định dân DCTD. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên để giải quyết dứt điểm các điểm nóng, ổn định đời sống, sản xuất cho dân DCTD; hoàn thiện chính sách quản lý, sắp xếp, ổn định dân DCTD.

Hai là, các tỉnh Tây Nguyên rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp; nghiên cứu giải pháp điều chỉnh quy hoạch, chuyển một số diện tích đất lâm nghiệp (không còn rừng phòng hộ, dân đã cư trú, sản xuất ổn định nhiều năm), sang rừng sản xuất, để xây dựng một số dự án sắp xếp, ổn định cho đồng bào DCTD. Di chuyển, bố trí, sắp xếp ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ DCTD đang cư trú, sản xuất ngoài quy hoạch, trong vùng rừng phòng hộ xung yếu, lõi rừng đặc dụng, khu vực biên giới.

Ba là, các bộ, ngành liên quan thống nhất giải pháp hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương khẩn trương xác minh, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện việc nhập khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, đăng ký tạm trú, thường trú; hình thành, công nhận các điểm, nhóm dân DCTD theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; bảo đảm quản lý chặt chẽ dân cư và trật tự, an toàn xã hội.

Bốn là, đầu tư cơ sở hạ tầng và điều kiện học tập cho trẻ em trong độ tuổi đến trường; khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; cấp thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện công tác kiểm soát dân số, bảo đảm các chính sách xã hội trong các địa bàn có dân DCTD...

Các địa phương chủ động thực hiện kiểm tra, rà soát, nắm chắc tình hình DCTD, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nghiêm trị những hành vi phạm pháp (chặt phá rừng, buôn bán lâm sản, đất đai, chống đối người thi hành công vụ; xúi giục, tiếp tay cho các hoạt động trái pháp luật…). Giải quyết dứt điểm các vi phạm tồn tại kéo dài. Đặc biệt, tăng cường quản lý xã hội, nắm tình hình, giải quyết các vấn đề bức xúc tại các điểm nóng, các khu dân cư ngoài quy hoạch, ngoài dự án (nhất là các điểm DCTD tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng). Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân về chấp hành pháp luật, chính sách của nhà nước. Kịp thời đề xuất, kiến nghị về cơ chế, giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống, sản xuất, giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm việc học tập của trẻ em, chính sách với hộ nghèo, gia đình chính sách đối với người dân DCTD./.

Triệu Văn Bình

Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội

-------------------------------------------
(1) Báo cáo số 576 /BC-HĐDT14, ngày 18/5/2018 của Hội đồng Dân tộc.
(2) Mức tăng bình quân giai đoạn 1979-1989 là 5,2%; 1989-1999 là 5,1%; 1999-2009 là 2,3%/ năm (PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm KHXHVN).

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/tac-dong-cua-dan-di-cu-tu-do-den-kinh-te-xa-hoi-cac-tinh-tay-nguyen-129820