Tác động của CPTPP đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ

Việc nghiên cứu tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bổ sung thêm những luận cứ khoa học, thực tiễn, góp phần thực hiện thành công đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta nói chung và các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ là yêu cầu cấp thiết. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm chủ động thích ứng với những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong khu vực này.

 TS.Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu đề dẫn Hội thảo

TS.Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu đề dẫn Hội thảo

Sáng 23/4, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học: "Tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ".

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành khu vực Duyên hải Nam Trung bộ; các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cơ quan, đơn vị, viện, học viện, trường đại học… tại miền Trung- Tây Nguyên và cả nước.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS.Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III khẳng định: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA thế hệ mới với 11 quốc gia thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) đã được ký kết vào ngày 8/3/2018 tại thủ đô Santiago của Chile và chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12/2018 sau khi 6 quốc gia đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

Việt Nam là quốc gia thứ 7 được phê chuẩn Hiệp định (CPTPP) và có hiệu lực từ ngày 14/01/2019. Nội dung của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ là các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động thương mại như hàng hóa - dịch vụ, đầu tư,... mà còn bao gồm cả các nội dung vốn được coi là “phí thương mại” như: các quy định về sở hữu trí tuệ, về tiêu chuẩn lao động, môi trường, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt,....

“Hiệp định CPTPP có tính toàn diện, nhiều tiến bộ hơn so với Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia trước đó. Việc thực hiện và đảm bảo các cam kết của Hiệp định CPTPP đã, đang và sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam nói chung và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện Hiệp định CPTPP đang đối mặt với những thách thức về khả năng đáp ứng những cam kết về thể chế và pháp lý, quy tắc xuất xứ hàng hóa, môi trường, sở hữu trí tuệ và hàng loạt các hàng rào kỹ thuật khác cũng như cạnh tranh tại các thị trường có cơ cấu kinh tế và thương mại tương đồng khốc liệt hơn,...” - TS.Vũ Anh Tuấn cho biết và nhấn mạnh thêm: Việc nghiên cứu tác động của Hiệp định CPTPP sẽ bổ sung những luận cứ khoa học, thực tiễn, góp phần thực hiện thành công đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta nói chung và các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ là yêu cầu cấp thiết.

Hội thảo cũng sẽ góp phần làm rõ cơ hội, thách thức và những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm chủ động thích ứng với những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong khu vực này.

Quang cảnh Hội thảo

Trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 27 tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạt động thực tiễn đến từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Các tham luận tập trung những vấn đề chủ yếu như: cơ sở lý luận, cơ sở chính trị - pháp lý, cơ sở thực tiễn về các nội dung của Hiệp định CPTPP và các cam kết thực hiện của Việt Nam; cơ hội, thách thức đối với phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam nói chung và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP; tác động của Hiệp định CPTPP đến các chiều cạnh của phát triển kinh tế - xã hội khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; các giải pháp chủ động thích ứng với những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

Để hội thảo đạt kết quả, Ban Tổ chức mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý và đại diện các địa phương, đơn vị tham dự tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung chủ yếu sau như: Làm rõ và sâu sắc thêm cơ sở lý luận, cơ sở chính trị - pháp lý, cơ sở thực tiễn về các nội dung của Hiệp định CPTPP và các cam kết thực hiện của Việt Nam.

Nhận diện các cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói chung và các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

Đánh giá những tác động của Hiệp định CPTPP đến các chiều cạnh của phát triển kinh tế - xã hội khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đề xuất các giải pháp chủ động thích ứng với những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/tac-dong-cua-cptpp-den-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-khu-vuc-duyen-hai-nam-trung-bo-579028.html