Tác động của cơ cấu hội đồng quản trị đến hiệu quả hoạt động các ngân hàng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô hội đồng quản trị, tần suất của các cuộc họp và tỷ lệ thành viên có tham gia vào các tổ chức chính trị có tác động tích cực đến tính thành quả hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, kết quả cũng chỉ ra rằng, thành viên độc lập và thành viên nữ có tác động tiêu cực đến tính hiệu quả và chất lượng tài sản của ngân hàng.

Quy mô hội đồng quản trị, tần suất của các cuộc họp và tỷ lệ thành viên có tham gia vào các tổ chức chính trị có tác động tích cực đến tính thành quả hoạt động của ngân hàng. Nguồn: Internet.

Quy mô hội đồng quản trị, tần suất của các cuộc họp và tỷ lệ thành viên có tham gia vào các tổ chức chính trị có tác động tích cực đến tính thành quả hoạt động của ngân hàng. Nguồn: Internet.

Các nghiên cứu liên quan

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng hội đồng quản trị (HĐQT) đóng một vai trò quan trọng trong quản trị doanh nghiệp.

Theo thống kê của tác giả các nghiên cứu về tác động của tỷ lệ sở hữu HĐQT đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng hàng thương mại (NHTM) thường có hai hướng tiếp cận như sau:

Thứ nhất, tỷ lệ sở hữu HĐQT có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng: Nghiên cứu của Andres và Vallelado (2008) sử dụng một mẫu gồm 69 HĐQT của các NHTM lớn từ sáu quốc gia nằm trong khối Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu (OECD), trong giai đoạn 1996-2005 cho thấy, hiệu quả hoạt động của ngân hàng có mối quan hệ thuận chiều với số lượng các cuộc họp HĐQT và có một mối quan hệ hình chữ U ngược với quy mô của HĐQT và tỷ lệ thành viên không tham gia điều hành.

Pathan (2009) sử dụng một mẫu gồm 212 ngân hàng lớn của Mỹ từ năm 1997-2004 để kiểm tra sự phù hợp giữa HĐQT của ngân hàng và khả năng chấp nhận rủi ro của ngân hàng đó. Kết quả cho thấy, các ngân hàng có HĐQT tốt có tác động tích cực đến khả năng chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Ngược lại, quyền lực của CEO (khả năng kiểm soát các quyết định của HĐQT) lại có tác động tiêu cực đến khả năng chấp nhận rủi ro.

Thứ hai, tỷ lệ sở hữu HĐQT tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Predrag & cộng sự (2014) nghiên cứu tác động của cơ cấu HĐQT và cơ cấu sở hữu đối với khả năng sinh lợi của 74 NHTM từ 4 nền kinh tế chuyển đổi ở khu vực Đông Nam châu Âu, trong giai đoạn 2005-2010. Kết quả cho thấy mối quan hệ ngược chiều có ý nghĩa giữa quy mô HĐQT và khả năng sinh lợi của ngân hàng; trong khi đó, tỷ lệ thành viên độc lập có quan hệ ngược chiều nhưng lại không có ý nghĩa thống kê đối với khả năng sinh lợi.

Bên cạnh đó, tác động của mức độ tập trung sở hữu đối với khả năng sinh lợi là âm, nhưng không mạnh. Kramaric và Pervan (2016) sử dụng một mẫu gồm 34 ngân hàng Croatia trong giai đoạn 2002-2013 để nghiên cứu cơ cấu HĐQT ngân hàng có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô hội đồng giám sát và sự tham gia của nữ Chủ tịch HĐQT không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, sự gia tăng trong tỷ lệ thành viên nữ ở cả hội đồng giám sát và HĐQT lại có tác động âm đến hiệu quả hoạt động.

Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu được xây dựng dựa trên các công trình của Andres & ctg (2008), Lin &Zhang (2009), García-Herrero, Gavilá & Santabárbara (2009), Berger, Hasan & Zhou (2010),Liang & ctg (2013).

ROAit = β0 + β1 Board size it + β2 Meetings it + β3IndepDirectorit + β4 PoliticalDirector it + β5 ForeignDirectorit + β6BankSizeit+ β7LoanRatio it + β7 CapitalRatio it + β8 Liquidity it + β9 CAR it+ β10 Listed it + β11 Z” it +βit

Dữ liệu được thu thập từ báo cáo thường niên của 31 ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2007-2018.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 3 trình bày kết quả ước lượng mô hình tác động của cơ cấu sở hữu đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, tiếp cận theo mô hình GMM hệ thống. Kết quả tính toán cho thấy, các mô hình nhóm tác giả sử dụng đều thỏa mãn với các kiểm định Hansen và AR. Như vậy, các kết quả ước lượng trong mô hình của nhóm tác giả là đáng tin cậy.

Kết quả Bảng 3 cũng cho thấy, quy mô HĐQT có mối tương quan dương với hiệu suất hoạt động ROA của ngân hàng tại mức ý nghĩa 10%. Điều này phù hợp với một số các nghiên cứu thực nghiệm trước đây (Dalton, Catherine, Jonathan & Alan, 1999; Coles, Daniels & Naveen, 2008; Nguyễn Mạnh Hà, 2016). Tác động cùng chiều này hỗ trợ cho trường phái đưa ra giả thuyết cho rằng, HĐQT lớn hơn có thể cải thiện tính hiệu quả của DN bằng việc đơn giản hóa việc giám sát quản lý và mang lại nguồn nhân lực nhiều hơn để có thể tư vấn cho các nhà quản lý điều hành.

Từ quan điểm lý thuyết đại diện, HĐQT lớn hơn cho phép giám sát có hiệu quả hơn bằng cách giảm sự chi phối của các CEO trong HĐQT và bảo vệ lợi ích của các cổ đông (Singh & Harianto, 1989). Theo Adams & Mehran (2005), sự gia tăng thành viên trong HĐQT có mối tương quan dương với hiệu quả hoạt động, cho dù sự gia tăng trong hiệu quả hoạt động chỉ là một sự tăng trưởng biên rất nhỏ. HĐQT với nhiều thành viên có thể phân phối nhiều người để giám sát và đưa ra lời khuyên đối với các quyết định của nhà quản lý. Một HĐQT có nhiều thành viên sẽ hỗ trợ tốt hơn đối với việc ra quyết định, định hướng phát triển, cũng như nâng cao chức năng giám sát và hỗ trợ tư vấn đối với các hoạt động của ngân hàng, từ đó góp phần cải thiện hiệu suất hoạt động của ngân hàng.

Hội đồng quản trị đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị tại các ngân hàng. Cơ cấu của hội đồng quản trị có ảnh hưởng đến động lực và khả năng của hội đồng quản trị trong trách nhiệm giám sát và đưa ra lời khuyên cho các cấp quản lý, tác động đến tính hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng.

Nghiên cứu này cho thấy, mối quan hệ cùng chiều giữa số lượng các cuộc họp của HĐQT với hiệu quả hoạt động ROA tại các mức ý nghĩa 5% và 1%. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Andres & ctg (2008), đồng thời ủng hộ lý thuyết cho rằng các cuộc họp thường xuyên của HĐQT là một dấu hiệu của việc gia tăng giám sát hoạt động của cơ quan quản lý cấp cao tại các NHTM Việt Nam, thể hiện tính chủ động của ban quản trị. Các cuộc họp diễn ra ngày càng thường xuyên, sự giám sát các quản lý cấp cao nlại càng gia tăng, vai trò đưa ra những lời khuyên có liên quan nhiều lên. Điều này có thể cải thiện hiệu quả hoạt động của DN. Conger, Finegold& Lawler (1998) xem các cuộc họp HĐQT như một cách thức quan trọng để cải thiện tính hiệu quả của HĐQT. Zahra & Pearce (1989) thừa nhận rằng, những cuộc họp hiệu quả là rất cần thiết cho hoạt động của HĐQT thành công...

Với tỷ lệ các thành viên độc lập, tại mức ý nghĩa 10%, kết quả lại đưa ra mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động ROA của các ngân hàng tại Việt Nam. Kết quả này giống với kết quả của một số nghiên cứu về vai trò của thành viên độc lập trước đây (Nguyễn Mạnh Hà, 2016; Adams &Mehran, 2003; Raheja, 2005; Agrawal & Knoeber, 1996).

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho rằng, thành viên độc lập trong HĐQT có xu hướng làm giảm các xung đột lợi ích và có hiệu quả hơn trong mục tiêu làm giảm các vấn đề đại diện.

Kết quả này góp phần ủng hộ các nghiên cứu cho rằng, trong khi thành viên độc lập nâng cao chất lượng của việc giám sát thì họ cũng có thể thiếu kiến thức đầy đủ về thông tin đặc thù của DN và dẫn đến việc đưa ra các quyết định chưa được tối ưu. Tại Việt Nam, nguyên nhân là do phần lớn các thành viên độc lập không có chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi thông tin lại kém minh bạch nên các thành viên độc lập này không cập nhật kịp thời để có thể đưa ra các quyết định có lợi cho hoạt động của ngân hàng.

Nghiên cứu tìm thấy bằng chứng, tỷ lệ thành viên tham gia vào các tổ chức chính trị có mối quan hệ cùng chiều với hiệu suất hoạt động ROA của ngân hàng tại mức ý nghĩa 5%. Kết quả này tương tự như Wu, Wu & Rui (2010). Điều này có thể được hiểu rằng, tại Việt Nam, công cuộc cải cách ngân hàng đang diễn ra quyết liệt và hết sức sôi nổi, thông qua việc các thành viên HĐQT có tham gia vào các tổ chức chính trị; Chính phủ có thể truyền đạt mục tiêu cải cách cũng như đưa ra ý kiến của mình một cách gián tiếp nhằm giúp đỡ cho sự phát triển của ngân hàng nói riêng và của cả ngành ngân hàng nói chung một cách có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc này còn giúp các ngân hàng đạt được những điều kiện thuận lợi tương đối từ phía Chính phủ, nâng cao giá trị và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Những điều kiện thuận lợi đó có thể bao gồm khả năng tiếp cận với những nguồn ưu đãi chính: Khoản vay với điều kiện thuận lợi hơn (Charumilind & ctg, 2006), đãi ngộ thuế có lợi (Adhikari & ctg, 2006), giá bán chứng khoán khi IPO cao hơn (Francis & ctg, 2009).

Đối với những biến kiểm soát khác, kết quả chỉ ra rằng tại mức ý nghĩa 5%, quy mô ngân hàng có tác động âm đến hiệu quả hoạt động ROA. Tỷ lệ cho vay có tác động dương đến hiệu quả hoạt động tại các mức ý nghĩa 10%. Các biến kiểm soát còn lại đều không có tác động có ý nghĩa thống kê đối với ROA, nghĩa là vẫn chưa tìm thấy được tác động thực tế của những nhân tố này đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Hàm ý chính sách

Tại Việt Nam, quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đã thu được nhiều kết quả đáng kể, trong đó phải kể đến việc từng bước đa dạng hóa quyền sở hữu, giảm sự can thiệp của Chính phủ và đưa ra nhiều quyền kiểm soát hơn cho các nhà quản lý trong việc ra quyết định. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng xuất hiện một số vấn đề đại diện mới - xung đột lợi ích do việc tách quyền quản lý khỏi quyền sở hữu, sự vận động của giá cổ phiếu và sự chiếm quyền của các cổ đông thiểu số.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô HĐQT, tần suất của các cuộc họp và tỷ lệ thành viên có tham gia vào các tổ chức chính trị có tác động tích cực đến tính thành quả hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, kết quả cũng chỉ ra rằng, thành viên độc lập và thành viên nữ có tác động tiêu cực đến tính hiệu quả và chất lượng tài sản của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, HĐQT đóng một vai trò quan trọng trong công tác quản trị tại các ngân hàng Việt Nam và cơ cấu của HĐQT có ảnh hưởng đến động lực và khả năng của HĐQT trong trách nhiệm giám sát và đưa ra lời khuyên cho các cấp quản lý và do đó tác động đến tính hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng. Qua đó có thể khẳng định rằng, hệ thống quản trị doanh nghiệp có chất lượng là mấu chốt quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, trong bối cảnh các ngân hàng đang phải trải qua lộ trình tái cấu trúc chung của Chính phủ, nhằm chuyển đổi dần thành các định chế tài chính theo định hướng thị trường hiện đại và tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng chung cho nền kinh tế.

Kết quả của nghiên cứu này giúp cung cấp thêm thông tin cho việc định hướng và lên kế hoạch cho các cuộc cải cách trong tương lai ở Việt Nam. Để việc tái cấu trúc diễn ra thành công, thuận lợi và hiệu quả thì các nhà xây dựng chính sách nên xem xét kỹ những khía cạnh về vấn đề quản trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau cũng như với các ngân hàng nước ngoài, từ đó thúc đẩy sự đóng góp nhiều hơn nữa của hệ thống NHTM vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

Andres, P. &Vallelado, E. (2008), Corporate governance in banking: The role of the board of directors.Journal of Banking and Finance, 32, 2570-2580;Berger, A. N., Hasan, I. & Zhou, M. (2010), The effects of focus versus diversification on bank performance: Evidence from Chinese banks.Journal of Banking and Finance, 34, 1417-1435;García-Herrero, A., Gavilá, S. & Santabárbara, D. (2009), What explains the low profitability of Chinese banks?.Journal of Banking and Finance, 33, 2080-2092;Liang, Q., Xu, P. & Jiraporn, P. (2013), Board characteristics and Chinese bank performance.Journal of Banking & Finance, 37(8), 2953-2968;Lin, X. & Zhang, Y. (2009), Bank ownership reform and bank performance in China.Journal of Banking and Finance, 33, 20-29.

TS. Hoàng Trung Tiến - Đại học Công nghệ Sài Gòn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/tac-dong-cua-co-cau-hoi-dong-quan-tri-den-hieu-qua-hoat-dong-cac-ngan-hang-309360.html