Tác chiến điện tử VN huấn luyện với khí tài tối tân

Để tăng khả năng chiến đấu, giảm chi phí khi huấn luyện, Tác chiến điện tử (TCĐT) Việt Nam đang được huấn luyện với những khí tài mô phỏng cực tối tân.

Theo báo QĐND, Cục TCĐT đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngành nỗ lực nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN), sản xuất các mô hình, xây dựng phần mềm mô phỏng, đưa vào huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài TCĐT hiện đại.

Đại tá Trần Đại Hoàng, Trưởng phòng Quân huấn (Cục TCĐT) cho biết: Cục chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng, các Trung tâm: 80, 95; các Lữ đoàn: 84, 87 tập trung nghiên cứu thiết kế, sản xuất các mô hình, xây dựng phần mềm mô phỏng huấn luyện và đẩy mạnh phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để đưa vào huấn luyện, làm chủ vững chắc trang bị, khí tài TCĐT có trong biên chế.

Cán bộ, nhân viên Lữ đoàn 84 (Cục Tác chiến điện tử) huấn luyện trên khí tài chuyên dụng.

Cán bộ, nhân viên Lữ đoàn 84 (Cục Tác chiến điện tử) huấn luyện trên khí tài chuyên dụng.

Đến nay, Cục TCĐT đã cơ bản sản xuất, lắp đặt hoàn chỉnh các mô hình, phòng huấn luyện mô phỏng cho các đơn vị TCĐT toàn quân. Nhờ đó hằng năm, chất lượng huấn luyện chuyên ngành TCĐT toàn quân được nâng cao, 100% đạt yêu cầu, trên 75% khá, giỏi; các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục TCĐT đạt 100% khá, giỏi.

Hiện nay, các đơn vị TCĐT toàn quân hiện đang trang bị mô hình, phần mềm huấn luyện chất lượng cao như mô hình, phần mềm mô phỏng khí tài AJAS-1000, AJAS-5408, AJAS-20C, DDFS-500M, 1RL238/SPN-30, P-12, GN-500; TN-223; IC-746... Các mô hình, phần mềm trên đều mô phỏng đầy đủ tính năng kỹ thuật, chiến thuật khí tài.

Chẳng hạn, phần mềm mô phỏng khí tài AJAS-1000 thể hiện cơ chế trinh sát gây nhiễu điện tử, huấn luyện bộ đội nâng cao khả năng chế áp các thiết bị liên lạc vô tuyến và truyền dữ liệu số sóng ngắn ở tầm gần; phần mềm mô phỏng tổ hợp gây nhiễu điện tử SPN-30 dùng để huấn luyện gây nhiễu hoặc làm gián đoạn các thiết bị do thám và quan sát của đối phương ở tầm xa...

Các học viện, nhà trường, trung tâm huấn luyện về TCĐT được đầu tư xây dựng, trang bị giảng đường huấn luyện chuyên ngành, bảo đảm học viên nắm vững kiến thức, thao tác thuần thục trên trang bị mô phỏng, làm cơ sở để huấn luyện thực hành trên trang bị thật, qua đó giúp bộ đội làm chủ vũ khí, khí tài TCĐT hiện đại.

Buồng lái mô phỏng của Mi-8.

Cùng với hệ thống mô phỏng của lực lượng TCĐT, những năm gần đây, Việt Nam còn phát triển thành công buồng lái mô phỏng của tiêm kích Su-27 và trực thăng Mi-8 phục vụ công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Hệ thống buồng lái mô phỏng huấn luyện bay dành cho dòng trực thăng Mi-8 do quân chủng Phòng không-Không quân (PK_KQ) tự thiết kế và chế tạo dựa trên các công nghệ có sẵn trong nước là một trong những bước đột phá trong công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của binh chủng.

Hệ thống buồng tập bay dành cho trực thăng Mi-8 hiện đang được trang bị cho một số đơn vị thuộc PK-KQ, trong đó có trung đoàn trực thăng 930 (Sư đoàn 372). Hệ thống bay mô phỏng cũng được sử dụng cần điều khiển giống với cần điều khiển trực thăng ngoài đời thật.

Với hệ thống mô phỏng này, các sĩ quan huấn luyện có thể xây dựng tình huống giả định một vài bộ phận trên máy bay gặp sự cố để học viên và phi công học cách đối phó với sự cố khi đang bay.

Hệ thống mô phỏng bay có thể giúp cán bộ đào tạo đánh giá được dúng năng lực của học viên cũng như phi công, trước khi họ có thể thực hiện các bài bay tập một cách thuần thục trên những chiếc trực thăng Mi-8 thực sự.

Thanh Hà (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/tac-chien-dien-tu-vn-huan-luyen-voi-khi-tai-toi-tan-3427248/