Tác chiến điện tử Nga và EW Mỹ: khởi động cuộc đua?

Xin tiếp tục loạt bài của phóng viên quân sự chuyên mảng tác chiến điện tử Roman Skoromokhov.

Nhưng lần này là về một vấn đề chung trong lĩnh vực tác chiến điện tử Nga- Mỹ. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 18/2/2018. Ảnh trong bài là của tác giả

Phương Tây ngày càng dành một sự quan tâm đặc biệt (căn cứ vào các bài viết và ấn phẩm được đăng tải) đến các vấn đề liên quan tới hiệu quả của Bộ đội tác chiến điện tử Nga. Thành thử, họ (Phương Tây) dịch các tài liệu xuất bản tại Nga (liên quan đến tác chiến điện tử) và tìm cách phân tích các tài liệu đó.

Và vì thế, xuất hiện một cảm giác lẫn lộn. Cảm giác này buộc chúng tôi phải thực sự bắt tay vào phân tích xem ai thực sự mạnh hơn: Bộ đội điện tử Mỹ hay Bộ đội tác chiến điện tử Nga.

Trong cách giải nghĩa của Mỹ về tác chiến điện tử có nhiều thuật ngữ khác nhau “chiến tranh điện tử” (EW- Electronic Warfare) “các biện pháp đối phó chỉ huy, điều khiển và truyền tin” (С3СМ- Command, Control, Communication Countermeasure). “chiến tranh điện tử” (Electronic Combat). Nhưng về bản chất vấn đề- cơ bản vẫn là một.

Tại Mỹ, họ so sánh lực lượng của chúng ta và lực lượng của họ. Và có những lý do rất thuyết phục để làm điều đó. Ở bên kia đại dương (Mỹ) những thành tựu trong công tác thiết kế và sử dụng phương tiện tác chiến điện tử rất được chú ý.

Vấn đề không phải là câu chuyện đã xảy ra với “Donald Cook”, chính trường hợp này lại khiến các chuyên gia Mỹ cười hết cỡ và có những comment rất vui vẻ.

Thế nhưng kết quả sử dụng một số tổ hợp (tác chiến điện tử) của chúng ta tại Donbass (Ucraine) và Syria thì đã không còn làm cho chuyên gia Mỹ nào cười nhạo được nữa.

Không những thế, ngay lập tức một số chuyên gia đáng kính và được rất trọng vọng (quan điểm của họ rất được giới chức Mỹ lắng nghe và tiếp thu) như Roger N. McDermott , Sam Bendett, Michael Kofman đã lên tiếng nhận xét ngay là Bộ đội tác chiến điện tử Nga là một lực lượng đáng gờm và là một đối tượng cần nghiên cứu hết sức cẩn thận.

Theo quan điểm của các chuyên gia Mỹ nói trên, các phân đội Bộ đội tác chiến điện tử Nga được biên chế nhiều chuyên gia giỏi, được trang bị tốt, và chính Bộ đội tác chiến điện tử Nga là lực lượng có nhiều khí tài mới nhất.

Nhưng điều quan trọng nhất- Bộ đội tác chiến điện tử, xuất phát từ học thuyết sử dụng lực lượng của Nga,- đã phối kết hợp nhuần nhuyễn các hành động của mình với hoạt động của các quân binh chủng khác. Không quân tấn công, Lực lượng phòng không, Pháo binh.

Một nhân tố không kém phần quan trọng nữa đối với người Mỹ- đó là kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm mà các quân nhân của Bộ đội tác chiến điện tử Nga đã tích lũy được.

Chuyên gia Mỹ Sam Bendett đã dẫn ra một ví dụ kinh điển trong báo cáo của mình về hoạt động của các quân nhân Nga tại Syria như sau:

“Các quân nhân Nga đã phát hiện 13 máy bay không người lái (UAV),(họ) nhận dạng ngay được các UAV này, còn sau đó thì vô hiệu hóa chúng bằng nhiễu vô tuyến và đánh sập các UAV này từ xa.

Những UAV thoát được các “hàng rào”(tác chiến điện tử) trên đã bị các tên lửa của các tổ hợp phòng không bắn hạ, và kết quả là dợt tấn công của “bầy” UAV này đã bị bẻ gãy hoàn toàn. Rõ ràng là, những nỗ lực của Nga nhằm tổ chức các hoạt động chung của lực lượng tác chiến điện tử với Bộ đội phòng không đã đem lại kết quả tích cực”.

Còn theo quan điểm của Michael Kofman, các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại không chỉ làm tăng khả năng của các phương tiện kỹ thuật quân sự, mà còn cho phép các quân nhân Nga tiến hành các chiến dịch “không tiếp xúc” và “chọc thủng màng nhĩ” (nguyên văn-ND), chọc mù và làm đối phương mất hết nhuệ khí chiến đấu.

Và để làm điều đó (Nga) không cần phải xâm nhập lãnh thổ NATO. Thứ nhất, các phương tiện tác chiến điện tử Nga có cự ly hoạt động (bán kính tác động) rất lớn, thứ hai, trong những năm gần đây Nga đã tạo ra các “vùng xám”, xóa mờ ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình.

Quan điểm của ông người Mỹ như trên quả là thú vị, và quan điểm này lại làm nảy sinh một câu hỏi khác: có ai gây khó dễ cho các vị (người Mỹ) khi phải làm những điều tương tự như Nga đâu ?

Nếu nói một cách nghiêm túc, thì nếu không có những phương tiện đối phó, NATO sẽ không thể ngăn cản sự tồn tại của chính những “ vùng xám” đó . Nhưng có cần thiết không? Và tại sao hiện nay lại đã xuất hiện một tình huống như vậy?

Nói chung đây là chủ đề của một câu chuyện dài và đòi hỏi nhiều suy nghĩ, không thể nói hết trên một trang giấy.

Nhưng có lẽ, tôi nghĩ, nên bắt đầu từ học thuyết phòng thủ của hai nước. Chính những luận chứng cơ bản trong các học thuyết (phòng thủ của hai nước) đã là tiền đề tạo nên sự tụt hậu của Mỹ so với Nga trong lĩnh vực phát triển các phương tiện tác chiến điện tử.

Học thuyết được xây dựng (dựa) trên những căn cứ nào? Bạn nói đúng, căn cứ vào vị trí địa lý.

Trong chuyện này, Mỹ quá ổn. Canada ở phía Bắc và Mexico ở phía Nam. Thế là hết. Hai quốc gia hết sức có trọng lượng, với hai quân đội và hai tiềm lực quân sự đáng nể, với một chính sách đối ngoại độc lập. Nhưng nếu xét cho đến tận cùng – đó là bang thứ 51 và bang thứ 52 của Mỹ.

Thành thử, trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, chưa từng tồn tại một mối đe dọa nào từ các nước láng giềng, vâng và quả là không thể tồn tại một nối đe dọa như vậy.

Thêm nữa, bất kỳ kẻ nào muốn thử xem khả năng phòng thủ của Mỹ mạnh đến mức độ nào (nguyên văn-độ bền-ND), trước tiên phải đối mặt với hai thử thách có thể vượt qua nhưng cực kỳ khó vượt qua.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tac-chien-dien-tu-nga-va-ew-my-khoi-dong-cuoc-dua-3357247/