Tắc biên - nỗi ám ảnh của dân kinh doanh online trong mùa dịch Covid-19

Đối với dân kinh doanh online, đặc biệt là dân kinh doanh hàng thời trang, phụ kiện, đồ gia dụng... thì tắc biên là hai từ ám ảnh và đáng sợ nhất. Tình trạng khan hàng, không có hàng để bán vì hàng bên Trung Quốc đang gặp 'trục trặc' đã làm cho không ít người làm kinh doanh online phải điêu đứng.

Ở thị trường Việt Nam hiện tại, các mặt hàng bán online đa số đều nhập từ Trung Quốc với lợi thế mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt, giá thành rẻ phù hợp với thu nhập của nhiều đối tượng khách hàng nên các mặt hàng thời trang, phụ kiện có xuất xứ từ Trung Quốc hiện vẫn đang là nguồn cung chính cho các shop bán quần áo online.

Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm đã khiến tình trạng tắc biên, “cấm biên” diễn ra thường xuyên hơn. Người kinh doanh không chỉ phải hứng chịu một năm kinh tế khó khăn vì dịch bệnh mà còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng hàng không có hàng để bán do không thể nhập được hàng về.

Một loạt các cửa khẩu như Tân Thanh, Lạng Sơn, Bằng Tường, Lào Cai, Móng Cái… đều đang gặp khó khăn trong vấn đề nhập cảnh hàng hóa làm cho không ít người kinh doanh online phải lo lắng, hoang mang. Mặc dù hàng chính ngạch vẫn được thông quan nhưng cũng khá nhỏ giọt, hàng bị giữ lại để kiểm tra khá lâu dẫn đến hàng hóa về chậm hơn rất nhiều so với dự kiến gây rất nhiều khó khăn cho người bán hàng.

Tắc biên - nỗi ám ảnh của dân kinh doanh online trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh Internet).

Tắc biên - nỗi ám ảnh của dân kinh doanh online trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh Internet).

Chị Hoàng Nam, ở quận Đống Đa vốn là một dân buôn đã có kinh nghiệm nhiều năm order hàng từ Trung Quốc và các nước khác về Việt Nam. Chị kinh doanh mảng này khá tốt. Tuy nhiên thời gian vừa qua chị cũng phải lắc đầu ngao ngán khi hàng từ bên Trung Quốc mãi không được thông quan. Chị cho biết “bình thường để order (đặt hàng) hàng từ Trung Quốc về Việt Nam chậm nhất thì mất khoảng 2 tuần, nhưng đợt này dịch bệnh cộng với tắc biên cùng với việc phải xuất trình kiểm tra đầy đủ hóa đơn chứng từ… nên rất nhiều mặt hàng mình order hộ khách đã gần 3 tháng rồi hàng vẫn chưa về tới nơi. Có khách thông cảm thì chờ được, nhiều khách không thông cảm hủy ngang đơn hàng làm mình bị thiệt hại không nhỏ”.

Chị Thu Uyên, trú tại quận Thanh Xuân, vốn là chủ cơ sở kinh doanh online các mặt hàng quần áp thời trang và phụ kiện nhiều năm. Đa số các mặt hàng chị kinh doanh dành cho giới trẻ và đều nhập từ Trung Quốc về. Vốn là người có kinh nghiệm về Marketing nên chị đẩy mạnh bán hàng online rất tốt. Có những ngày tổng số đơn hàng tại các cơ sở của chị lên đến cả nghìn đơn. Mới đây chị chia sẻ “ hiện tại số đơn hàng mình đang nợ của khách đã lên đến hơn 3.000 đơn. Số đơn ngày càng tăng lên. Tiền quảng cáo và tiền hàng nằm đó tính nhanh cũng lỗ gần 1 tỷ đồng/1 tháng rồi”.

Chị cũng cho biết thêm tình trạng tắc biên, hàng về nhỏ giọt đang làm cho dân kinh doanh online các mặt hàng của Trung Quốc điêu đứng. Tuy nhiên, với những lợi thế mà các mặt hàng sản xuất ở Việt Nam không thể cạnh tranh được, nhiều cơ sở vẫn chấp nhận chịu lỗ để chờ hàng về.

Chị Ngân Phùng, hiện đang có shop kinh doanh quần áo thời trang online trên Mỹ Đình cho biết, “hiện tại nguồn hàng không còn dồi dào như trước, các bên bán buôn hàng Quảng Châu mà mình hay lấy cũng đang khan hàng, mình đang phải tìm thêm nguồn hàng thiết kế và hàng xưởng gia công trong nước để bán thêm, chứ như tình hình hiện tại không biết sẽ phải chờ đến bao giờ. Mình cũng đang đau đầu để tính tìm cách để giữ chân khách hàng trong thời gian chờ hàng về”, chị Ngân chia sẻ.

Theo tìm hiểu, hiện tại dân buôn Việt Nam đang nhập hàng từ Trung Quốc theo hai đường chính là tiểu ngạch và chính ngạch. Nhiều thương lái lựa chọn nhập khẩu hàng hóa quá đường tiểu ngạch vì thủ tục đơn giản, dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp. Một số dân buôn thừa nhận việc nhập khẩu theo đường chính ngạch vẫn đang ổn định hơn đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trở lại cũng là một trong những trở ngại rất lớn.

Thêm vào đó, thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng đang tập trung đánh mạnh vào hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… nên tình trạng tắc biên, “cấm biên” sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/tac-bien-noi-am-anh-cua-dan-kinh-doanh-online-trong-mua-dich-covid-19/20200818072443910