Ta làm sao thấy được thời gian?

Bài thơ 'Có thể' của Trương Đăng Dung mang đến những suy tư về sự tồn tại hữu hình của thời gian trong đời sống con người.

Có thể em quên rằng anh đã gặp em

hai mươi ba ngàn năm về trước

ở một bến sông.

Có thể em đã quên cánh buồm nâu ngày ấy

trôi giữa trời xanh không biết đến bao giờ.

Có thể em đã quên những dấu chân em trên cát

nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn.

Anh cảm nhận thời gian qua từng giọt nước

hai mươi ba ngàn năm trong giọt nước mắt này,

giọt nước của ngày xưa còn lại đến hôm nay.

Anh trở về với bến sông xưa,

em không nhớ thời gian nước chảy

anh không biết những ngày thơ bé ấy.

Những giọt nước qua má, qua môi

rơi xuống bàn tay nóng ấm hơi người.

Ta soi bóng.

Sông vẫn bình yên hát khúc vô tư

trời vẫn xanh như thế tự bao giờ

em tỏa sáng giữa đời anh lặng lẽ...

Anh không biết dòng sông trôi về đâu

bốn mươi sáu ngàn năm nữa.

Có thể em vẫn nhớ một ô cửa của con tàu

nơi anh đứng,

và bàn tay thấp thoáng vẫy trong đêm.

Có thể em vẫn nhớ những vầng trăng thức trắng

lá rơi thảng thốt trước thềm.

Có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói

đã tan trong sương khói

những kiếp người.

Lời bình

Không phải ngẫu nhiên giới nghiên cứu – phê bình xếp thơ Trương Đăng Dung vào dòng “thơ khó”. Đó là những bài thơ được viết nên bởi trải nghiệm rất sâu về cuộc đời, thân phận, thời gian và tình thế tồn tại của con người.

Bài thơ “Có thể” là những nghiệm suy về thời gian trong cái nhìn siêu hình, nhưng lại chạm đến vấn đề căn bản nhất của con người: sự tồn tại. Hai mươi ba ngàn năm trước hay bốn mươi sáu ngàn năm sau, quá khứ, hiện tại hay tương lai chỉ là những ước lệ mà nhân loại gắng gượng nhằm lưu dấu sự hiện diện của mình vào thời gian.

Làm sao để thấy được thời gian? Cánh buồm nâu ngày ấy, dấu chân em trên cát, giọt nước mắt giữa lòng tay ấm nóng hơi người, ô cửa con tàu, những vầng trăng thức trắng, những bóng hình, giọng nói, những kiếp người đã tan như khói sương còn in bóng thời gian… Thời gian là vô hình nhưng cũng thật hữu hình. Dẫu em nhớ hay quên, dẫu anh không thể nào biết được ngày mai, nhưng trong dòng máu, trong hơi thở, trong ký ức và trong cả mộng mơ, thời gian là hiện tại.

Chất thơ trong bài “Có thể” là nhịp điệu của những khắc khoải, mộng mơ về thời gian như thế!

Trương Đăng Dung

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ta-lam-sao-thay-duoc-thoi-gian-post1205241.html