Ta không cần Mặt trời nữa

Khoảng ba năm gần đây, tôi cắm trại và ở ngoài trời rất nhiều. Từ Indonesia, tới Mỹ, Mexico rồi Chile, mỗi mùa Mặt trời hiển thị như một tuyên ngôn về sức sống và cảm xúc loài người.

Mùa hè ở West Java như một cái máy lạnh khổng lồ, gió từ đại dương thổi vào đảo như dải khí cuốn hơi nóng và độ ẩm đi. West Java trời luôn trong vắt, không mưa giọt nào, nhưng cỏ cây xanh lựng và Mặt trời luôn ở tít trên cao. Khác với những đô thị khổng lồ ở Đông Nam Á như Jakarta, Bangkok hay Sài Gòn, ở đuôi West Java không có khói mù che kín bàn tay Mặt trời. Xe cộ ít ỏi len qua những quốc lộ chật hẹp và chậm chạp. Chiều đi lướt sóng, Mặt trời làm dinh thự huy hoàng, loang loáng ánh vàng rồi lặng lẽ mờ đi xuống hoàng hôn muộn.

Khi ấy tôi nhận ra mình không cần đến máy lạnh, không cần đến bốn bức tường bê tông kín bưng và cửa kính cường lực, không cần luồng gió lạnh phà qua chiếc quạt từ khối hộp máy treo ngoài ban công nóng hầm hầm. Có lẽ người ở xứ tôi (và nhiều xứ chạy cho kịp văn minh khác) đã quên hẳn đi rằng có thời họ chưa biết đến cái gọi là điều hòa nhiệt độ. Cha mẹ tôi sống với sân vườn gió bay, nhà ông bà bạn tôi gió thổi đầy sân mỗi trưa chim chóc ùa về. Giờ cứ mở tập san kiến trúc ra, tôi lại thấy những ngôi nhà bốn năm tầng, trụ cầu thang xoắn ốc, bốn bức tường kín bưng như loài quái vật robot. Và chúng cần máy lạnh để người tiện nghi phía trong.

Tôi quên mất gió bừng và nắng tươi có thể làm người hạnh phúc. Có một khách sạn ở làng biển West Java có máy lạnh. Lại những hộp chữ nhật to thù lù ngếch nhìn ra thế giới, quạt tròn như ánh mắt thách thức thô lậu. Bạn tôi người Indo bảo: “Dân Tây thích máy lạnh, không có máy lạnh họ sợ côn trùng không dám thuê phòng”.

Lướt sóng cùng hoàng hôn ở West Java.

Lướt sóng cùng hoàng hôn ở West Java.

Vì sợ côn trùng người ta đóng cửa nhà bật máy lạnh. Vì lỡ xây cả pháo đài bê tông, nên cần máy lạnh để thở. Vì nghe nói máy lạnh lọc khí tốt cho hơi thở, nên thôi trong đô thị dơ bẩn hắc ám, cứ đóng chặt cửa kính bật điều hòa cho trẻ con khỏe mạnh. Những tâm niệm như vậy, tôi đọc trên tờ Guardian (*) viết về thế hệ người ở phương Tây lớn lên trong điều hòa nhiệt độ, không khao khát gì hơn là ở trong bốn bức tường máy lạnh bật liên hồi. Rồi những tòa kiến trúc ở Mỹ được copy xây lại y hệt từ London, New York đến New Delhi, Thượng Hải, và rồi chắc cũng đến Thái Lan, Jakarta. Họ gọi đó là những cao ốc, những penthouse, những căn hộ sang trọng, sao chép nguyên bản không thèm tính đến khí hậu, khí trời hay thiên nhiên. Cứ lắp máy lạnh vào là xong.

Những ngôi nhà hợm hĩnh ấy, nhìn ngất trời và cười mỉa vào thế giới của nhà ngói, nhà gỗ, nhà tranh, nhà sàn, nhà đầy gió biển. Rồi Đông Nam Á cũng phải phụng sự phương Tây (hay cái ao ước sống như Tây), như một chủ khách sạn ở Sa Pa từng kể với tôi là người Hà Nội đến Sa Pa mà không thấy điều hòa nhiệt độ là đòi đổi khách sạn, dù nhiệt độ ngoài trời có khi chỉ 15-16 độ C. Cũng hệt như vậy, chiếc điều hòa nhiệt độ đại dương khổng lồ ở Indonesia không thể thỏa mãn những khách Tây láng mượt sợ côn trùng và sợ cả ánh nắng trong vắt giữa màu đại dương.

Mọi vô lý cứ tồn tại như thế cho đến khi dịch COVID-19 tới. Nhà khoa học nói virus đáp xuống các bề mặt như mặt bàn, rồi sống rất lâu ở đó nếu phòng có điều hòa nhiệt độ. Khi đọc tới đó (dù thấy mình xấu xa), tôi lại cười rất to. Lúc đó, tôi đang nằm ngoài bãi biển Mexico. Nắng trắng phau lấp lánh cát, mấy con chim màu xanh dương phản chiếu qua ánh Mặt trời thêm phần xanh hơn. Da thịt tôi đã hơi đỏ vì phơi nắng sau khi tập xong. Tôi nhắm mắt và nhớ về Mặt trời của mình. Mặt trời có thể giữ ta an toàn. Mặt trời giúp tiêu diệt vi khuẩn và virus trong không khí, hạt nước, hay đọng dính trên bề mặt.

Tôi có cả Mặt trời cho riêng mình suốt mùa hè Bắc Mỹ.

Mùa hè đó tôi cắm trại hai tháng trong sa mạc Nevada và California, từ Death Valley đến Công viên quốc gia Joshua Tree, đến Bishop, đến Red Rock ở Las Vegas. Mặt trời là một thế lực. Chỉ cần nắng bay lên, cả hoang mạc bừng tỉnh như loài thú khổng lồ vuốt cánh. Bò cạp, chim chóc, sóc, rắn, đều chậm rãi rời nơi trú để ra nhìn Mặt trời, rồi lại vội vàng trốn mất dưới bất cứ bóng râm hiếm hoi nào mà bụi cây, tảng đá ban phát. Ban ngày Red Rock có thế nóng tới 34 độ C. Mùa hè ở Indian Creek có khi vượt qua 40 độ. Nắng đến bong cả thịt da đá. Nắng thơm mùi thân cỏ cây cong mình chịu đựng. Cả thân cây cottonwood cũng bộc vỡ nứt dưới mùa hè gay gắt. Ấy vậy mà, chỉ cần chiều rơi xuống, sa mạc lạnh buốt và câm lặng.

Tôi đã đi rất xa, chỉ để học rằng sự hợm hĩnh của những đô thị đuổi theo phương Tây không hề khiến mình hạnh phúc hay sạch sẽ.

Rồi tháng Ba tôi đến Chile. Tôi quen vài người bạn ngày nào cũng xem dự báo thời tiết. Hôm nào biết sáng mai trời nắng, bạn vội gọi đi chạy bộ, đi bộ lên rừng. Ở miền Trung Chile, dù giữa mùa hè, nhưng chỉ cần đi vô bóng mát, tôi thấy rùng mình vì gió lạnh. Người Chile mê nắng trời. Họ canh nắng để đi leo núi, chờ nắng lên để chạy ra biển lướt sóng, canh buổi hoàng hôn có nắng để đem đàn ra bờ biển ca hát uống rượu vang. Một bạn tôi dù có đang làm gì, bạn cũng sẽ tìm chỗ có bóng nắng chạy ra đứng, cho ấm người, thơm da thịt.

Mỗi chiều xuống, khi Mặt trời ở cơn hưng phấn cuối cùng, tôi chạy thật nhanh ra bờ biển. Nắng ấm mơn má hồng ửng. Ngón tay như thắp lửa ấm rười rượi. Mấy chàng trai ôm ván chạy ra sóng vỗ, nắng bừng lên như một vụ nổ huy hoàng. Mùa hè Chile đó, mặt trời lặn lúc chín giờ tối, và chúng tôi ca hát bên đống lửa mà không thấy cô đơn chút nào.

Tôi cảm niệm về sự hào phóng của Mặt trời thật sâu sắc. Mỗi sớm khi tôi đem quần áo vừa giặt ra phơi dưới nắng, rồi chạm vào vải ấm áp khi khô, tôi nhớ ra lời mẹ dặn thuở nào: “Khi con phơi đồ dưới nắng, ánh Mặt trời sẽ giết hết vi khuẩn, và đồ sẽ thơm thật thơm”. Hít thật sâu mùi vải, đó là ân huệ của sự lành mạnh miễn phí mà thiên nhiên ban tặng tôi mỗi ngày. Mỗi trưa khi vươn cánh tay tập từng động tác thể dục, thấy nắng nhảy trên ngón tay, cơ thể tôi rùng mình ấm áp như được vỗ về, động viên. Toàn thể những óng ánh dịu dàng này, hơi ấm trong suốt không tốn kém này, lại là món quà giúp người khỏe mạnh hơn và giảm phần lây nhiễm từ dịch bệnh. Toàn thể những kỳ diệu này, loài người đã quay lưng chối từ cả vài chục năm trước.

Tôi trở về Sài Gòn, khó chịu ra mặt khi đến những hàng tiệm kín bưng sau tủ kính. Máy điều hòa bật lạnh buốt sống lưng hòng “cân” lại nắng mùa hè. Người ta cố sửa cái sai này bằng cái sai khác. Sửa một ngôi nhà què quặt bằng chiếc hộp điều hòa nhiệt độ vạn năng. Sửa văn phòng xây thiếu trách nhiệm và cũ kỹ bằng hàng chục chiếc hộp đặt xung quanh vài trăm mét vuông bé tẹo. Bước vào một công ty, tôi chậm chạp hít một hơi thở sâu, thấy phổi mình chèn đầy mùi chất làm thơm, thuốc tẩy, mực in, cồn rửa tay. Những mùi dị kỳ ấy không tồn tại dưới ánh Mặt trời, suốt những mùa cắm trại đi qua.

Tôi không ký vào hợp đồng nhận việc, nói em không đủ năng lực, và vội vã rời khỏi tòa cao ốc trần thấp máy lạnh đang chạy ào ào giữa mùa hè hơn ba chục độ. Tôi gấp gáp quay lại với biển Java, quay lại với sa mạc ở Nevada, quay lại với buổi chiều ngạt thở ở Death Valley (nơi Mặt trời bấu vào đất và da thịt như cuộc tra tấn ngoạn mục). Tôi quay lại vì nhớ ra ánh Mặt trời miễn phí, thiện lương, và rót đầy thân thể sự lành mạnh không cần điều kiện.

Tôi đã đi rất xa, chỉ để học rằng sự hợm hĩnh của những đô thị đuổi theo phương Tây không hề khiến mình hạnh phúc hay sạch sẽ. Tòa cao ốc văn phòng không có mùi nắng thơm hay mùi cỏ dại ướp giữa trời. Những lớp học gắn điều hòa nhiệt độ nơm nớp lo bọn trẻ con sẽ nhiễm COVID-19 vì khí tù đọng lưu ẩm.

Ở xứ đầy nắng tươi như thành phố của tôi, người ta cất nắng đi, đóng sập cửa mành, khóa kín tường bê tông - và bật điều hòa nhiệt độ như niềm kiêu hãnh giàu sang sung túc.

Đến cơn đại dịch kinh hoàng, lời khuyên bảo người hãy đi ra nắng để khỏe mạnh hơn. Hãy phơi khẩu trang dưới nắng. Hãy giảm ở trong phòng máy lạnh. Nhưng còn đâu nữa những món quà vĩ đại miễn phí của thiên nhiên. Khi người thẳng thừng từ chối cả Mặt trời.

Bài và ảnh: Khải Đơn

__________________

(*) https://www.theguardian.com/environment/2019/aug/29/the-air-conditioning-trap-how-cold-air-is-heating-the-world. Bài báo cho thấy máy điều hòa nhiệt độ đã giúp các kiến trúc sư và các công ty bất động sản có thể xây một kiểu nhà ở bất cứ chỗ nào, từ sa mạc đến vùng biển, từ nơi độ ẩm cao đến vùng nóng bức, chỉ cần lắp máy điều hòa nhiệt độ là bán được nhà, người ở thấy tiện nghi thỏa mãn, chẳng cần suy nghĩ đến kiến trúc bản địa hay đặc tính thời tiết khác biệt

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ta-khong-can-mat-troi-nua-24189.html