Tá hỏa vì tiền điện tăng vọt gấp 4 lần, khách hàng chưa đồng ý nộp tiền, điện đã bị cắt

Khi nhận hóa đơn tiền điện, một hộ dân ở TX Cửa Lò (Nghệ An) phát hoảng vì số tiền tăng vọt gấp 4 lần. Phản ánh với ngành điện thì được trả lời là công tơ đạt yêu cầu. Không đồng ý nộp tiền nên đã bị cắt điện.

Vừa qua, Infonet nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Minh (55 tuổi, trú tại khối 2, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) phản ánh về việc, hóa đơn tiền điện chu kỳ tháng 8/2020 của gia đình bà tăng vọt lên bất thường, gấp 4 lần so với những tháng trước đó. Trong khi đó, từ trước tới nay gia đình bà Minh sử dụng điện năng ổn định, giữa các tháng không chênh lệch là bao, mỗi tháng hóa đơn tiền điện dao động từ khoảng 500 đến 700 nghìn đồng.

Cụ thể theo phản ánh của bà Minh, chu kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8/2020 (tính từ ngày 20/7 đến 19/8 - PV) của gia đình bà được ngành điện cung cấp, thì số tiền gia đình bà phải trả gần 3,1 triệu đồng, số tiền này tăng một cách bất thường.

Và sau đó, đến tháng 9/2020 thì tiền điện của gia đình bà lại trở lại bình thường là 766 nghìn đồng.

Đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Minh về việc tiền điện tháng 8/2020 tăng bất thường, gấp hơn 4 lần so với những tháng trước.

Đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Minh về việc tiền điện tháng 8/2020 tăng bất thường, gấp hơn 4 lần so với những tháng trước.

Trao đổi với PV Infonet, Bà Minh cho biết: “Tôi không đồng tình với số tiền gần 3,1 triệu đồng của hóa đơn tiền điện tháng 8/2020 nên chưa nộp. Đến khi tôi nộp tiền điện của tháng 9/2020 thì bên điện lực lại không cho, bắt phải nộp tiền của tháng 8 nếu không sẽ cắt điện. Tôi tưởng họ chỉ nói vậy, ai dè họ đã cắt điện thật. Không biết kêu cứu vào đâu nên tôi đã vay mượn cho đủ số tiền của cả 2 tháng là 3.849.000 đồng thì mới được cấp điện trở lại”.

Cũng theo bà Minh, gia đình bà không có máy móc hay phương tiện gì sử dụng nhiều điện. Trong nhà chỉ có 1 cái tủ đông loại vừa, 1 cái máy giặt, tivi, quạt và bóng điện thắp sáng.

"Nếu nói là rò rỉ đường dây ngầm trong tường thì sờ vào sẽ bị giật. Hơn nữa, nó sẽ kéo dài đến khi nào khắc phục xong mới thôi. Đằng này, chỉ diễn ra duy nhất có mỗi 1 tháng", bà Minh nói.

Để được cấp điện trở lại, bà Minh phải vay mượn 3.849.000 đồng để nộp cho điện lực Cửa Lò. Trong ảnh là phiếu thu tiền điện tháng 8+9/2020 của bà Minh phải nộp là 3.849.000 đồng.

Để làm rõ vụ việc, PV đã thông tin với điện lực Cửa Lò về vấn đề này. Qua trao đổi, ông Hồ Viết Sơn, Giám đốc chi nhánh Điện lực TX Cửa Lò cho biết, trường hợp bà Minh có đến công ty phản ánh, Điện lực Cửa Lò cũng đã tiến hành đưa công tơ đi kiểm định.

“Ngành điện bán điện qua hệ thống đo đếm. Để xác minh được đúng hay sai thì phải đưa công tơ điện đến một công ty đo lường độc lập để kiểm định. Nếu giả sử đồng hồ chạy nhanh thì ngành điện có trách nhiệm trả tiền lại cho khách hàng. Còn nếu công tơ chạy chậm thì khách hàng phải chịu truy thu”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn thông tin: “Điện lực đã phối hợp với khách hàng tổ chức kiểm định công tơ tại Trung tâm đo lường chất lượng của tỉnh, nơi bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng, do Sở Công Thương quản lý. Kết quả là công tơ đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng”.

Theo ông Sơn, tiền điện tăng cao có thể do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là công tơ chạy sai; Hai là hiện tượng chạm chập hệ thống điện phụ tải; Và thứ 3 là sử dụng các thiết bị điện trong gia đình không hợp lý, và thứ 4 có thể xảy ra đó là có trường hợp nào đấu vào (ăn cắp điện - PV).

Trả lời câu hỏi về việc sau khi bà Minh phản ánh, ngành điện có xuống kiểm tra để xác định nguyên nhân hay không, ông Sơn cho biết: “Tài sản ngành điện quản lý từ trên hệ thống lưới đến công tơ. Từ sau công tơ vào nhà, trách nhiệm tài sản của khách hàng tự kiểm tra. Nếu khách hàng có yêu cầu, nhân viên ngành điện sẽ dùng thiết bị, máy móc để kiểm tra giùm”.

Lý giải về trường hợp nếu điện bị rò rỉ trong tường thì tại sao chỉ diễn ra trong 1 tháng? Giám đốc Điện lực Cửa Lò cho rằng: “Ví dụ có 1 điểm chạm, nó duy trì trong 1 thời gian thì nó không duy trì nữa, mà có thể tự tách ra. Tiếp xúc giữa 2 kim loại với nhau, 1 là nó dính chặt luôn, 2 là nó bị ô xy hóa rồi tách ra”.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận, bình thường hóa đơn chỉ 500 đến 700 nghìn đồng mà bỗng nhảy lên 3 triệu, gấp 3 đến 4 lần là bất thường. “Chỉ đột biến riêng tháng 8 thôi, còn lại là tương đương nhau”.

Thông tin chỉ số và tiền điện của hộ bà Minh từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2020 ngành điện Cửa Lò cung cấp.

Theo lịch sử của công tơ dùng điện do Điện lực Cửa Lò cung cấp, hộ bà Minh sử dụng tiền điện như sau: tháng 5/2020 sử dụng hết 638.059 đồng; tháng 6/2020 là 1.169.353 đồng; tháng 7/2020 là 364.346 đồng; và tháng 8/2020 đột biến tăng vọt lên 3.083.046 đồng; sau đó đến tháng 9/2020 còn 766.095 đồng.

Riêng tiền điện tháng 10 (tính từ ngày 20/9 đến ngày 19/10), mặc dù chưa được xuất hóa đơn nhưng điện năng tiêu thụ là 255 kw. Theo Quyết định số 648/QĐ-BCT, ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương về việc Điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện thì tương đương khoảng 510.000 đồng.

Khi PV đưa thông tin vụ việc trên trao đổi với ông Bành Hồng Hiển, Giám đốc Công ty điện lực Nghệ An, ông Hiển cho biết, Công ty chưa nhận được đơn thư phản ánh của khách hàng: “Sự việc này Công ty chưa tiếp nhận, Điện lực Cửa Lò không chủ động báo cáo lên. Tôi sẽ giao cho phòng Kiểm tra, giám sát mua bán điện của Công ty xuống làm việc với khách hàng. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo lại”.

Theo ông Hiển, sau khi nhận được kiến nghị của khách hàng, điện lực sở tại phải trực tiếp đến làm việc, khảo sát, thí nghiệm công tơ, tìm hiểu và thống nhất xác định nguyên nhân, chứ không thể suy đoán.

Ông Hiển cũng đồng ý rằng, trên nguyên tắc xác minh để khách hàng hiểu rõ và chia sẻ, chứ không phải gò ép, cưỡng chế từ 1 phía.

Trần Hoàn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/mot-ho-dan-o-cua-lo-nghe-an-phat-hoang-vi-hoa-don-tien-dien-tang-gap-4-lan-267755.html