'Ta còn gửi lửa trong than'

"Ta còn gửi lửa trong than" là một trong những bộ phim mới được chiếu trong khuôn khổ tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), nhưng tên bộ phim cũng mang theo tinh thần của cả tuần phim. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trò chuyện cùng bà Lý Phương Dung, Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL, về hoạt động nhiều ý nghĩa này.

- Bà có thể chia sẻ đôi điều về công tác tổ chức và nội dung của tuần phim?

- Tuần phim được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức trên phạm vi cả nước từ ngày 24 đến 30-7. Đây là đợt phim thực hiện nhiệm vụ chính trị được Cục Điện ảnh chú trọng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn phim và triển khai trong suốt thời gian qua. Các đơn vị, như: Công ty cổ phần Phim Giải Phóng, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã thực hiện các bộ phim truyện, phim tài liệu mới có đề tài, chủ đề phù hợp để đưa vào tuần phim. Các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hệ thống phát hành phim quân đội... sẽ trực tiếp đưa các bộ phim này đến với khán giả cả nước, đặc biệt đến với chiến sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Một cảnh trong bộ phim “Mắt biển”.

- Theo bà, đâu là những điểm nhấn đặc biệt?

- Tuần phim chính là sự kiện văn hóa - chính trị đặc biệt quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Lễ khai mạc sẽ được tổ chức trọng thể tại tỉnh Phú Thọ vào 19h30 ngày 24-7. Những buổi chiếu phim trực tiếp phục vụ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 - Sư đoàn 316 - Quân khu II tại đơn vị; phục vụ các đồng chí thương, bệnh binh và cán bộ tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ trước ngày tổ chức lễ khai mạc... cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Đặc biệt, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức đoàn cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh gồm tác giả, đạo diễn, diễn viên của những bộ phim mới sản xuất đến thăm, giao lưu với khán giả. Cục Điện ảnh đã in và cung cấp 4 bộ phim, gồm: Phim truyện mới “Mắt biển”, đạo diễn Đặng Thái Huyền và 3 phim tài liệu: “Ta còn gửi lửa trong than”, đạo diễn Phan Minh Sơn; “K10”, đạo diễn Vương Khánh Luông, “Tầng sâu bình yên”, đạo diễn Phạm Hồng Thắng tới các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cả nước và các đơn vị chiếu bóng lưu động để phục vụ nhân dân. Sau mỗi đợt phim, Cục Điện ảnh nhận được phản hồi tích cực từ các Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, các Công ty Điện ảnh trên cả nước. Có nhiều đợt, các đội chiếu bóng lưu động phục vụ được hàng nghìn lượt khán giả với hàng trăm buổi chiếu.

- Bà có thể thông tin cụ thể hơn về những bộ phim này?

- Để khán giả cảm nhận khi xem phim tôi nghĩ sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, có thể nói rằng, đây là những bộ phim có chất lượng tốt. Mỗi phim là một câu chuyện mang thông điệp khác nhau, nhưng đều đem đến cho khán giả những cảm xúc nhân văn. “Mắt biển” là câu chuyện tình yêu thời chiến dù éo le nhưng cảm động và ấm lòng, không chỉ về tình yêu, mà còn là tình bạn, tình đồng đội, tình người. “Ta còn gửi lửa trong than” là câu chuyện về một cựu tù binh trong nhà tù Mỹ - ngụy ở Phú Quốc và hành trình đi tìm kỷ vật của đồng đội để lập ra bảo tàng về các cựu tù binh, một bảo tàng tư nhân. “Tầng sâu bình yên” nói về những cựu chiến binh hàng chục năm lặn lội đi tìm hài cốt đồng đội để đón các liệt sĩ về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương...

- Thông qua nghệ thuật điện ảnh, người làm nghề chắc hẳn đều ấp ủ nhiều điều muốn chia sẻ...

- Tôi tin rằng, mỗi người nghệ sĩ khi làm phim đều mang trong trái tim mình tình yêu cháy bỏng. Với những bộ phim để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng, tác phẩm mang trong đó tình cảm sâu nặng của người làm phim. Ví như xem phim tài liệu “K10”, khán giả sẽ biết thêm về những chiến sĩ Tiểu đoàn 10 đặc công Quảng Trị (1964-1976) đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đơn vị của họ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thông điệp gìn giữ ngọn lửa kiên trung, anh dũng của người chiến sĩ cách mạng, của bao thế hệ đã đi qua chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng được chuyển tải thông qua tuần phim này.

- Ở kỳ kỷ niệm này, còn những tác phẩm nào đáng chú ý, thưa bà?

- Rất nhiều bộ phim có chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt tiếp tục được chiếu phục vụ nhân dân dịp này, như phim truyện “Chớp mắt cùng số phận”, “Mùa thu không cô đơn”, “Đường xuyên rừng”, “Những đứa con của làng”, “Trên đỉnh bình yên”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Những người viết huyền thoại”, “Sống cùng lịch sử”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùi cỏ cháy”, “Đường thư”, “Đừng đốt”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Vào Nam ra Bắc”…; phim tài liệu “Đỉnh cao chiến thắng”, “70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng”, “Ngày cuối cùng của chiến tranh”, “Điện Biên Phủ”…

- Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi!

Mai Hoa thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phim/873838/ta-con-gui-lua-trong-than