Tà áo dài xứ Huế

Tà áo dài của những người con gái xứ Huế chính là nguyên nhân say đắm lòng du khách thập phương.

Tà áo dài của những người con gái xứ Huế chính là nguyên nhân say đắm lòng du khách thập phương.

Một số hình ảnh của cuộc thi ảnh "Nữ công nhân viên chức - lao động với áo dài truyền thống".

Một số hình ảnh của cuộc thi ảnh "Nữ công nhân viên chức - lao động với áo dài truyền thống".

Ký ức về tà áo dài

Huế là nơi ra đời chiếc áo dài quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1744, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong. Sau đó, dưới thời nhà Nguyễn, trang phục này lan rộng khắp cả nước. Trong bài hát "Một thoáng quê hương", nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định: "Dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi".

Vừa qua, bộ phim "Mắt biếc" của đạo diễn Victor Vũ đã giới thiệu những tà áo dài Huế vô cùng tinh tế. Trong phim, ngôi trường mà Hà Lan theo học khi lên thành phố có tên là trường Trung học kiểu mẫu Huế. Trường Trung học kiểu mẫu Huế là một trong những ngôi trường nổi tiếng ở Huế và miền Trung lúc bấy giờ. Trường được lập ra năm 1964 và nơi trường tọa lạc của trường trước đó là Tòa Khâm sứ của Pháp. Đến mùa hè 1977, trường giải thể sau khi đào tạo 13 khóa học sinh. Cơ sở của trường sau đó thuộc về Đại học Sư phạm- Đại học Huế ngày nay. Để tái hiện lại cảnh trường Trung học kiểu mẫu Huế thời trước, đoàn làm phim "Mắt biếc" đã tổ chức casting 2.000 ứng viên ở khắp các trường trung học và đại học ở Huế và đã chọn ra 200 diễn viên quần chúng ở địa điểm này. Sau đó, đoàn làm phim đã may hơn 200 bộ áo dài và đồng phục, tìm kiếm và tỉ mỉ phục dựng hàng trăm chiếc xe đạp và cặp xách cũ theo phong cách thập niên 60-70.

Điều này khiến nhiều người nhớ đến tại Lễ hội Áo dài của Festival Huế 2002, 12 nhà tạo mẫu chuyên nghiệp đã mạnh dạn sử dụng 550 người mẫu không chuyên là các nữ sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THPT Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa). Lễ hội Áo dài kỳ Festival Huế năm đó tuy chưa chuyên nghiệp như bây giờ nhưng đã làm cho các du khách ngẩn ngơ trước vẻ quyến rũ của các cô gái xứ Huế trong những chiếc áo dài.

Cũng như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Mắt biếc" thu hút người xem vì đây là những bộ phim dựa theo cốt truyện tình cảm tâm lý nhẹ nhàng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đặc biệt, đối với "Mắt biếc", tình cảm của Ngạn tựa như một người con trai Huế, yêu nhưng không dám bộc lộ. Đôi mắt biếc, mái tóc dài, tà áo dài trắng của Hà Lan cũng tinh khôi như hình ảnh của nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa của Huế. Bởi vậy, ngoài cảnh đẹp xứ Huế, tính cách và văn hóa của con người xứ Huế cũng đã khiến cho bộ phim "Mắt biếc" đọng lại không những trong đôi mắt mà còn trong tâm trí của khán giả.

Hành động hưởng ứng

Liên đoàn Lao động tỉnh TT- Huế hiện đang tổ chức cuộc thi ảnh "Nữ công nhân viên chức- lao động với áo dài truyền thống" trên mạng xã hội facebook. Cuộc thi kéo dài từ ngày 20-2 đến ngày 5-3-2020. Được biết, cách đây 2 năm, UBND tỉnh TT- Huế đã ban hành Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh TT- Huế, trong đó có quy định: "Cán bộ, công chức, viên chức nữ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mặc bộ áo dài truyền thống vào ngày thứ hai hàng tuần". Tiếp đó, vào tháng 9-2018, với mong muốn nâng cao vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, làm cho Huế đẹp hơn trong mắt bạn bè và du khách, Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế Phan Ngọc Thọ cũng đã có Thư ngỏ gửi các trường học đại học, cao đẳng, trung cấp và trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh về việc hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống. Trong năm 2019, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và Ngày phụ nữ Việt Nam (20-10) năm 2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cũng đã có chương trình miễn phí vé tham quan dành cho nữ du khách mặc áo dài truyền thống khi vào các điểm di tích Huế. Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cũng đã có sự ưu ái này dành cho nữ du khách mặc áo dài truyền thống.

Theo Sở VH-TT tỉnh TT- Huế, trong dịp Festival Huế 2020, đơn vị sẽ tổ chức "Ngày hội Áo dài Huế". Dự kiến, ngày hội gồm có các hoạt động chính như tri ân tiền nhân khai sáng áo dài Việt Nam; biểu diễn thực cảnh áo dài xưa và nay... Ngoài ra, còn có chương trình phát động phụ nữ Huế nói chung, cán bộ công chức, viên chức, các nữ sinh viên, học sinh Huế trên địa bàn tỉnh tham gia mặc áo dài trong thời gian diễn ra Festival Huế và quảng diễn áo dài Huế trong các hoạt động cộng đồng.

Hòa chung với cả nước, từ ngày 2-3 đến ngày 8-3-2020, Huế cũng sẽ hưởng ứng "Tuần lễ phụ nữ mặc áo dài" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ VH-TT&DL phát động. Đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, 110 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_221428_ta-ao-dai-xu-hue.aspx