T-90S của Ấn Độ 'gặp khó' trước tăng Type 15 của Trung Quốc

Ấn Độ đã điều động 'xe tăng bay' T-90S đến thung lũng Galwan tranh chấp với Trung Quốc, loại tăng này sẽ ra sao khi đối mặt với xe tăng hạng nhẹ Type 15 của Bắc Kinh?

Theo báo cáo của Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 2/7, Quân đội Ấn Độ đã triển khai xe tăng T-90S ở thung lũng Galwan – nơi đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc và New Delhi đã chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ nhất” xảy ra.

Xe tăng T-90S được truyền thông Ấn Độ coi là dòng xe tăng đáng tin cậy nhất thế giới, truyền thông Trung Quốc không nhất trí với quan điểm này và đã cho rằng, xe tăng Type 15 do nước này chế tạo có thể dễ dàng chiến thắng T-90S ở “thung lũng tuyết” Galwan, do đây là dòng tăng được chế tạo để chiến đấu ở các khu vực có địa hình đặc biệt như cao nguyên và vùng nước ngập nông.

Xe tăng T-90S được Ấn Độ nhập khẩu từ Nga. Nguồn: eastday.com.

Xe tăng T-90S được Ấn Độ nhập khẩu từ Nga. Nguồn: eastday.com.

Báo cáo của Hoàn Cầu nhấn mạnh, trước hết, lịch sử đối đầu của các loại xe tăng cùng đời và có trình độ kỹ thuật ngang nhau, trọng tải của xe tăng thường tương đương với sức mạnh chiến đấu của nó. Khi chiến đấu ở khu vực đồng bằng, có địa hình thấp hơn so với mực nước biển, xe tăng T-90S với trọng tải trên 40 tấn hoàn toàn có lợi thế khi đối mặt với xe tăng Type 15 trọng tải 30 tấn.

Tuy nhiên, nếu khu vực chiến đấu bị giới hạn ở những khu vực có độ cao lớn như thung lũng Galwan, xe tăng Type 15 có thể phát huy tối đa điểm mạnh và hoàn toàn khắc phục được những điểm yếu, đây là nhân tố chính giúp nó đạt được lợi thế nhất định so với T-90S.

So sánh một cách đơn giản giữa T-90S và Type 15 trên 3 khía cạnh: Hỏa lực, phòng thủ và cơ động. Vũ khí chính được trang bị T-90S là pháo nòng trơn 2A46M-1 125 mm, ở khoảng cách 2 km, đạn xuyên giáp của loại pháo này có thể xuyên thủng một tấm thép 630 mm. Ngoài đạn xuyên giáp và đạn nổ sát thương, tháp pháo của T-90S còn có thể sử dụng đạn dẫn đường bằng laser và tên lửa chống tăng.

Type 15 được trang bị pháo nòng xoắn L7 có cỡ nòng 105 mm, về cỡ nòng và sức mạnh, nó thực sự kém hơn nhiều so với pháo nòng trơn 125 mm trên T-90S. Tuy nhiên, loại pháo này vẫn có khả năng sử dụng nhiều loại đạn thậm chí là tên lửa. Đặc biệt khi sử dụng đạn xuyên giáp DTW2-105mm do Trung Quốc chế tạo, nó có thể xuyên thủng tấm thép dày 600 mm với khoảng cách cùng với T-90S, tức 2 km.

Xe tăng hạng nhẹ Type 15 của Quân khu Tây Tạng. Nguồn: eastday.com.

Về khả năng phòng thủ, T-90S có khả năng phòng thủ tương đối mạnh mẽ với lớp giáp bảo vệ của T-90S dày 530 mm và lớp giáp chống đạn xuyên giáp dày 520 mm. Ngược lại, do giới hạn của tổng trọng lượng, hiệu suất phòng thủ của Type 15 chắc chắn không tốt bằng T-90S. Tuy nhiên về tổng thể, trong trường hợp Type 15 và T-90S đối đầu với nhau, do không thể phòng thủ trước tháp pháo chính của nhau, nên yếu tố quyết định đến sự sống còn lại chính là tính cơ động.

Xe tăng Type 15 sử dụng động cơ diesel mới có công suất khoảng 1.000 mã lực, với tổng trọng lượng chỉ khoảng 30 tấn, tốc độ của nó có thể lên đến 70 km/h. Thậm chí ở địa hình băng tuyết như thung lũng Galwan với độ cao 4.500 mét so với mực nước biển, tốc độ tối đa của nó vẫn có thể đạt gần 60 km/h. Nhờ sử dụng hệ thống tăng áp hai giai đoạn, tổn thất mô-men xoắn của động cơ diesel chỉ là 12%, đảm bảo khả năng hành trình việt dã của loại tăng này.

Ngược lại, mặc dù T-90S cũng có công suất động cơ khoảng 1.000 mã lực, nhưng trọng lượng của nó lại lên đến 46 tấn, tỷ lệ công suất trên trọng lượng của nó chỉ bằng 2/3 so với Type 15. Ở địa hình cao nguyên trên 4.000 mét so với mực nước biển, sức mạnh động cơ diesel của T-90S phải giảm ít nhất 40% và cũng rất khó điều khiển. Do đó, khi chiến đấu trên địa hình cao nguyên có độ cao hơn 4.000 mét, T-90S sẽ khó thực hiện các thao tác chiến thuật cơ bản, trong khi xe tăng hạng nhẹ Type 15 loại vẫn duy trì tốc độ 60 km/h.

Ngoài lợi thế trên, xe tăng Type 15 còn một lợi thế quan trọng nữa đó là, đây là loại tăng do Trung Quốc chế tạo để chiến đấu trên địa hình trong nước, do đó nó có độ phù hợp cao với kíp lái và có khả năng nhận biết chiến trường tốt, có thể dễ dàng chia sẻ thông tin tình báo với binh lính, máy bay không người lái và các hệ thống tấn công khác.

Trong khi đó, T-90S là tăng được Ấn Độ nhập khẩu từ Nga, do đó khả năng thông tin hóa của loại tăng này tương đối thấp, vì vậy, nó hoàn toàn có thể bị động hứng chịu đợt hỏa lực bất ngờ đầu tiên của Type 15, không chỉ thế, T-90S hoàn toàn có thể rơi vào thế trận “lấy đông đánh ít” do khả năng nhận biết chiến trường kém ở địa hình cao nguyên. Trong một số hoàn cảnh nhất định, điều này cũng có thể quyết định chiến thắng hay thất bại trên chiến trường.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là giả thuyết “không tưởng” do truyền thông Trung Quốc đưa ra. Trên thực tế, trong môi trường chiến đấu hiện đại, không có trường hợp xe tăng “một đối một” mà là kết hợp nhiều phương thức tấn công giữa các lực lượng. Bộ binh với xe tăng sẽ là lực lượng thu dọn chiến trường cuối cùng, còn lực lượng tiên phong sẽ là máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/t-90s-cua-an-do-gap-kho-truoc-tang-type-15-cua-trung-quoc-257626.html